ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 21/01/2025 -07:48 AM

3. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC DÂN SỰ

 | 

3.1. Những nội dung Kiểm sát viên cần chú ý khi kiểm sát giải quyết việc dân sự

Những việc dân sự mà Viện kiểm sát phải tham gia tố tụng.

- Các yêu cầu về dân sự quy định tại Điều 26 BLTTDS;

- Các yêu cầu về hôn nhân gia đình quy định tại Điều 28 BLTTDS;

- Các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 BLTTDS;

- Các yêu cầu về lao động quy định tại Điều 32 BLTTDS.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát giải quyết những yêu cầu dân sự, Kiểm sát viên cần phân biệt việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp cụ thể sau:

- Đối với những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8 Điều 26; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28; khoản 1 và khoản 4 Điều 30; khoản 3 Điều 32 của BLTTDS, Viện kiểm sát áp dụng những quy định tại Chương XX, Chương XXI, Chương XXII, Chương XXIII, Chương XXIV Phần thứ Năm và những những quy định khác của BLTTDS không trái với những quy định của Chương này để kiểm sát giải quyết những việc dân sự đó.

- Đối với những việc dân sự quy định tại các khoản 5 Điều 26; khoản 6 Điều 28; khoản 2 và khoản 3 Điều 30; khoản 1, 2 Điều 32 của BLTTDS, Viện kiểm sát áp dụng quy định riêng biệt được quy định tại Phần thứ Sáu BLTTDS về “Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Toà án nước ngoài; quyết định của trọng tài nước ngoài” để kiểm sát giải quyết những việc dân sự tương ứng.

- Những việc dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 30 và Điều 340 BLTTDS, khi giải quyết cần áp dụng những quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Về thời hiệu, thời hạn giải quyết việc dân sự

- Kiểm sát viên cần phải căn cứ vào các quy định sau để xác định thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

+ Căn cứ Điều 154 BLDS thì thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

+ Căn cứ khoản 4 Điều 155 BLDS và khoản 2 Điều 159 BLTTDS thì thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Căn cứ khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì đối với trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu đựơc quy định như sau: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm; thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

+ Những trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hiệu yêu cầu là những trường hợp được quy định tại tiểu mục 2.1 Mục 2 Phần IV Nghị quyết số 01/2005.

- Kiểm sát viên phải căn cứ vào các quy định sau để xác định thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp:

+ Căn cứ Điều 320 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó, Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu;

+ Căn cứ Điều 336 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết là không quá 30 ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu;

+ Căn cứ Điều 325 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là hai mươi ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó, Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu;

+ Căn cứ Điều 331 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích là không quá 20 ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu;

+ Căn cứ Điều 354 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam là bốn tháng kể từ ngày thụ lý và Toà án phải mở phiên họp trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu;

+ Căn cứ Điều 368 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của trọng tài nước ngoài là hai tháng, kể từ ngày thụ lý và Toà án phải mở phiên họp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

- Kiểm sát viên phải căn cứ vào các quy định sau để xác định thời hạn kháng cáo:

+ Căn cứ Điều 317 BLTTDS thì thời hạn kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự là 7 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. Riêng đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 358, khoản 2 Điều 372 BLTTDS, thì thời hạn kháng cáo được quy định riêng, cụ thể là:

+ Căn cứ khoản 1 Điều 358 BLTTDS thì đối với thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định theo Điều 354, Điều 355 BLTTDS dù đó là quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc quyết định công nhận và cho thi hành hay không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

+ Căn cứ khoản 2 Điều 372 BLTTDS thì đối với thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định theo Điều 368, Điều 369 BLTTDS, dù đó là quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc quyết định công nhận và cho thi hành hay không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài.

+ Trong những trường hợp trên, nếu người yêu cầu và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết việc dân sự không có mặt tại phiên họp thì thời hạn đó tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không thể kháng cáo trong thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn kháng cáo.

