ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 21/12/2024 -22:49 PM

Nhớ Bác, nhớ những lần Bác về thăm Bắc Giang

 | 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, người thầy của cách mạng Việt Nam, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng hình ảnh, tư tưởng của Người mãi mãi toả sáng và soi đường cho cách mạng nước ta, ngày nay Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Người đã vạch ra cho đến thắng lợi cuối cùng. Với cương vị là lãnh tụ tối cao của Đảng, Bác Hồ đã về thăm Bắc Giang 5 lần kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Đây là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Ngày 24 tháng 1 năm 1955 (tức ngày mồng một Tết Ất Mùi), Bác Hồ đã về thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và các chuyên gia nước bạn Trung Quốc đang giúp nước ta xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, cùng nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương (nay là cầu Bắc Giang, thuộc Thành phố Bắc Giang). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để ngăn cản, chặn bước tiến quân của quân thù chúng ta dã phá huỷ cầu Phủ Lạng Thương với mục đích là giữ Đông Bắc – Việt Bắc, thủ đô của kháng chiến trường kỳ, làm nên chiến công oanh liệt : “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cầu Phủ Lạng Thương được tiến hành xây dựng lại với sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc, tham gia trên công trường còn có các chiến sĩ miền Nam tập kết, và công nhân được tuyển trên địa bàn tỉnh Băc Giang và một số tỉnh lân cận. Với khí thế “tất cả để xây dựng tốt”, chỉ trong thời gian ngắn những phần việc cơ bản được hoàn thành. Các chiến sĩ miền Nam tập kết, các chuyên gia vô cùng xúc động, vui mừng, phấn khởi khi được biết Bác Hồ về thăm và chúc tết.


Bác đi thăm cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Bắc Giang).

Tại đây, Bác đã nghe báo cáo của đồng chí đội trưởng đội cầu Nguyễn Tường Lân báo cáo thành tích chung của công trường làm cầu Phủ Lạng Thương, rồi Bác đi thăm cầu, khi đi đến giữa cầu thì Người dừng lại nói chuyện với cán bộ , công nhân: - “Hôm nay, Bác chỉ xem nửa cầu thôi. Bao giờ hoàn thành, Bác sẽ đi thăm cả cầu. Các chú có đồng ý như vậy không?” Mọi người tập trung đông đảo bên cầu, khi đó Bác đứng ngay bên đống gỗ của công trường, Bác hỏi han thêm tình hình ăn Tết, tổ chức đời sống sinh hoạt của anh em công nhân. Người biểu dương thành tích của cán bộ, công nhân ta, chuyên gia nước bạn và tinh thần giúp đỡ của nhân dân Bắc Giang đối với việc làm cầu. Sau đó, Bác lấy điệu cho mọi người hát bài ca “Kết đoàn”. Theo nhịp tay Bác, lời ca vang lên như lời hứa với Bác :quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để đón ngày Bác về thăm. Và chỉ trong 4 tháng, cầu được xây dựng hoàn thành, vượt trứơc kế hoạch.

Ngày 8 tháng 2 năm 1955 ( tức 16 tháng Giêng Ất Mùi), Bác Hồ đã về thăm Cẩm Xuyên ( xã Xuân Cẩm –huyện Hiệp Hoà). Người đi thăm hộ nông dân được chia quả thực, thăm nơi ăn chốn ở của anh chị em cán bộ Đoàn cải cách , làm việc với ban cán sự Đoàn uỷ Đoàn cải cách đóng tại Đình Cẩm Xuyên, tham dự và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 tại hội trường Son Vải, thôn Cẩm Xuyên.

