.

Thứ ba, 23/04/2024 -20:47 PM

2. KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA VIỆN KIỂM SÁT.

 | 

2.1. Nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện việc kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Căn cứ Điều 22, Quy chế 59 thì:

- Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới (Cơ quan điều tra, Toà án, cơ quan Thi hành án, cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra) theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và thi hành án.

- Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ của mình và căn cứ vào tình hình thực tế, phân công đơn vị Khiếu tố và các đơn vị nghiệp vụ khác thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp theo quy định tại Quy chế 59.

- Để thực hiện kiểm sát, các đơn vị được phân công có trách nhiệm:

+ Tham mưu, giúp Viện trưởng Viện kiểm sát về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp;

+ Yêu cầu các cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;

+ Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp để xác định vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của cơ quan tư pháp;

+ Nghiên cứu hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại do các cơ quan tư pháp cung cấp để phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật (về cả hai mặt thủ tục giải quyết và nội dung giải quyết) của các cơ quan này trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp, để tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát ban hành kháng nghị, kiến nghị về các biện pháp khắc phục.

 

2.2. Trình tự, thủ tục trong thực hiện kiểm sát.

- Căn cứ khoản 1 Điều 23 Quy chế 59 thì các biện pháp được áp dụng trong việc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp gồm có:

+ Yêu cầu cơ quan tư pháp ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo;

+ Yêu cầu cơ quan tư pháp kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;

+ Yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát;

+ Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp (chỉ áp dụng trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự).

- Căn cứ khoản 2 Điều 23 Quy chế 59 thì điều kiện áp dụng và trình tự thực hiện các biện pháp kiểm sát được quy định như sau:

+ Việc yêu cầu cơ quan tư pháp ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thuộc một trong các trường hợp sau: Viện kiểm sát nhận được khiếu nại, tố cáo việc cơ quan tư pháp không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định hoặc đã giải quyết nhưng không ban hành văn bản giải quyết; Viện kiểm sát có cơ sở xác định cơ quan tư pháp không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định hoặc đã giải quyết nhưng không ban hành văn bản giải quyết.

+ Việc yêu cầu cơ quan tư pháp kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả cho Viện kiểm sát được thực hiện khi Viện kiểm sát có cơ sở xác định cơ quan tư pháp không thực hiện yêu cầu ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc một trong các trường hợp sau: Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật của cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Viện kiểm sát có cơ sở xác định cơ quan tư pháp có vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo;

+ Việc yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện trong các trường hợp cơ quan tư pháp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của Viện kiểm sát được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 23 Quy chế 59.

+ Việc trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp chỉ tiến hành trong tố tụng hình sự và chỉ thực hiện khi qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được cung cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Quy chế 59 thấy việc giải quyết chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

2.3. Các bước cụ thể trong thực hiện kiểm sát.

Căn cứ Điều 24 Quy chế 59 thì các bước cụ thể trong thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau:

- Nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo hoặc xác minh thông tin liên quan đến việc vi phạm của cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để xác định chính xác việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp.

- Thực hiện lần lượt các yêu cầu theo đúng các điều kiện liên quan được quy định tại Điều 23 Quy chế 59. Việc thực hiện yêu cầu phải bằng văn bản.

- Trong trường hợp cơ quan tư pháp không đáp ứng hoặc đáp ứng không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát, thì có văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý cấp trên để có biện pháp quản lý, đôn đốc việc thực hiện của cơ quan tư pháp.

- Nếu xét thấy cần thiết có thể trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo và những người có liên quan để xác minh những vấn đề cần làm rõ nhằm kết luận việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp.

- Sau khi kết thúc việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và xác minh những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp hoặc khi kết thúc cuộc kiểm sát trực tiếp trong tố tụng hình sự, thì tuỳ tính chất mức độ vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp, ban hành kháng nghị, kiến nghị để yêu cầu cơ quan được kiểm sát khắc phục vi phạm pháp luật. Đồng thời, nếu xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát có văn bản kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan được kiểm sát để yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý liên quan.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,744,668
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.136.154.103

    Thư viện ảnh