- Kháng nghị của Viện kiểm sát:

+ Thẩm quyền: Căn cứ Điều 316, Điều 317 BLTTDS thì thẩm quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự thuộc về Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Trường hợp quy định tại Điều 358, Điều 372 BLTTDS, thì Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự của Toà án. Thẩm quyền kháng nghị còn được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Quy chế KSDS.

+ Phạm vi kháng nghị: Căn cứ Điều 316 BLTTDS thì Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ các quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của BLTTDS đó là một số việc dân sự, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật ngay nên không có trình tự kháng nghị theo thủ tục “phúc thẩm” của Viện kiểm sát. Cụ thể là các việc dân sự sau: Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (khoản 2 Điều 28 BLTTDS); Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (khoản 3 Điều 28 BLTTDS).

+ Thời hạn kháng nghị: Căn cứ Điều 316, Điều 317 BLTTDS thì Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 7 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. Đối với quyết định về việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 30 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 358 và khoản 2 Điều 372 của BLTTDS.

+ Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị: Căn cứ Điều 256 BLTTDS thì trong trường hợp xét thấy kháng nghị không cần thiết thì trước khi mở phiên họp cũng như tại phiên họp phúc thẩm, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự của Toà án. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới thì phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị.

Về thành phần tham gia giải quyết việc dân sự

- Thành phần giải quyết việc dân sự:

Căn cứ khoản 1 Điều 55 BLTTDS thì những loại việc dân sự khi giải quyết phải có ba Thẩm phán là:

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (Khoản 5 Điều 26 BLTTDS);

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án quyết định về hôn nhân gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (Khoản 6 Điều 28 BLTTDS);

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (Khoản 2 Điều 30 BLTTDS);

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của trọng tài nước ngoài (Khoản 3 Điều 30 BLTTDS);

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (Khoản 1 Điều 32 BLTTDS);

+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của trọng tài nước ngoài (Khoản 2 Điều 32 BLTTDS);

+ Các yêu cầu khác về lao động mà pháp luật có quy định (Khoản 3 Điều 32 BLTTDS).

+ Ngoài ra, việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự cũng luôn luôn là ba Thẩm phán.

Những yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động khác không thuộc các trường hợp nêu trên (các trường hợp mà việc giải quyết phải có 3 Thẩm phán) đều do một Thẩm phán giải quyết.

Thành phần giải quyết những yêu cầu về kinh doanh, thương mại: Căn cứ khoản 3 Điều 55 BLTTDS thì thành phần giải quyết những yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại, cụ thể:

+ Đối với việc Toà án chỉ định Trọng tài viên, chủ tịch Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên duy nhất sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật TTTM;

+ Việc thay đổi Trọng tài viên theo Điều 42 Luật TTTM;

+ Việc xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật TTTM;

+ Việc giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật TTTM;

+ Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật TTTM;

+ Việc huỷ phán quyết trọng tài được thực hiện theo quy định tại các Điều 68, Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72 Luật TTTM.

- Thành phần tham gia phiên họp

+ Tham gia phiên họp của Viện kiểm sát nhân dân: Căn cứ khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 313, khoản 2 Điều 355, khoản 1 Điều 362, khoản 2 Điều 369 BLTTDS; khoản 3 Điều 71 Luật TTTM thì khi Toà án mở phiên họp giải quyết việc dân sự thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia tất cả các phiên họp đó.

+ Tham gia phiên họp của những người khác:

Căn cứ Điều 313 BLTTDS thì việc mở phiên họp để giải quyết việc dân sự là công khai. Toà án phải triệu tập người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ tham gia phiên họp. Người có đơn yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Toà án hoãn phiên họp. Tuy nhiên, nếu người có đơn yêu cầu đề nghị giải quyết việc dân sự không có sự tham gia của họ thì Toà án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.

Trường hợp người có đơn yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, trong trường hợp này, quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do BLTTDS quy định vẫn được bảo đảm. Trường hợp này họ vẫn phải tiến hành việc yêu cầu lại từ đầu, phải nộp lệ phí (nếu loại việc dân sự đó pháp luật quy định phải chịu lệ phí).

