.

Thứ tư, 24/04/2024 -15:16 PM

Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ: Hướng đến mô hình tố tụng phù hợp thực tiễn

 | 

Tại phiên họp thứ 3 (sáng qua – 22/12), dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ (BCĐ CCTP) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, BCĐ đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án “Nghiên cứu việc chuyển VKS thành Viện Công tố” và Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” (do VKSNDTC xây dựng phục vụ đổi mới và hoàn thiện VKS, đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ, CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49)
 
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại phiên họp

Mô hình tố tụng hỗn hợp, đề cao vai trò luật sư

Phó Trưởng BCĐ CCTP Nguyễn Văn Quyền cho biết, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đề nghị xây dựng mô hình tố tụng hình sự pha trộn theo hướng tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự hiện hành (tố tụng thẩm vấn), tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Cụ thể là phân vai các chủ thể tố tụng gắn với sự phân chia các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự với chủ thể buộc tội (cơ quan điều tra VKS), chủ thể gỡ tội (LS và những người bào chữa khác), TA và những chủ thể tố tụng khác. Tạo lập cơ chế bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên buộc tội và bào chữa, đề cao vai trò người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng. Không chia thành 2 dòng “người tiến hành tố tụng” và “người tham gia tố tụng” như hiện nay. Còn TA chỉ thực hiện chức năng xét xử, không thực hiện việc buộc tội bị cáo. Bất kỳ thẩm quyền nào của TA mâu thuẫn với chức năng xét xử đều phải bị loại bỏ.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho biết, đề án theo xu thế chung đặt các cơ quan tố tụng về đúng vị trí với TA là trung tâm, là “lõi” của hoạt động tư pháp. Đặc biệt tăng cường tối đa vai trò của người bào chữa (LS), trách nhiệm của cơ quan công tố trong hoạt động điều tra và tăng cường giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp để hoạt động tư pháp minh bạch, dân chủ, để người dân “tâm phục khẩu phục” với các kết quả hoạt động tư pháp.

Đa số các thành viên BCĐ đã đồng tình với mô hình này. Theo ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam), đảm bảo dân chủ phải nâng cao tranh tụng tại tòa, nâng cao vai trò, chất lượng của hội thẩm nhân dân, LS. Hiện này việc này đang nặng về xét hỏi, nhiều khi khiến bị cáo “sợ” do bị “lấn át” mà không thực hiện được quyền bào chữa của mình, LS cũng không có điều kiện để bào chữa nên nhiều vụ kêu oan là do thiếu dân chủ trong quá trình xét xử.

Cũng nhấn mạnh đến vai trò LS trong tố tụng tranh tụng, LS.Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) đề nghị, tranh luận phải bắt đầu từ khi khai mạc phiên tòa đến lúc nghị án. Thực tế phần xét hỏi chiếm 70% để xác định bản chất vụ án, nhưng nay chủ yếu là hội đồng xét xử hỏi là không bình đẳng, thiếu khách quan. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để LS có điều kiện thu thập chứng cứ gỡ tội cho thân chủ và được công nhận là chứng cứ tại tòa.

Tán thành với quan điểm của LS. Lê Thúc Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, “Tranh tụng là đột phá trong CCTP nên tranh tụng không chỉ ở tòa”. Bên cạnh đó, CCTP đòi hỏi nền TP minh bạch để mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin để tranh tụng. Muốn vậy, “cán bộ tiến hành tố tụng phải có bước phát triển về chất, không thể “áp đặt 1 chiều” – ông Liên đề nghị.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, mô hình tranh tụng chưa phù hợp với điều kiện ở nước ta. Trong điều kiện dân trí và kinh tế hiện nay thì không phải ai ra tòa cũng có thể thuê LS. Mà nếu có LS công cũng không đáp ứng được hết nhu cầu xã hội. Hiện mới có 20% các vụ án hình sự có sự tham gia của LS, riêng năm 2011 chỉ 5.800 vụ trong tổng số 70.000 vụ án hình sự có LS tham gia bào chữa. Nên mô hình hỗn hợp như xu thế toàn cầu là hợp lý, nhưng phải nhấn mạnh vai trò thẩm vấn của TA và đề cao vai trò của LS.

Xem xét chức năng kiểm sát khi TA là trung tâm

Thảo luận về Đề án “Nghiên cứu chuyển VKS thành Viện Công tố”, các thành viên BCĐ tỏ ra băn khoăn về việc khôi phục chức năng kiểm sát chung của VKS. Có ý kiến cho rằng chỉ nên kiểm sát chung, tập trung ở hai lĩnh vực là ban hành VBQPPL của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND và UBND; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, như vậy là không hợp lý khi trình độ lập pháp và chất lượng VBQPPL hiện nay đã có sự tiến bộ về chất. Hơn nữa, Bộ Tư pháp đã có chức năng theo dõi thi hành pháp luật, nếu như vậy sẽ chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.

Chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của VKS cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi. Với quan điểm, khi TA là trung tâm của hoạt động xét xử thì không thể có cơ quan nào “đứng trên”, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, việc giao cho VKS vừa thực hành quyền công tố vừa kiểm sát hoạt động xét xử tại tòa gây ra sự bất bình đẳng giữa công tố viên (bên buộc tội) và LS (bên gỡ tội). Như vậy, khó xây dựng được mô hình tranh tụng khách quan, thẳng thẳn theo yêu cầu CCTP.

Cũng đồng tình với Thứ trưởng Liên, một số ý kiến cho rằng, việc kiểm sát hoạt động xét xử tòa án nên thực hiện thông qua cơ chế kháng nghị của Viện trưởng VKSND cùng cấp hoặc cấp trên và hoạt động kiểm tra, giám đốc án của hệ thống TA. Nếu giữ chức năng kiểm sát chung thì “việc gì cũng kiểm sát được, trong khi đã có hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra là không cần thiết, thậm chí gây bức xúc cho cơ quan, tổ chức, nhất là doanh nghiệp” – ông Phạm Quốc Anh phản ánh. Chức năng kiểm sát điều tra của VKS cũng đang có nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Do vậy, Trưởng BCĐ – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, “trong giai đoạn hiện nay việc chọn mô hình tố tụng hình sự cần phải xuất phát, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát, giám sát” và đề nghị VKSNDTC tiếp thu ý kiến các thành viên BCĐ, hoàn chỉnh Đề án, chuẩn bị cho việc thảo luận vào phiên họp tiếp theo của BCĐ (dự kiến vào cuối tháng 2/2012)

Theo TTĐT Bộ tư pháp 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,751,298
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.136.97.64

    Thư viện ảnh