ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -17:20 PM

Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương

 | 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 

---------------

Số: 08-QĐi/TW

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2018

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, TRƯỚC HẾT LÀ ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, ỦY VIÊN BAN BÍ THƯ, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về xây dựng Đảng;

Để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG QUY ĐỊNH

Điều 1. Cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Điều 2. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện:

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

2. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

3. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ.

4. Sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Tâm huyết, tận tuỵ với công việc. Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.

5. Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

6. Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

7. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.

8. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Điều 3. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:

1. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.

2. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

3. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

4. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

5. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

6. Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.

7. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.

8. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định và định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định nêu gương; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định.

3. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy định này được phổ biến đến chi bộ.

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,405,962
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.134.221

    Thư viện ảnh