Ngoài những người nêu trên, người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng được triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp. Nếu những người này vắng mặt thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp. Nếu phiên họp vẫn tiếp tục Toà án có thể công bố lời khai, tài liệu, chứng cứ do người đó cung cấp hoặc đã khai với Toà án. Toà án chỉ hoãn phiên họp khi thấy sự vắng mặt của họ sẽ dẫn đến Toà án không thể tiến hành phiên họp bình thường hoặc dẫn đến ra phán quyết không chính xác.

3.2. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát giải quyết việc dân sự

Kiểm sát việc thông báo thụ lý việc dân sự

- Hoạt động kiểm sát việc thông báo thụ lý việc dân sự được xác định từ khi Toà án gửi văn bản thông báo thụ lý việc dân sự cho Viện kiểm sát.

- Khi nhận được thông báo thụ lý việc dân sự, Kiểm sát viên được phân công phải vào sổ thụ lý để theo dõi, kiểm tra văn bản thông báo thụ lý việc dân sự theo những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTDS và quy định tại Điều 174 BLTTDS và Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 03/2005.

- Lập phiếu kiểm sát theo dõi vi phạm để tổng hợp kiến nghị với Toà án các vi phạm về thời hạn gửi thông báo, nội dung, hình thức thông báo; theo dõi quyết định chuyển việc dân sự của Toà án.

- Báo cáo Lãnh đạo Viện ra văn bản kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS, nếu thấy văn bản thông báo thụ lý việc dân sự của Toà án có vi phạm pháp luật.

Kiểm sát phiên họp giải quyết việc dân sự theo trình tự sơ thẩm.

- Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên họp:

- Nghiên cứu hồ sơ:

+ Căn cứ khoản 1 Điều 313 BLTTDS để kiểm sát thì sau khi ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, Tòa án gửi ngay quyết định và hồ sơ giải quyết việc dân sự cho VKSND cùng cấp để nghiên cứu. Thời hạn để Viện kiểm sát nghiên cứu là 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ (khoản 1 Điều 313, Khoản 2 Điều 354; khoản 1 Điều 362; khoản 2 Điều 368 BLTTDS và khoản 2 Điều 71 Luật TTTM).

+ Kiểm sát viên phải kiểm tra thủ tục thụ lý và xem xét đơn yêu cầu do Toà án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự .

+ Nghiên cứu nội dung việc dân sự để chuẩn bị ý kiến của Viện kiểm sát để phát biểu tại phiên họp.

- Chuẩn bị phát biểu ý kiến tại phiên họp và lập hồ sơ kiểm sát:

+ Kiểm sát viên chuẩn bị nội dung ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát về giải quyết việc dân sự và báo cáo lãnh đạo Viện cấp mình về việc giải quyết việc dân sự đó.

+ Kiểm sát viên phải lập hồ sơ kiểm sát để chuẩn bị tham gia phiên họp. Việc lập hồ sơ kiểm sát được thực hiện tương tự như khi kiểm sát vụ án dân sự.

- Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên họp:

+ Kiểm sát viên căn cứ các Điều 313, Điều 314, Điều 315 BLTTDS để thực hiện giống với phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án dân sự.

+ Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục, thành phần giải quyết việc dân sự.

- Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên họp:

+ Kiểm sát viên kiểm sát việc Toà án gửi quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 5 ngày làm việc theo quy định tại Điều 315 BLTTDS;

+ Báo cáo kết quả phiên họp với Lãnh đao Viện kiểm sát, đề xuất Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (nếu còn thời hạn kháng nghị thuộc thẩm quyền Viện trưởng cùng cấp) hoặc báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị (nếu hết thời hạn kháng nghị thuộc thẩm quyền Viện trưởng cùng cấp) khi xét thấy quyết định của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét đơn yêu cầu có vi phạm pháp luật về nội dung hay có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

+ Hoàn thiện hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự.

- Hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự phải có các văn bản và thể hiện được các nội dung chủ yếu sau:

+ Văn bản thông báo thụ lý việc dân sự của Toà án;

+ Đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn đơn yêu cầu;

+ Yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có);

+ Các tài liệu, chứng cứ do Toà án tự thu thập hoặc thu thập theo yêu cầu của đương sự theo quy định tại Mục 1 Phần IV Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ”;

+ Quyết định phân công thay đổi Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự của Viện trưởng Viện kiểm sát;

+ Bản nhận xét đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự, quan điểm về giải quyết việc dân sự của Kiểm sát viên (Kiểm tra viên, chuyên viên) được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, tham gia phiên họp giải quyết vụ việc dân sự;

+ Bản chuẩn bị về những vấn đề cần hỏi tại phiên họp;

+ Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết việc dân sự;

+ Diễn biến và kết quả phiên họp;

+ Quyết định về giải quyết việc dân sự của Toà án;

+ Kháng nghị của Toà án nhân dân; kết luận và kháng nghị của Viện kiểm sát (nếu có).

Kiểm sát việc giải quyết quyết định việc dân sự bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên họp phúc thẩm thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quy chế KSDS.

Kiểm sát việc giải quyết việc dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

- Khi kiểm sát việc giải quyết việc dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên cần lưu ý:

+ Căn cứ Điều 311 BLTTDS thì các việc dân sự liên quan đến công nhận và thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài không áp dụng quy định tại Chương XX Phần thứ năm BLTTDS để giải quyết mà áp dụng quy định tại Phần thứ Sáu của BLTTDS.

+ Căn cứ Điều 359, 373, 363 BLTTDS và đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch 03/2005 cho thấy phán quyết của Toà án nhân dân tối cao trong những trường hợp không bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nghĩa là đối với những việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu BLTTDS không có trình tự giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.

+ Những việc dân sự khác, phán quyết của Toà án nhân dân tối cao đều có thể bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

- Hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm thực hiện theo quy định về kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

3.3. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi kểm sát giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản:

- VKSND cấp huyện có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết phá sản của Toà án nhân dân cấp huyện đối với hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó.

- Khi đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là hợp tác xã thì sau khi Toà án nhận được đơn phải có trách nhiệm kiểm tra hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hay cấp tỉnh để xác định thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tương ứng. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát cũng xác định chính xác nhiệm vụ của cấp mình.

- Những trường hợp cần thiết Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện cũng là những vụ phá sản mà Viện kiểm sát cấp tỉnh phải nắm chắc để xác định đúng thẩm quyền. Đó là những trường hợp:

+ Hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có chi nhánh, văn phòng đại diện, có bất động sản, có chủ nợ tại nhiều nơi khác nhau;

+ Hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có chi nhánh, văn phòng đại diện, có bất động sản, có chủ nợ hoặc người mắc nợ ở nước ngoài;

+ Hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có khoản nợ còn có tranh chấp phải giải quyết;

+ Hợp tác xã là đương sự trong vụ án bị đình chỉ do Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đó hoặc trong trường hợp phức tạp khác (cần phải tuyên bố giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã vô hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật phá sản).

- VKSND cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh) có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc giải quyết phá sản của Toà án nhân dân cấp tỉnh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó. Trong trường hợp cần thiết, Toà án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện thì Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng có nhiệm vụ Kiểm sát việc giải quyết vụ phá sản đó.

- Đối với việc phá sản doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết phá sản của Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó.

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao và VKSND cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động của Toà án nhân dân cấp tỉnh trong việc xét khiếu nại của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Kiểm sát việc ra quyết định mở thủ tục phá sản.

- Kiểm sát việc gửi quyết định mở thủ tục phá sản cho VKS: Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 29 Luật Phá sản 2004, Toà án gửi quyết định mở thủ tục phá sản cho Viện kiểm sát trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

- Kiêm sát viên căn cứ Điều 28 Luật Phá sản để kiểm tra thời hạn ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn); lý do mở thủ tục phá và lý do không mở thủ tục phá sản và nội dung và hình thức quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản.

