.

Thứ bảy, 20/04/2024 -05:25 AM

Nguyên đơn có quyền rút yêu cầu khởi kiện tại Tòa án cấp phúc thẩm hay không?

 | 

 

Hỏi: Do có mối hệ bạn bè, tôi có cho bà Lan vay số tiền 500.000.000đ. Đến thời hạn trả (tháng 02/2017) bà Lan không thanh toán trả tiền cho tôi. Nên tôi đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Lan phải trả tiền cho tôi. Tòa án nhân dân huyện H đã xử buộc bà Lan phải trả cho tôi 500.000.000đ, đồng thời Tòa án còn buộc bà Lan phải chịu 24.000.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Sau khi Tòa án xét xử, bà Lan kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh B đã thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm và đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trước ngày Tòa án tỉnh xét xử vụ án, tôi có nguyện vọng được rút đơn khởi kiện. Theo quy định của pháp luật, tôi có quyền rút đơn khởi kiện hay không? nếu tôi rút đơn khởi kiện bà Lan có còn phải chịu số tiền án phí 24.000.000đ hay không?.

                                                         Nguyễn Thị Nga - huyện Hiệp Hòa

Trả lời có tính chất tham khảo:

Quyền quyếtđịnh và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tại Điều 5Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Khoản 1 Điều 299Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

“1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật”

Đối chiếu các quy định viện dẫn nêu trên, trước khi Tòa án mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm bà có quyền rút đơn đơn khởi kiện. Nhưng việc rút đơn của bà có được Tòa án chấp nhận hay không được chấp nhận phụ thuộc vào việc bà Lan có đồng ý cho bà rút đơn hay không.

Nếu bà Lan không đồng ý thì Tòa án sẽ không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của bà. Tòa án sẽ xem xét giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của bà Lan bằng việc giữ nguyên, sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

Nếu bà Lan đồng ý thì Tòa án sẽ chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của bà và Tòa án sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Bà Lan vẫn phải chịu 24.000.000đ tiền án phí và ½ án phí phúc thẩm (150.000đ).

                                                      Nguyễn Thị Tuyết - Phòng 9

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,699,883
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.188.64

    Thư viện ảnh