ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 31/12/2024 -00:52 AM

2. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

 | 

2.1. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự ở cấp sơ thẩm.

Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa

Khi nhận được hồ sơ về những vụ án mà Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa sơ thẩm (những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần) Kiểm sát viên phải nghiên cứu, vào sổ thụ lý, báo cáo lãnh đạo Viện để quyết định việc tham gia phiên toà. Kiểm sát viên thông báo bằng văn bản cho Toà án về việc tham gia phiên toà

- Căn cứ khoản 3 Điều 8 Quy chế KSDS thì trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát, trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của đương sự và các tài liệu khác; nắm vững nội dung vụ án, phân tích tổng hợp chứng cứ; áp dụng điều, khoản của BLTTDS, BLDS và các văn bản pháp luật có liên quan để dự kiến đường lối xử lý vụ án, báo cáo lãnh đạo Viện, chuẩn bị ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên toà.

Hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tiến hành các hoạt động:

- Kiểm tra tư cách pháp lý của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng;

- Kiểm tra số lượng, điều kiện tham gia Hội đồng xét xử của mỗi thành viên Hội đồng xét xử, đối chiếu danh sách Hội đồng xét xử trên thực tế với danh sách Hội đồng xét xử được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử; kiểm tra tư cách pháp lý của Thư ký Tòa án.

- Yêu cầu Hội đồng xét xử quyết định việc thay đổi Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân nếu họ thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại Điều 47 BLTTDS, hoặc Thư ký Tòa án nếu thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại Điều 49 BLTTDS.

- Đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

- Kiểm tra tư cách pháp lý của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại các điều 56, 63, 65, 67, 68 BLTTDS.

- Yêu cầu Hội đồng xét xử quyết định việc thay đổi người giám định, người phiên dịch nếu họ thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 68 và khoản 3 Điều 70 BLTTDS.

- Đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa trong các trường hợp:

+ Phải thay đổi người giám định, người phiên dịch theo quy định tại Điều 72 BLTTDS.

+ Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 199, 203 BLTTDS;

+ Bị đơn vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 200 BLTTDS;

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 201 BLTTDS;

+ Người làm chứng, người giám định, người phiên dịch vắng mặt mà sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử vụ án.

+ Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa, nhưng Kiểm sát viên xét thấy cần phải hoãn phiên tòa để chờ có sự tham gia của người này nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án được đúng đắn. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên về việc thay đổi những người tiến hành tố tụng hoặc những người tham gia tố tụng mà vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, nhưng ngay sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định.

- Kiểm sát việc chấp hành thủ tục tố tụng tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa, bao gồm: Thủ tục bắt đầu phiên tòa; thủ tục hỏi tại phiên tòa; thủ tục tranh luận tại phiên tòa; thủ tục nghị án và tuyên án. Yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục kịp thời nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục tố tụng.

- Theo dõi và ghi chép việc hỏi và trình bày ý kiến tại phiên tòa.

- Tham gia hỏi sau khi các đương sự đã hỏi xong theo thứ tự quy định tại Điều 222 BLTTDS. Khi tham gia hỏi, Kiểm sát viên phải tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; Đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; câu hỏi không được mang tính chất gợi ý trước hướng trả lời. Khi hỏi xong, Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe câu trả lời; ghi lại thông tin trong câu trả lời; phân tích thông tin trong câu trả lời, so sánh, đối chiếu với câu hỏi để xem câu trả lời đã đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi hay chưa. Kiểm sát viên có thể hỏi lại, hỏi bổ sung. Khi kết thúc đợt hỏi, Kiểm sát viên nói với Chủ tọa là mình đã hỏi xong.

- Phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Căn cứ các quy định tại Điều 197 và Điều 234 BLTTDS, tại phiên tòa, để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Kiểm sát viên có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ việc dân sự, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

- Trường hợp tại phiên toà đương sự xuất trình tài liệu mới có thể làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được lãnh đạo Viện cho ý kiến, Kiểm sát viên cần xem xét về nguồn gốc, nội dung tài liệu để có kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của tài liệu, trên cơ sở đó quyết định hướng giải quyết vụ án cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên toà phải báo cáo Lãnh đạo Viện.