- Xem xét việc thụ lý của Toà án có đúng quy định của pháp luật hay không như: Thẩm quyền nộp đơn theo các quy định tại Điều 13, 14, 16, 17 và 18 Luật phá sản; chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy đinh tại Điều 15 Luật Phá sản;

- Xác định rõ ai được quyền đại diện cho các chủ thể nêu trên sẽ nộp đơn, vấn đề này được xác định như sau:

+ Đối với chủ nợ, Điều 13 Luật Phá sản chỉ cho phép chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền làm đơn;

+ Đối với người lao động, Điều 14 Luật Phá sản quy định đại diện người lao động hoặc đại diện tập thể lao động được cử hợp pháp bằng văn bản khi có sự thông qua của quá nửa người lao động trong doanh nghiệp;

+ Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước Điều 16 Luật Phá sản, là các tổ chức, cá nhân đại diện cho các công ty nhà nước được quy định tại Điều 61 và 62 Luật Doanh nghiệp Nhà nước;

+ Đối với cổ đông công ty cổ phần, Điều 17 Luật Phá sản quy định trường hợp Điều lệ công ty không quy định mà công ty không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% tổng số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn;

+ Đối với thành viên hợp danh, Điều 18 Luật Phá sản không cho phép thành viên góp vốn quyền nộp đơn vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chỉ có thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty, nhân danh công ty tham gia quan hệ với bên ngoài;

+ Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã Điều 15 Luật Phá sản quy định chủ doanh nghiệp và đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Xác định trách nhiệm thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại Điều 20 Luật Phá sản.

- Xem xét thẩm quyền của Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Giám sát các trường hợp trả lại đơn có phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Phá sản 2004 không?

- Trong quá trình kiểm sát việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, nếu phát hiện có vi phạm thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Toà án xem xét, xử lý và khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm sát quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản

- Kiểm sát thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản:

+ Căn cứ Điều 5 Luật Phá sản thì thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau: Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

+ Sau khi quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của điều luật, Thẩm phán quyết định áp dụng một trong hai thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản, các khoản nợ, hoặc quyết định chuyển áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Từ những cơ sở trên, Kiểm sát viên phải xác định được các tình huống có thể xảy ra trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Kiểm sát việc tuyên bố phá sản trong trường hợp đặc biệt có thể xảy ra:

+ Căn cứ khoản 1 Điều 87 Luật phá sản thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền tạm ứng phí phá sản do Toà án ấn định, Toà án có thể ra ngay Quyết định tuyên bố phá sản nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền hoặc tài sản khác để nộp tiền tạm ứng phí phá sản;

+ Căn cứ khoản 2 Điều 87 Luật phá sản thì sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nhận các tài liệu, giấy tờ do các bên liên quan gửi đến, Toà án ra Quyết định tuyên bố phá sản nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để thanh toán phí phá sản.

- Kiểm sát việc Quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh:

+ Căn cứ Điều 68 Luật Phá sản thì sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản và tổ chức Hội nghị chủ nợ thành công, Thẩm phán ra Quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện quyết định này cũng có thể xảy ra một trong các trường hợp sau:

Một là, việc phục hồi hoạt động kinh doanh thực hiện xong, Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi theo Điều 76 Luật Phá sản 2004 và hậu quả là doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản.

Hai là, doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoặc việc phục hồi hoạt động kinh doanh thực hiện không đúng hoặc không thực hiện được, Thẩm phán ra Quyết định thanh lý tài sản theo Điều 80 Luật Phá sản.

Ba là, trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi các chủ nợ yêu cầu thì Toà án ra Quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản theo Điều 78 Luật Phá sản mà không cần phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

Hoạt động của Kiểm sát viên trong trường hợp này là:

+ Kiểm sát việc Toà án dựa trên những căn cứ nào để ra các quyết định; căn cứ đó có đúng quy định của các điều luật đã viện dẫn hay không.

