<>Hỏi
Tôi và vợ tôi đăng ký kết hôn tại UBND xã năm 2021. Thời gian đầu vợ chồng tôi chung sống hạnh phúc, tuy nhiên sau đó tôi và vợ thường xuyên cãi vã, chửi bới nhau do chúng tôi có nhiều bất đồng quan điểm về lối sống và trong làm ăn kinh tế. Đến tháng 02/2023, vợ tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, gia đình hai bên có khuyên bảo nhưng vợ tôi không đồng ý quay lại. Từ đó đến nay vợ chồng tôi không còn quan tâm đến nhau nữa. Tôi xác định giữa tôi và vợ không còn tình cảm vợ chồng. Với tình trạng vợ chồng như vậy thì tôi có được đơn phương khởi kiện xin ly hôn và được giải quyết cho ly hôn không? Về tài sản chung, vợ chồng tôi có 200m2 đất ở mua sau khi kết hôn và đã được cấp giẩy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng tôi, nếu ly hôn thì tài sản sẽ được phân chia như thế nào?
<>Trả lời có tính chất tham khảo
1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Tại Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình: “3. Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
c) Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
d) Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.”
Như vậy, nếu bạn và vợ đã sống ly thân, giữa hai người không còn tình nghĩa vợ chồng khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt thì căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn.
2. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất ở vợ chồng bạn mua sau khi kết hôn đứng tên vợ chồng: Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đây là tài sản chung của vợ chồng bạn. Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 62; khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi ly hôn bạn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình./.
Trương Thị Phương Thảo- VKSND huyện Hiệp Hòa