1. 1. Vị trí , đối tượng, phạm vi công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự
- Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) của Toà án nhân dân là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án có căn cứ, đúng pháp luật.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Điều 21 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định:
1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
3. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm...
- Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.
- Phạm vi công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Toà án thông báo thụ lý vụ việc dân sự và kết thúc khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị.
1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ việc dân sự của Toà án.
2. Tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS.
3. Tham gia hỏi đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại các phiên toà, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự.
4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên toà, phiên họp của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.
5. Kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án.
6. Yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cjovieecj thực hiện thẩm quyền kháng nghị.
7. Yêu cầu Toà án cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
8. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
9. Yêu cầu hoãn thi hành án; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi thực hiện kháng nghị theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 286, Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
10. Thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị đối với các vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.
11. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải tăng cường công tác phát hiện vi phạm về pháp luật nội dung, luật tố tụng để thường xuyên thực hiện kiến nghị với cơ quan xét xử qua từng vụ việc; định kỳ sáu tháng, một năm phải có kiến nghị tổng hợp vi phạm đối với cơ quan xét xử ngang cấp.
Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án
- Căn cứ Điều 174 BLTTDS thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án.
- Căn cứ Điều 6 Quy chế KSDS thì Khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải vào sổ thụ lý theo dõi, kiểm tra văn bản thông báo thụ lý theo những nội dung được quy định tại Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự; lập phiếu kiểm sát theo dõi vi phạm để tổng hợp kiến nghị với Toà án các vi phạm về thời hạn gửi thông báo, nội dung, hình thức thông báo; theo dõi quyết định chuyển vụ án của Toà án.
Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở cấp sơ thẩm:
- Tham gia phiên toà sơ thẩm:
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 21 BLTTDS thì việc tham gia phiên tòa của VKSND như sau:
+ Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự;
+ Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần
+ Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
+ Theo khoản 2 Điều 195 BLTTDS thì trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm, Tòa án phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp ngay sau khi ra quyết định và gửi hồ sơ cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án;
- Tham gia phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự:
+ Căn cứ khoản 2 Điều 21 BLTTDS thì Viện kiểm sát phải tham gia tất cả các phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự của Toà án.
+ Căn cứ khoản 1 Điều 313 BLTTDS thì Toà án gửi hồ sơ việc dân sự cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định mở phiên họp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để mở phiên họp.
Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở cấp phúc thẩm.
- Theo quy định tại Điều 262 BLTTDS, sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS cùng cấp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, VKS phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 264 và Điều 266 BLTTDS thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà phúc thẩm; nếu vắng mặt Kiểm sát viên thì phải hoãn phiên tòa .
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 280 BLTTDS thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở cấp giám đốc thẩm, tái thẩm.
Căn cứ khoản 1 Điều 292 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, thì Viện kiểm sát tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ án do Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị
- Về việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
+ Theo quy định tại Điều 197 và Điều 234 BLTTDS thì tại phiên tòa sơ thẩm, để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Kiểm sát viên có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ việc dân sự, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
+ Theo quy định tại Điều 273a BLTTDS thì tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm.
+ Theo quy định tại khoản 3 Điều 295 và Điều 310 BLTTDS thì tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, sau khi các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án, đại diện VKS phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án .
Kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án.
- Kiểm sát viên kểm sát các bản án, quyết định của Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự bao gồm:
+ Quyết định nhập hoặc tách vụ án (khoản 3 Điều 38 BLTTDS);
+ Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Khoản 2 Điều 123 BLTTDS);
+ Thông báo thụ lý vụ việc dân sự (Điều 174 BLTTDS và Mục 1 Phần I Thông tư 03/2005);
+ Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự (Điều 187 BLTTDS);
+ Quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Khoản 2 Điều 194 BLTTDS)
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (Điều 195 BLTTDS);
+ Quyết định hoãn phiên toà sơ thẩm (Điều 208 BLTTDS);
+ Bản án sơ thẩm (Điều 241 BLTTDS);
+ Thông báo việc kháng cáo (Điều 249 BLTTDS);
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Khoản 3 Điều 258 BLTTDS);
+ Quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm (Điều 266 BLTTDS);
+ Bản án, quyết định phúc thẩm (Điều 281 BLTTDS);
+ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TANDTC, Chánh án TAND cấp tỉnh (khoản 2 Điều 290 BLTTDS);
+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 303 BLTTDS).
- Khi tiến hành kiểm sát, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc.
Yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị.
Căn cứ khoản 4 Điều 85 BLTTDS thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.Các hồ sơ, tài liệu, vật chứng mà đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Viện kiểm sát theo yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp này phải được chuyển cho Toà án để đưa vào hồ sơ vụ việc và bảo quản tại Toà án theo quy định tại khoản 1 Điều 95 BLTTDS.
Yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để tham gia phiên toà, phiên họp hoặc để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để tham gia phiên toà, phiên họp.