+ Kiểm tra các hoạt động của Hội nghị chủ nợ nhằm xác định căn cứ mà Toà án áp dụng để ra quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hay áp dụng thủ tục thanh lý tài sản trong những trường hợp nêu trên có đúng căn cứ mà pháp luật quy định không?

+ Kiểm sát các hoạt động của Hội nghị chủ nợ về những nội dung: Thời hạn họp; về thành phần Hội nghị; xem xét nội dung của Hội nghị chủ nợ và đặc biệt phải chủ ý kiểm tra hoạt động biểu quyết để thông qua các Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Các Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ bao gồm: Nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ (điểm d khoản 1 Điều 64 Luật Phá sản 2004); Nghị quyết về thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản 2004).

Tóm lại, khi kiểm sát việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, pháp luật chỉ quy định Viện kiểm sát tiếp nhận các thông tin, tài liệu, quyết định mà Toà án có trách nhiệm gửi cho Viện kiểm sát. Trong quá trình đó, Viện kiểm sát có trách nhiệm cập nhật thông tin, nhận các tài liệu, quyết định để xem xét và xác định nếu có vi phạm thì thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

- Căn cứ Điều 83, Điều 91 Luật Phá sản thì Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị đối với quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

- Kiểm sát viên cần kết hợp nghiên cứu quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với nhiều nguồn tài liệu khác (đơn khiếu nại của đương sự, thông tin từ các chủ thể khác), đồng thời đối chiếu những tài liệu đã thu thập được với những quy định của Luật Phá sản và kết quả của Hội nghị chủ nợ để xem xét quyết định của Toà án có căn cứ và hợp pháp hay không, cụ thể:

+ Kiểm sát quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản: Kiểm sát viên cần căn cứ khoản 2 Điều 81, Điều 78; Điều 79; Điều 80 và Điều 81 Luật phá sản để kiểm sát thời hạn gửi quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản; căn cứ ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài; nội dung của quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản.

+ Kiểm sát quyết định tuyên bố phá sản, Kiểm sát viên căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật Phá sản để kiểm sát. Quyết định tuyên bố phá sản phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định. Kiểm sát viên nghiên cứu quyết định tuyên bố phá sản và kiểm tra những nội dung sau: căn cứ ra quyết định tuyên bố phá sản theo quy định tại Điều 86 Luật Phá sản; quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 85 Luật Phá sản;

+ Quyết định tuyên bố phá sản trong trường hợp đặc biệt ttheo quy định tại Điều 87 Luật Phá sản; nội dung của quyết định tuyên bố phá sản qui định tại Điều 88 Luật Phá sản.

- Yêu cầu Toà án đã ban hành các quyết định đó chuyển hồ sơ giải quyết yêu cầu phá sản để xem xét việc kháng nghị, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện theo những quy định sau:

+ Thời hạn kháng nghị: Khoản 3 Điều 83 và khoản 2 Điều 91 Luật Phá sản 2004 quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát là 20 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định mở thủ tục thanh lý và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản..

+ Nội dung kháng nghị: Kiểm sát viên phải xác định vi phạm trong quyết định mở thủ tục thanh lý và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản (vi phạm về thủ tục hay áp dụng pháp luật nội dung). Sau đó đề xuất hướng giải quyết vi phạm theo hướng: Sửa quyết định hay huỷ quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và giao hồ sơ về phá sản cho Toà án đã ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản để tiếp tục thủ tục phục hồi theo qui định tại khoản 2 Điều 84 Luật Phá sản hoặc huỷ quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản của Toà án cấp dưới và giao hồ sơ về phá sản cho Toà án cấp dưới tiếp tục tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Phá sản.

+ Hình thức quyết định kháng nghị phải bằng văn bản do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp ký. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát phải gửi cho Toà án cùng cấp kèm hồ sơ về phá sản để Toà án làm thủ tục chuyển lên Toà án cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết kháng nghị.

Tham gia phiên họp xét khiếu nại, kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

- Căn cứ Điều 84 và Điều 92 Luật Phá sản thì Toà án cấp trên cử một tổ gồm 3 Thẩm phán xem xét giải quyết khiếu nại và kháng nghị đối với quyết định mở thủ tục thanh lý và quyết định tuyên bố phá sản.