Ngày 6-4-1961, trong lần về thăm Bắc Giang, Người đã về thăm, nói chuyện với nhân dân Xã Tân An, huyện Yên Dũng, đi thăm làng chiến đấu Long Trì. Năm 2007, chính quyền và nhân dân Tân An đã xây dựng Khu nhà lưu niệm Bác Hồ, trong đó có tấm bia khắc lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm xã. Lời căn dặn của Bác được người dân Tân An luôn nhớ mãi, Bác căn dặn người dân Tân An luôn phải thực hiện "3 cao": “Đoàn kết cao, năng suất sản xuất cao và đời sống nhân dân cao”. Lời căn dặn của Bác được nhân dân Tân An thực hiện tốt, trong những năm đổi mới, Tân An đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề và dịch vụ, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng nâng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết diện tích canh tác của xã nay đều trồng lúa lai, lúa cao sản, lúa thơm có giá trị kinh tế cao kết hợp với thâm canh rau màu, cho giá trị thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi lợn, gà, bò cũng phát triển rộng rãi. Năng suất lúa thường đứng đầu huyện và giá trị chăn nuôi chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm của xã. Là trung tâm 8 xã vùng Đông Bắc huyện, lại có tỉnh lộ 299 chạy qua, xã phát triển đa dạng ngành nghề và dịch vụ, tập trung dọc theo con đường giao thông này và khuyến khích, tạo điều kiện xuất khẩu lao động. Hiện ngành nghề, dịch vụ và xuất khẩu lao động chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của xã. Giáo dục của xã thường ở tốp 3 địa phương đứng đầu toàn huyện; tất cả các làng, khu phố đều là làng văn hoá cấp huyện, làng văn hoá cấp tỉnh.


Khu Lưu niện Bác Hồ ở Tân An

Tại khu lưu niệm Bác Hồ ở Tân An, ngày 01/ 09/ 2009 Sở GD – ĐT Bắc Giang đã tổ chức Lễ báo công và tuyên dương học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2008-2009.

Trong năm lần về thăm Bắc Giang, thì có 2 lần Bác gặp gỡ, nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tại khán đài A cũ (nay là khán đài B) sân vận động thành phố Bắc Giang. Lần thứ nhất vào ngày 6-4-1961, Bác về thăm và nói chuyện với hơn 3,5 vạn cán bộ và nhân dân. Đứng trên khán đài A cũ, Bác đã ân cần hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích trong những năm kháng chiến chống Pháp, những tiến bộ của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng, hạn chế của tỉnh cần khắc phục. Lần thứ hai vào ngày 17-10-1963, Bác về thăm tỉnh Hà Bắc. Cũng tại khán đài A cũ, sân vận động Bắc Giang, Bác đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bác nói lần này về thăm và nói chuyện với đồng bào ở đây thấy có sự biến đổi quan trọng, tốt đẹp khi hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã hợp thành một tỉnh to lớn hơn, người đông hơn, sức mạnh hơn, của nhiều hơn. 

Khán đài A cũ sân vận động Bắc Giang, nơi hai lần được đón Bác về thăm và nói chuyện đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh. Chính từ ý nghĩa đó, ngày 21-6-1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định số 774/QĐBT cấp bằng công nhận khán đài B sân vận động thành phố Bắc Giang - nơi Bác Hồ đến thăm là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Để phát huy giá trị to lớn của di tích, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về tình cảm của Bác dành cho mảnh đất, con người Bắc Giang, thành phố Bắc Giang đã từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo khu di tích. Khán đài A mới được xây dựng giáp đường Xương Giang; còn khán đài A cũ được đổi thành khán đài B (giáp đường Nguyễn Thị Lưu). Trong năm 2010, thành phố đầu tư kinh phí sưu tầm những hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của Bác Hồ với nhân dân Bắc Giang, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh dự kiến đưa phòng trưng bày đi vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/05/2010). Đây cũng sẽ là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi về thành phố Bắc Giang. Và tương lai không xa, di tích lịch sử khán đài B sân vận động thành phố Bắc Giang sẽ là chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh như nhiều chi nhánh bảo tàng khác ở các tỉnh trong cả nước.

Trong những ngày tháng năm này, toàn Đảng toàn dân ra sức thi đua: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lập thành tích thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2010), nhớ về những lần Bác về thăm Bắc Giang thật biết mấy tự hào.

Theo bacgiangonline.net

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,787,711
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.152.63

    Thư viện ảnh