Tối mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 18/2), danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) đã chính thức khai hội và đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội năm nay gắn với việc đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích danh thắng Yên Tử nên nội dung phong phú, trang trọng và hấp dẫn hơn hẳn những năm trước.
Tham dự lễ trao bằng công nhận di tích đặc biệt còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều vị lãnh đạo trung ương, tỉnh Quảng Ninh và hàng ngàn du khách thập phương, bà con phật tử trong nước cũng như quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Di tích danh thắng Yên Tử là một địa chỉ quan trọng trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông đã 2 lần chỉ huy toàn dân đánh tan đoàn quân xâm lược Nguyên Mông. Sau đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông trở thành vị Phật hoàng của Phật giáo Việt Nam, sáng tạo và phát triển thiền phái Trúc Lâm suốt chiều dài lịch sử dân tộc đến ngày nay…”.
Ngoài những nghi thức truyền thống như gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, còn có màn biểu diễn nghệ thuật sử thi rất công phu theo phong cách sân khấu hóa, tái hiện lịch sử có một không hai về một vị vua anh minh trở thành Phật tổ phái Trúc Lâm tại non thiêng Yên Tử. Tất cả các tiết mục, trích đoạn, hoạt cảnh do 400 diễn viên đến từ 3 đoàn nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh và rất nhiều diễn viên nghiệp dư là người dân Thượng Yên Công, nơi tọa lạc của di tích Yên Tử đảm nhận.
Xác định lượng du khách năm nay rất đông, Công an TP Uông Bí cũng đã điều động, bố trí lực 200 CBCS làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT, ANTT cho lễ hội Yên Tử 2013. Các phương án chống ùn tắc giao thông, TNGT cũng đã được bố trí rất kỹ không để xảy ra sự cố gây tắc nghẽn giao thông, nhất là trục đường hơn 10 cây số từ ngã ba QL18A (Dốc Đỏ) lên đến chùa Giải Oan.
Đặc biệt, lực lượng an ninh, mật phục kết hợp với Công an xã, nhân viên bảo vệ Ban quản lý di tích sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát có sử dụng các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ an ninh nhằm bảo đảm tối đa không để du khách bị các đối tượng xấu trà trộn, chen lấn để móc túi, hành hung để cướp giật.
Núi Yên Tử còn được gọi là Bạch Vân Sơn hay Phù Vân Sơn, cao 1.068 mét so với mặt nước biển. Tại vùng núi non tiên cảnh bồng lai này, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi đã rời bỏ ngai vàng, xuất gia về Yên Tử tu hành (năm 1299), lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo với một dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đặc trưng Phật giáo của Việt Nam. |
Theo VietNamnet