- Căn cứ tiểu mục 3.2 Mục 3 Phần V Nghị quyết 03/2005/NQ-HĐTP thì khi có quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát đối với Quyết định thanh lý tài sản hoặc Quyết định tuyên bố phá sản thì Toà án cấp trên trực tiếp phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để xem xét việc tham gia phiên họp xét kháng nghị.

- Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của Toà án, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xét thấy cần thiết thì chủ động cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp xét kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho Toà án biết. Như vậy, đối với các phiên họp xét khiếu nại mà Viện kiểm sát không có kháng nghị thì Kiểm sát viên không phải tham gia.

- Trước khi mở phiên họp xét kháng nghị, Viện trưởng VKSND cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải cử Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, chuẩn bị quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc phá sản.

- Tại phiên họp xét kháng nghị, sau khi phân tích đưa những căn cứ, nội dung kháng nghị, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 84 và khoản 2 Điều 92 Luật Phá sản như sau:

+ Sửa quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Toà án cấp dưới;

+ Huỷ quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và giải quyết tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Toà án nhân dân cấp dưới và giao hồ sơ về phá sản cho Toà án cấp dưới tiếp tục tiến hành phục hồi hoặc thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.

- Để thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ trên đây, Viện kiểm sát có quyền:

+ Yêu cầu Toà án xác minh làm rõ những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng pháp luật;

+ Yêu cầu Toà án nhân dân cung cấp hồ sơ cùng các quyết định giải quyết phá sản để xem xét thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố phá sản;

+ Xem xét việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 55 Luật Phá sản.

3.4. Kiểm sát việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Điều 172 BLLĐ năm 2006 đã đưa ra khái niệm về đình công; Điều 172a quy định đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương (sau đây gọi chung là đại diện tập thể lao động).

- Điều 173 BLLĐ năm 2006 quy định các trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp.

- Các quy định về thẩm quyền, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công quy định tại Điều 177 Bộ luật lao động (BLLĐ); Thủ tục xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định cụ thể tại các Điều 176a, 176b, 177a, 177b, 177c, 177d, 177đ, 177e, 177g, 179a BLLĐ hoặc được dẫn chiếu sang các quy định của BLTTDS.

- Hậu quả pháp lý của cuộc đình công bất hợp pháp quy định tại Điều 178 và 179 BLLĐ năm 2006.

Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Kiểm tra thẩm quyền xét tính hợp pháp của các cuộc đình công theo quy định tại Điều 177 BLLĐ 2006.

- Kiểm tra điều kiện thụ lý đơn yêu cầu bảo đảm: Người yêu cầu đình công đúng thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 174c và khoản 1 Điều 176a BLLĐ; đơn yêu cầu phải hợp pháp (nghĩa là đơn yêu cầu phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 176a BLLĐ); kèm theo đơn, văn bản yêu cầu các chủ thể phải gửi các bản sao quyết định đình công, bản yêu cầu, quyết định hoặc biên bản hoà giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Kiểm sát trình tự, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Kiểm sát viên phải kiểm tra những nội dung sau: Kiểm sát thành phần tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định tại khoản 2 Điều 177đ BLLĐ; kiểm sát trình tự xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo Điều 177g BLLĐ; kiểm sát việc ra quyết định của Toà án theo Điều 173 BLLĐ.

Chú ý: Khi kiểm sát việc xét tính hợp pháp của các cuộc đình công, pháp luật không quy định Viện kiểm sát phải tham gia vào phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công mà chỉ quy định Viện kiểm sát tiếp nhận quyết định về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công mà Toà án có trách nhiệm gửi cho Viện kiểm sát. Trong quá trình đó, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm tra, xác định những căn cứ, trình tự, thủ tục ra quyết định. Nếu phát hiện vi phạm của Toà án trong việc ra quyết định về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật.

 

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,223,999
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.75.243

    Thư viện ảnh