Ngày 5/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 tổ chức Phiên họp thứ nhất. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp.
Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu kết luận Phiên họp . (Ảnh: TH)
Tại Phiên họp, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định số 39-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 và Quyết định số 40-QĐ/TW quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, cơ quan tham mưu, giúp việc và chế độ, chính sách cán bộ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011- 2016 (Ban Chỉ đạo) gồm 15 thành viên và một số ủy viên chuyên trách. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Trong đó, đồng chí Lê Thị Thu Ba làm Phó Trưởng Ban thường trực.
Tại Phiên họp, các thành viên đã tập trung thảo luận về phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương 2011- 2016; Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo từ nay đến cuối năm 2011 và việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban thư ký Ban chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Cải cách tư pháp là phải đổi mới trên nhiều phương diện. Việc đổi mới phải được nghiên cứu theo phương pháp kế thừa và phát huy. Bên cạnh đó, cần học tập và nghiên cứu một số mô hình của quốc tế; cần tổng kết thực tiễn, lắng nghe báo cáo hệ thống tư pháp Trung ương, đặc biệt là địa phương và các tổ chức xã hội khác, qua đó, nắm được những vướng mắc để kịp thời đưa ra các biện pháp giải quyết.
Về hoạt động kiểm tra tiến trình cải cách tư pháp ở các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Ban Chỉ đạo cần đi sâu sát vào thực tiễn ở các địa phương, tránh tình trạng chỉ nghe báo cáo thành tích của từng địa phương. Liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, cơ quan tham mưu, giúp việc trong nhiệm kỳ này đã có những đổi mới theo hướng tập trung dân chủ, tuy nhiên, cần bổ sung thêm thành phần thư ký để giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cũng cho rằng: Cần bổ sung thêm các thành viên giúp việc cho Ban chỉ đạo, đặc biệt trong các ngành Tư pháp, Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân. Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, các thành viên phải có mặt đầy đủ để trưng cầu ý kiến thông qua các dự thảo hay Đề án. Nếu thành viên nào vắng mặt, có thể ủy quyền cho người khác thay mình tham dự và cho ý kiến để đảm bảo nội dung các Phiên họp của Ban Chỉ đạo được thông suốt. Về việc kiểm tra tiến trình cải cách tư pháp ở địa phương, nên tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Nếu địa phương nào làm tốt cần nhân rộng điển hình. Ngược lại, nếu địa phương nào còn khó khăn, vướng mắc thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời...
Kết luận Phiên họp, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: Để thực hiện tốt vị trí, chức năng của Ban Chỉ đạo, các thành viên trong Ban Chỉ đạo cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, qua đó, xác định việc đẩy mạnh cải cách tư pháp là nhiệm vụ chủ yếu của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội và toàn dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan phải trên cơ sở kế thừa, phát huy và khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong những nhiệm kỳ trước.
Đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị: Cần làm rõ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; xem xét bổ sung thêm các thành viên Ban Thư ký Ban chỉ đạo và ban hành quy chế nội bộ của Ban Chỉ đạo. Mặt khác, xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp, trong đó, tập trung về các vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 92.../.
Theo ĐCSVN