- Kiểm sát việc tuyên án theo quy định tại Điều 238, 239 BLTTDS. Kiểm sát viên phải ghi lại những nhận định quan trọng và nội dung quyết định của bản án sơ thẩm để làm căn cứ kiểm tra biên bản phiên toà; xem xét biên bản phiên toà, yêu cầu ghi những sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên toà (nếu có) và ký xác nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 211 BLTTDS.

Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa sơ thẩm.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tiến hành các hoạt động sau:

- Viết báo cáo kết quả kiểm sát xét xử sơ thẩm. Báo cáo phải được lập thành hai bản, một bản báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình, đồng thời lưu vào hồ sơ kiểm sát; một bản gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

- Yêu cầu Tòa án gửi kịp thời bản án cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 241 BLTTDS.

- Đề xuất với Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nếu xét thấy bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về nội dung hoặc về thủ tục tố tụng, cụ thể:

+ Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nếu thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKS cùng cấp đã hết.

+ Kiểm sát viên đề xuất với Lãnh đạo Viện có văn bản báo cáo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp trên đã hết.

- Sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm, thông báo về việc kháng cáo của Toà án cấp sơ thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để kiểm tra xem xét.

2.2. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm.

Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa

- Nghiên cứu hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị và lập hồ sơ kiểm sát:

+ Căn cứ khoản 3 Điều 9 Quy chế KSDS thì Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét lý do kháng cáo, kháng nghị, thủ tục kháng cáo, kháng nghị; đơn khiếu nại của đương sự (nếu có). Kiểm sát viên phải trích cứu đầy đủ các lời khai của đương sự, những người tham gia tố tụng, các tài liệu liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, đề xuất hướng giải quyết vụ án, báo cáo lãnh đạo Viện cho ý kiến.

+ Căn cứ khoản 2 Điều 262 BLTTDS thì thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Toà án.

+ Kiểm sát viên phải lập Hồ sơ kiểm sát bảo đảm Hồ sơ kiểm sát thể hiện được các thủ tục tố tụng và nội dung của vụ án, quan điểm của Lãnh đạo Viện về việc giải quyết vụ án. Tài liệu có trong hồ sơ phải được sắp xếp thứ tự theo đúng các tiêu mục trên bìa hồ sơ, được đánh số bút lục từ 1 đến hết. Kiểm sát viên lập hồ sơ phải ký tên vào phần cuối của mục lục tài liệu.

- Bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị; chuẩn bị bản dự thảo ý kiến của Viện kiểm sát về giải quyết vụ án dân sự và báo cáo lãnh đạo Viện:

+ Căn cứ khoản 4 Điều 9 Quy chế KSDS thỉ trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất với Lãnh đạo Viện thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị phúc thẩm nếu phát hiện kháng nghị của Viện kiểm sát không đủ căn cứ hoặc không phù hợp với tình tiết vụ án.

+ Chuẩn bị đề cương hỏi. Các câu hỏi phải tập trung vào nội dung bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.

+ Căn cứ khoản 4 Điều 9 Quy chế KSDS thì Kiểm sát viên phải chuẩn bị bản dự thảo ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Bản dự thảo ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án phải báo cáo Lãnh đạo Viện cho ý kiến trước khi tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

- Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động sau:

- Trình bày về nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị (có thể xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ) (đối với trường hợp vụ án chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị).

- Trình bày về nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị sau khi các đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và căn cứ của việc kháng cáo (đối với trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị).

- Tham gia hỏi đương sự và những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ những tình tiết vụ án theo quy định tại Điều 272 BLTTDS. Việc hỏi của Kiểm sát viên cần tập trung làm rõ những vướng mắc liên quan đến kháng cáo, kháng nghị (để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc quan điểm của Viện kiểm sát về hướng giải quyết kháng cáo).

- Yêu cầu Hội đồng xét xử công bố tài liệu vụ án theo quy định tại Điều 272 BLTTDS;

- Yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng, đĩa ghi âm, xem băng đĩa, ghi hình tại phiên tòa (nếu có);

- Nhận xét kết luận giám định, hỏi người giám định về những vấn đề còn chưa rõ, hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án;

- Điều chỉnh bản dự thảo ý kiến cho phù hợp với diễn biến của vụ án để phát biểu trước Tòa trên cơ sở kết quả hoạt động hỏi, tranh luận tại phiên tòa.

- Trình bày bài phát biểu ý kiến. Bài phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Tóm tắt nội dung tranh chấp, kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát (nếu có), yêu cầu của các bên đương sự, đại diện của họ và những người tham gia tố tụng khác;

+ Phân tích những căn cứ để bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát (nếu có), những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo của đương sự và đại diện của họ;

+ Đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án. Hướng giải quyết vụ án phải nêu rõ là đề nghị giữ nguyên, sửa hay hủy bản án sơ thẩm theo quy định tại các điều từ điều 275 đến điều 278 BLTTDS).

- Rút kháng nghị trong trường hợp sau khi tham gia hỏi, tranh luận nếu thấy có căn cứ và phải chịu trách nhiệm về rút kháng nghị của mình.

- Tập trung theo dõi nội dung của bản án khi Chủ tọa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên án để xem bản án có phản ánh chính xác và đầy đủ kết quả hỏi, tranh luận trước đó tại phiên tòa hay không; đồng thời cần chú ý xem ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án được ghi nhận trong bản án thế nào.

- Kiểm tra biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 211 BLTTDS;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án:

+ Kiểm sát căn cứ về thời hạn xét xử phúc thẩm đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 258 BLTTDS;

+ Kiểm sát việc khai mạc phiên tòa và bắt đầu phiên tòa phúc thẩm đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 267 BLTTDS;

+ Kiểm sát thành phần Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án xem có ai bị đương sự đề nghị thay đổi hoặc thuộc vào những trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi theo quy định tại các Điều 46, 47, 49 BLTTDS không;

+ Kiểm sát việc hoãn phiên toà theo quy định tai Điều 266 BLTTDS;

+ Kiểm sát các hoạt động diễn ra tại phiên tòa theo quy định từ Điều 268 đến Điều 281 BLTTDS;

+ Kiểm sát quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa theo quy định tại Điều 261 BLTTDS.

Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa xét xử phúc thẩm

- Căn cứ khoản 6 Điều 9 Quy chế KSDS thì sau phiên tòa xét xử phúc thẩm hoạt động cụ thể của Kiểm sát viên là:

+ Báo cáo kết quả xét xử với lãnh đạo Viện. Báo cáo kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm phải được lưu hồ sơ kiểm sát và phải gửi Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên. Nội dung báo cáo kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm: Tóm tắt quá trình xét xử phúc thẩm; nhận xét việc chấp hành thủ tục tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, đương sự và những người tham gia tố tụng khác; đánh giá, nhận xét về tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định phúc thẩm.

+ Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ và làm văn bản đề xuất Lãnh đạo Viện báo cáo Viện kiểm sát cấp trên xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong trường hợp kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc khi phát hiện có một trong những căn cứ quy định tại Điều 283 hoặc Điều 305 BLTTDS.

+ Kiểm sát chặt chẽ việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm theo đúng thời hạn quy định tại Điều 281 BLTTDS.

- Tập hợp, báo cáo để Viện trưởng kiến nghị với Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp về những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án dân sự.

- Hoàn thiện hồ sơ kiểm sát ở thủ tục phúc thẩm.

2.3. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm

- Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm về cơ bản được thực hiện tương tự như hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.

- Kiểm sát viên cần lưu ý tới các hoạt động sau đây:

+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án: Căn cứ khoản 3 Điều 10 Quy chế KSDS thì trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 286 BLTTDS; thời hạn nghiên cứu hồ sơ giám đốc thẩm, tái thẩm là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 290 BLTTDS.

+ Đối với bản án, quyết định do Chánh án Toà án kháng nghị, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra bản án, quyết định và kháng nghị của Chánh án, đề xuất quan điểm nhất trí hoặc không nhất trí với kháng nghị. Ngoài ra, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ cả những nội dung bản án, quyết định của Tòa án mà quyết định kháng nghị không đề cập. Nếu xét thấy có vi phạm thì kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện để xem xét kháng nghị.

+ Dự thảo bản phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát đối với kháng nghị của Tòa án sau khi có ý kiến của Lãnh đạo Viện. Bản dự thảo phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát đối với kháng nghị của Tòa án có 3 phần:

Phần đầu: Nêu căn cứ pháp luật của việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát (Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Điều 295 BLTTDS);

Phần nội dung: Đối chiếu với những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quy định tại Điều 283 và Điều 305 BLTTDS để phân tích, nhận xét bản án, quyết định bị kháng nghị đã có những vi phạm pháp luật hay không có vi phạm pháp luật;

Phần đề nghị: Nêu rõ quan điểm giải quyết như: Đề nghị bác kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm lại; hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án…

+ Báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định đối với những trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị mà sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy cần phải thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị trước phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.

+ Lập hồ sơ kiểm sát: Hồ sơ kiểm sát phải phản ánh được nội dung và những tình tiết của vụ án, quan điểm của Lãnh đạo Viện về vụ án. Tài liệu có trong hồ sơ phải được sắp xếp thứ tự theo đúng các tiêu mục trên bìa hồ sơ, được đánh số bút lục từ 1 đến hết. Kiểm sát viên lập hồ sơ phải ký tên vào phần cuối của mục lục tài liệu. Kiểm sát viên phải hoàn chỉnh hồ sơ kiểm sát, hồ sơ kiểm sát phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của Nhà nước, của ngành Kiểm sát về quản lý, lưu trữ tài liệu.

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Kiểm sát thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Điều 54 BLTTDS;

- Đối chiếu với hồ sơ vụ án đã nghiên cứu khi một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị.

- Trình bày quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát (nếu có) hoặc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân.

- Điều chỉnh dự thảo bản phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án cho phù hợp với diễn biến của vụ án trên cơ sở kết quả thảo luận và phát biểu ý kiến của các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm tại phiên tòa.

- Đối với kháng nghị của Chánh án Tòa án, Kiểm sát viên phảo nêu rõ lý do nhất trí hoặc không nhất trí kháng nghị.

- Quyết định hướng xử lý vụ án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với trường hợp có những tài liệu mới phát sinh tại phiên toà có thể làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được Viện trưởng Viện kiểm sát cho ý kiến; sau phiên toà báo cáo ngay với lãnh đạo Viện.

- Đề nghị hoãn phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm để báo cáo Viện trưởng xem xét, quyết định đối với trường hợp tại phiên tòa phát sinh tài liệu, tình tiết mới có thể dẫn tới việc thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị.

Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tương tự như hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa xét xử phúc thẩm;

- Căn cứ khoản 8 Điều 10 Quy chế KSDS thì các hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm gồm:

+ Báo cáo kết quả xét xử bằng văn bản với lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ.

+ Đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có đường lối giải quyết trong trường hợp phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc phát hiện quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có vi phạm pháp luật cần kháng nghị tiếp (trừ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).

+ Sao gửi cho Viện kiểm sát địa phương nơi Toà án đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm biết; đồng thời, thông báo bằng văn bản kết quả xét xử.

+ Tập hợp vi phạm pháp luật của Toà án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án dân sự để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Toà án nhân dân khắc phục và có biện pháp phòng ngừa.

+ Hoàn thiện hồ sơ kiểm sát ở trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.4. Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát bản án, quyết định dân sự của Tòa án.

Kiểm sát bản án.

Kiểm sát bản án sơ thẩm.

- Căn cứ Điều 238 BLTTDS quy đinh Bản án sơ thẩm gồm phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định của Toà án, phần quyết định;

- Khi kiểm sát phần mở đầu của bản án, Kiểm sát viên cần xem xét:

+ Tên Tòa án xét xử sơ thẩm;

+ Số, ngày tháng thụ lý nhằm quản lý án. Điều này có ý nghĩa cho việc xác định thời hiệu giải quyết một số loại án.

+ Họ, tên của các thành viên Hội đồng xét xử, thư ký phiên toà, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch...;

+ Đối với những vụ án cần sự có mặt của người giám định, người phiên dịch Kiểm sát viên lưu ý xác định những vi phạm có thể xảy ra trong trường hợp này.

+ Họ tên, tuổi, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tổ chức khởi kiện, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự.

+ Đối tượng tranh chấp;

+ Số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử;

+ Xét xử công khai hoặc xét xử kín theo quy định tại khoản 2 điều 15 BLTTDS;

+ Thời gian và địa điểm xét xử.

- Khi kiểm sát nội dung vụ án và nhận định của toà án, Kiểm sát viên cần xem xét:

+ Nội dung bản án phải thể hiện được yêu cầu của nguyên đơn là gì, các chứng cứ chứng minh của nguyên đơn cho yêu cầu của mình. Cần lưu ý xem lời yêu cầu cuối cùng của nguyên đơn tại phiên toà có được bản án phản ánh hay không để xem xét việc Hội đồng chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn.

+ Việc xuất trình các tài liệu có liên quan để chứng minh cho lời khai của nguyên đơn và việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận tài liệu đó là chứng cứ.

+ Lời đề nghị, yêu cầu phản tố của bị đơn, thừa nhận hay không thừa nhận yêu cầu của nguyên đơn; yêu cầu đó có được chấp nhận không và các chứng cứ đưa ra có phù hợp và có căn cứ không.

+ Lời trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; yêu cầu của họ là gì và việc xuất trình tài liệu có liên quan cho Toà án để bảo vệ quyền lợi của (nếu có).

+ Việc nhận định của Toà án thông qua việc phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?. Kiểm sát viên cần phải xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ giữa phần nội dung và phần nhận của Tòa án trong bản án nhằm phát hiện ra vi phạm của Toà án khi không có hồ sơ để kiểm tra và đối chiếu.

- Kiểm sát phần quyết định của bản án đảm bảo phần quyết định của bản án phải đạt được một số yêu cầu:

+ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay bác yêu cầu của nguyên đơn? Nếu chấp nhận thì chấp nhận toàn bộ hay chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn? Chấp nhận cụ thể những gì?

+ Khi đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì buộc bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thực hiện những gì? Cụ thể ra sao? Trong trường hợp bị đơn phản tố thì có chấp nhận phản tố không? Nếu chấp nhận thì buộc nguyên đơn thực hiện những gì?

+ Đối với trường hợp kiểm sát quyết định áp dụng án phí và mức án phí thì yêu cầu khi kiểm sát bản án, Kiểm sát viên phải nắm được tổng trị giá tài sản có tranh chấp là bao nhiêu trên cơ sở đó đối chiếu với quyết định án phí của bản án xem có đúng với loại có giá ngạch và không giá ngạch nếu không đúng thì rút hồ sơ xem xét ban hành kháng nghị.

+ Đối với các quyết định về chi phí giám định, định giá và mức án phí, quyền kháng cáo và vấn đề thi hành án thì chi phí định giá đương sự nào yêu cầu thì họ phải chịu chi phí. Còn đối với định giá cần lưu ý xem bản án có nêu rõ việc thành lập hội đồng hay áp dụng khung giá của Uỷ ban nhân dân địa phương để cân nhắc tính khách quan của trị giá tài sản có tranh chấp.

Kiểm sát bản án phúc thẩm:

Kiểm sát viên căn cứ Điều 279 BLTTDS để kiểm sát bản án phúc thẩm. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm sát bản án phúc thẩm, Kiểm sát viên cần chú ý:

- Nghiên cứu nội dung kháng cáo của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; việc đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử đối với kháng nghị đó có phù hợp với chứng mà các đương sự đã xuất trình không và việc áp dụng pháp luật của Toà án cấp sơ thẩm.

- Nghiên cứu Phần quyết định của bản án, xác định quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo kháng nghị; chấp nhận toàn bộ hay một phần; việc buộc đương sự khác thực hiện nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự đến đâu... có đúng qui định của pháp luật không?.

Kiểm sát Quyết định giám đốc thẩm

Kiểm sát viên căn cứ Điều 301 BLTTDS để kiểm sát Quyết định giám đốc thẩm. Ngoài ra, khi kiểm sát Quyết định giám đốc thẩm, Kiểm sát viên cần chú ý:

- Cơ cấu bố cục của Quyết định giám đốc thẩm cơ bản giống như các Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, về nội dung được tóm tắt ngắn gọn và nêu rõ bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; quyết định kháng nghị, lý do bị kháng nghị; nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm.

- Khi xem xét Quyết định giám đốc thẩm, Kiểm sát viên cần đối chiếu những nhận định của Hội đồng xét xử xem có phù hợp và khách quan với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án không?.

Kiểm sát Quyết định tái thẩm

- Bố cục của Quyết định tái thẩm được như ở Quyết định giám đốc thẩm quy định tại Điều 310 BLTTDS.

- Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên cần xem xét quyết định tái thẩm có nêu và nhận định những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo qui định của Điều 305 BLTTDS; quyết định của Hội đồng xét xử tái thẩm có đúng quy định tại Điều 309 BLTTDS hay không?.

Kiểm sát các quyết định khác trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự.

- Kiểm sát viên căn cứ Điều 102 và các Điều từ Điều 104 đến 121 BLTTDS để kiểm sát việc Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau khi Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của khoản 2, Điều 123 BLTTDS. Khi kiểm sát các quyết định này, Kiểm sát viên cần chú ý:

+ Xem xét lý do mà Toà án áp dụng và căn cứ pháp luật Toà án áp dụng xem có đúng không? Đồng thời theo dõi việc áp dụng việc huỷ bỏ áp dụng theo đúng quy định tại Điều 122 BLTTDS.

+ Theo dõi có việc đương sự có khiếu nại và Toà án giải quyết khiếu nại đó theo Điều 124 và 125 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Toà án còn có thể áp dụng các quyết định: Công nhận sự thoả thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 187 BLTTDS; tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điều 189 BLTTDS; đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điều 192 BLTTDS và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi kiểm sát các quyết định này, Kiểm sát viên cần chú ý:

+ Xem xét ngay mà lý do Toà án nêu trong quyết định và việc áp dụng pháp luật của Toà án có đúng không?

+ Nếu Toà án áp dụng pháp luật không đúng thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo áp dụng biện pháp pháp luật nhằm khắc phục vi phạm.

- Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm Toà án có quyền áp dụng các quyết định: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 259 BLTTDS; đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 260 BLTTDS.v.v. Khi kiểm sát các quyết định này, Kiểm sát viên cần chú ý:

+ Xem xét lý do tạm đình chỉ và lý do đình chỉ xét xử phúc thẩm và việc áp dụng của Toà án có đúng không?

+ Nếu lý do ra quyết định của Tòa án không đúng thì Kiểm sát viên cần báo cáo lãnh đạo áp dụng biện pháp pháp luật nhằm khắc phục vi phạm.

- Ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm Toà án tuy không ban hành quyết định hoãn thi hành án mà bằng việc ban hành yêu cầu các cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Khi kiểm sát vấn đề này, Kiểm sát viên cần chú ý:

+ Kiểm tra xem có đơn đề nghị của đương sự đề nghị hoãn không? Cơ quan thi hành án đã ra quyết định hoãn chưa?.

+ Nếu không có đầy đủ các thủ tục hoãn thi hành án thì việc ra văn bản yêu cầu của Toà án là không có căn cứ.

- Các quyết định theo thủ tục giải quyết việc dân sự: Quyết định tuyên bố một người mất tích quy định tại Điều 332 BLTTDS;quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích quy định tại Điều 334 BLTTDS; quyết định tuyên bố một người đã chết quy định tại Điều 337 và quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết quy định tạiĐiều 339 BLTTDS. Khi kiểm sát các quyết định này, Kiểm sát viên cần chú ý xem xét và đối chiếu với hồ sơ tài liệu mà Viện kiểm sát đã tiếp cận trước khi tham gia phiên họp xem Toà án áp dụng có căn cứ và đúng thủ tục pháp luật không? Nếu không đúng thì cần áp dụng biện pháp pháp luật để khắc phục vi phạm.

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,916,546
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.41.252

    Thư viện ảnh