- Căn cứ Mục 2.1 phần I của Thông tư liên tịch số 03/2005 thì Toà án phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp trong các trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà, phiên họp theo quy định của BLTTDS, trừ các trường hợp sau đây:
+ Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án cấp phúc thẩm đã kháng nghị phúc thẩm;
+ Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm.
- Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự được thực hiện như sau:
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát theo quy định định tại khoản 2 Điều 195 BLTTDS.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 262 BLTTDS.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự, Toà án gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 290 và Điều 310 BLTTDS.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự, Toà án gửi hồ sơ việc dân sự cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 1 Điều 313 BLTTDS.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp phúc thẩm đối với các quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát được hướng dẫn tại điểm d tiểu mục 2.1 phần I Thông tư liên tịch số 03/2005.
Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Căn cứ Mục 2.2 phần I Thông tư liên tịch số 03/2005 thì Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như sau:
+ Sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp (trong trường hợp Viện kiểm sát không tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự) hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét việc kháng nghị phúc thẩm, thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát.
+ Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Toà án chuyển hồ sơ vụ án việc dân sự cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu. Chậm nhất là ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm qui định tại Điều 252 và khoản 2 Điều 317 BLTTDS, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án đã xét xử hoặc giải quyết sơ thẩm cùng với quyết định kháng nghị (nếu Viện kiểm sát có kháng nghị).
c. Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm.
- Căn cứ Mục 2.3 Phần I Thông tư liên tịch số 03/2005 thì việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm như sau:
+ Khi Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc dân sự đó cho Viện kiểm sát.
+ Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Toà án chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu. Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc dân sự, nếu Viện kiểm sát không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Viện kiểm sát phải chuyển trả lại hồ sơ vụ việc cho Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu Viện kiểm sát có kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm, thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cùng với quyết định kháng nghị cho Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo qui định tại Điều 290 và Điều 310 BLTTDS.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát và Toà án cùng có văn bản yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Toà án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho cơ quan có văn bản yêu cầu trước và thông báo bằng văn bản cho cơ quan kia biết về việc đã chuyển hồ sơ đó.
+ Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc dân sự, nếu cơ quan đã được nhận hồ sơ vụ việc dân sự không có kháng nghị, thì thông báo cho cơ quan đã có yêu cầu mà chưa được nhận hồ sơ biết. Nếu cơ quan đó vẫn có đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, thì cơ quan đã được nhận hồ sơ mà không có kháng nghị phải chuyển hồ sơ cho cơ quan đã có yêu cầu chuyển hồ sơ mà chưa được nhận hồ sơ.
+ Trong trường hợp cơ quan chưa được nhận hồ sơ không có đề nghị chuyển hồ sơ nữa, thì cơ quan đã nhận hồ sơ chuyển trả hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án đã gửi hồ sơ cho mình.
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Toà án.
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
- Căn cứ Điều 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; điểm đ khoản 1 Điều 44, Điều 250, Điều 316 BLTTDS thì thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát như sau:
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Viện trưởngViện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
+ Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
- Căn cứ Điều 256 BLTTDS thì việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị như sau:
+ Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Nếu thời hạn kháng nghị vẫn còn thì việc thay đổi phạm vi kháng nghị được chấp nhận, nếu thời hạn kháng nghị đã hết thì việc thay đổi phạm vi kháng nghị không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban dầu.
+ Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định việc rút kháng nghị trước khi bắt đầu phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm, việc rút kháng nghị thuộc thẩm quyền của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Kháng nghị bản án, quyết định của tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
- Căn cứ Điều 285, Điều 307 và Điều 289 BLTTDS, thẩm quyền kháng nghị, thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát như sau:
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện.
+ Người đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu (nếu chưa hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm).
+ Việc rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước khi bắt đầu phiên tòa do người đã ra quyết định kháng nghị quyết định, còn tại phiên tòa, nếu thấy cần thiết phải rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị thì Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa và báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.
Yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án và quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án khi thực hiện kháng nghị theo thẩm quyền
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án và quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định tại Điều 286, Điều 307 và Điều 310 BLTTDS,
Thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị đối với các vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
- Căn cứ điểm 10 Điều 4 Quy chế KSDS thì khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị đối với các vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.
- Khi thực hiện quyền này, Kiểm sát viên cần chú ý đưa ra các yêu cầu phải sát với thực tiễn, cụ thể, rõ ràng, theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và cần tập hợp, phân loại các vi phạm chung để kiến nghị.
1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Căn cứ các quy định của Luật phá sản năm 2004; Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản và các quy định của BLTTDS thì Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn:
- Kiểm sát các quyết định của Thẩm phán trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Kháng nghị đối với quyết định của Toà án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
- Tham gia phiên họp xét kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
- Yêu cầu, kiến nghị với Toà án khắc phục vi phạm trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản theo đúng quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án trong quá trình giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Căn cứ khoản 3 Điều 32 BLTTDS; Điều 177 và khoản 3 Điều 178 Bộ luật lao động thì Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình Toà án giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Khi kiểm sát, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị theo trình tự, thủ tục tương tự như trong thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự nếu phát hiện có vi phạm.