- Đối tượng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là:
+ Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam.
+ Người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam là Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam và những người khác có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi, vị trí của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam:
Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam thực hiện từ khi có việc tạm giữ, tạm giam và kết thúc khi chấm dứt việc tạm giữ, tạm giam. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là một trong các công tác kiểm sát thực hiện chức năng của VKSND nhằm đảm bảo:
+ Việc tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của pháp luật;
+ Chế độ tạm giữ, tạm giam được chấp hành nghiêm chỉnh;
+ Tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
Căn cứ Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 thì khi thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
+ Thường kỳ và bất thường trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam;
+ Kiểm tra hồ sơ, tài liệu của cơ quan cùng cấp và cấp dưới có trách nhiệm tạm giữ, tạm giam; gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về việc giam, giữ;
+ Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc tạm giữ, tạm giam;
+ Yêu cầu cơ quan cùng cấp và cấp dưới quản lý nơi tạm giữ, tạm giam kiểm tra những nơi đó và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;
+ Yêu cầu cơ quan cùng cấp, cấp dưới và người có trách nhiệm thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;
+ Kháng nghị với cơ quan cùng cấp và cấp dưới yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 thì trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm:
+ Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong tạm giữ, tạm giam; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam;
+ Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong việc tạm giữ, tạm giam thì khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự.