ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 03/10/2024 -23:42 PM

Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng từ thực tiễn tỉnh Bắc Giang

 | 

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.” Điều đó khẳng định tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản tham nhũng từ các giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án hình sự đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ khoá: Thu hồi tài sản tham nhũng; vai trò của Viện kiểm sát nhân dân.

1. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng

Trong những năm gần đây, các vụ án tham nhũng có xu hướng tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng trong công cuộc phòng chống tham nhũng của đất nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước là rất lớn, nghiêm trọng nhưng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi lại rất thấp. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Viện kiểm sát nhân dân nói riêng đang phải đối mặt khi giải quyết các vụ án tham nhũng. Chính vì vậy, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng trở thành một yêu cầu tất yếu của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Thu hồi tài sản trong vụ ántham nhũng là một quá trình, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ, quyền hạn áp dụng các biện pháp theo quy theo quy định pháp luật để phát hiện, truy tìm, kê biên, phong toả, tịch thu tài sản do hành vi phạm tội tham nhũnggây rađể sung công quỹ nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”. Trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật từ khi tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm và xuyên suốt hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, trực tiếp điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Với chức năng, nhiệm vụ đó, Viện kiểm sát giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc yêu cầu xác minh nguồn gốc tài sản, đảm bảo áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vi phạm trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng” là định hướng quan trọng để Viện kiểm sát nhân dân gắn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp với việc triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Theo đó, thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn công tác nghiệp vụ của ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng như: Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án có liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC ngày 27/6/2021 về “Kỹ năng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”; Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 14/10/2021 về “Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ” (Hướng dẫn số 33/2021) trong đó đã nêu rõ các cơ sở pháp lý đối với các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đồng thời, Hướng dẫn số 33/2021 cũng đã nhận diện rõ các tài sản phải thu hồi là tài sản tham nhũng, tài sản bị thất thoát, lãng phí, tài sản do phạm tội mà có, các bước cần thu hồi tài sản và chi tiết các biện pháp áp dụng để thu hồi tài sản trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Kiểm sát; đặc biệt là các kỹ năng cần thiết trong công tác của ngành về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.Căn cứ các quy định của pháp luật và yêu cầu của ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hướng đến nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản và cụ thể hoá trong các kế hoạch công tác hằng năm, trong đó “Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đề ra yêu cầu áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản chiếm đoạt, gây thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2023.

2. Thực trạng và những khó khăn, vướng mắc khi thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang

* Thực trạng thu hồi tài sản khi giải quyết các vụ án tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án đối với các vụ ántham nhũng ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang (cấp tỉnh và cấp huyện) nhận thấy tình hình tội phạm tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh cónhiều diễn biến khá phức tạp. Các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về các tội tham nhũng đã phát hiện chủ yếu ở các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, tài chính, quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai và gần đây bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước trong hoạt động quản lý tài chính, tài sản của các doanh nghiệp, về kinh doanh bất động sản, ngân hàng,... Các đối tượng phạm tội tham nhũng bị phát hiện khởi tố tập trung là cán bộ ở huyện, xã; một số đối tượng được giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong các công ty, doanh nghiệp… đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với việc giải quyết cácvụ án về tham nhũng, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dântỉnh đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang thường xuyên chú trọng quan tâm, chỉ đạo và kiểm tra sát sao Viện kiểm sát nhân dânhai cấp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, cácQuy chế, quy định của ngành và Nghị quyết của Ban cán sự đảng. Theo đó, chất lượng công tác kiểm sát trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Trong quá trình giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dânhai cấp (cấp tỉnh vàcấphuyện) đã chủ độngđề ra Yêu cầu điều tra, chủ động phối hợpvớicác cơ quan tố tụngcũng như các cơ quan hữu quan tập trung vào việc thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị thiệt hại. Cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp xác minh nguồn gốc tài sản, hạn chế các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Trong thời điểm từ ngày 01/10/2020đến 31/7/2023, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện trong các vụ án tham nhũng phải thu hồi là 86.461.000.000 đồng. Trong đó, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 70.270.000.000 đồng (giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án cũ là 25.076.000.000 đồng, giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án mới là 45.194.000.000đồng) và tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 16.191.000.000 đồng (giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án cũ là 787.000.000 đồng; giá trị tài sản thiệt hại trong các vụ án mới là 15.404.000.000 đồng).

Kết quả, tổng giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng là 44.790.000.000đồng, trong đó:2.449.000.000 đồng ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; 25.439.000.000 đồng ở giai đoạn điều tra; 690.000.000 đồng ở giai đoạn truy tố; 16.121.000.000 đồng ở giai đoạn xét xử và 91.000.000 đồng ở giai đoạn thi hành án. Theo đó, so với giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là 51,8%.

Nhận thấy, đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang (so với tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trên cả nước khoảng 32,5%). Kết quả cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động có hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án” đã đề ra yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra, Toà án nhân dân và Kiểm toán Nhà nước để phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả các tội phạm tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60% thì tỷ lệ thu hồi thu hồi tài sản tham nhũng của tỉnh Bắc Giang chưa cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu hồi tài sản trong giai đoạn truy tố còn thấp.

* Khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng

- Bất cập trong quy định pháp luật về thu hồi tài sản

Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng đã không ngừng được hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng pháp luật trong công tác thu hồi tài sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sự tắc nghẽn trong áp dụng pháp luật là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng còn hạn chế.

Thứ nhất, thiếu các biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng từ giai đoạn tiền khởi tố. Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các biện pháp trực tiếp tác động vào tài sản nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản bao gồm kê biên tài sản (Điều 128) và phong toả tài khoản (Điều 129). Tuy nhiên, biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, tức là chỉ áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can còn biện pháp phong toả tài khoản mặc dù được áp dụng với người bị buộc tội trước khi khởi tố vụ án nhưng phạm vi áp dụng chỉ đối với người có tài khoản (có số dư) tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Theo quy định trên, chưa có biện pháp tác động trực tiếp vào tài sản (không phải tiền trong tài khoản) của người bị buộc tội từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.

Thứ hai, khó khăn trong việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thu hồi tài sản. Theo quy định pháp luật, khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, biện pháp phong toả tài khoản cơ quan tố tụng chỉ được kê biên tài sản, phong toả tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, khi giải quyết các vụ án tham nhũng, việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những vụ án sau khi truy tố Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xác định lại giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản thiệt hại. Chính vì vậy, để tránh hậu quả của việc xác định chưa đúng giá trị tài sản trong vụ án tham nhũng, qua kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản Viện kiểm sát nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng rất hạn chế áp dụng biện pháp kê biên tài sản hay phong toả tài khoản. Điều đó được minh chứng bởi thực tế tài sản thu hồi được chủ yếu do ngườiphạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội tự nguyện khắc phục mà không xuất phát từ các biện pháp thu hồi tài sản trên.

Thứ ba, thiếu các quy định pháp luật để phục vụ việc xác minh nguồn gốc tài sản, giá trị tài sản. Theo ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: “Chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không thì vẫn bỏ một khoảng trống rất lớn. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn.” Trên thực tế khi kiểm sát hoạt động xác minh tài sản của Cơ quan điều tra, việc xác minh tài sản vẫn phụ thuộc vào sự thiện chí của người bị buộc tội, phần lớn tài sản xác minh nhưng không kê biên được do có liên quan đến đồng sở hữu, việc thu hồi tài sản phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng sở hữu nên việc xử lý tài sản để thu hồi gặp nhiều khó khăn.

- Khó khăn, hạn chế trong công tác thu hồi tài sản trong các giai đoạn giải quyết vụ án tham nhũng

Thứ nhất, việc xử lý các tội phạm về tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Do các vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, khó xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản bị thiệt hại,đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản tham nhũng trở nên rất tinh vi. Bên cạnh đó, hầu hết hành vi phạmtộixảy rarất lâu mớibị phát hiện xử lý,do đóngười phạm tội có thời gian, điều kiện để tẩu tán hoặc sử dụng hết tài sản tham nhũng, nhất là các vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, người phạm tội sử dụng tài sản tham nhũng vào phục vụ việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, dồn điền đổi thửa, tu sửa đình chùa vànhiều phương thức, thủ đoạn khác nên không có điều kiện thu hồi. Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, thi hành án đối với cácvụ án về tham nhũng,Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang mặc dù đã tích cực chủ độngphối hợpvới các cơ quan hữu quan,liên quan nhằm tập trung trọng tâm vào việc thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị thiệt hạinhưng hiệu quả chưa cao, tiến độ thu hồi tài sản trong một số vụ án còn chậm, nhiều vụ án không thu hồi được tài sản hoặc thu hồi không đáng kể.

Thứ hai, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố, điều tra vẫn chưa chú trọng việc xác minh tài sản. Một số vụ ánCơ quan điều tra không xác minh tài sản của bị can và đối tượng liên quan trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì tài sản riêng của bị can không còn. Thực tế, Cơ quan điều tra thường chỉ tập trung điều tra, làm rõ tội phạm, chưa chú trọng việc điều tra, xác minh, truy tìm tài sản kịp thời nên việc xác minh tài sản chưa hiệu quả, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp thu hồi tài sản. Tuy nhiên, Kiểm sát viên chưa chủ động đề ra yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu để làm rõ nguồn gốc tài sản, yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện kê biên tài sản, phong toả tài khoản.

Thứ ba, trong giai đoạn truy tố tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Khó khăn xuất phát từ thời hạn truy tố ngắn, không có nhiều nhân lực nên Kiểm sát viên gặp bất lợi trong việc tiến hành xác minh tài sản, tiến hành các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thu hồi tài sản. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản tham nhũng được thu hồi chủ yếu qua kênh người phạm tội hoặc thân nhân của họ tự nguyện khắc phục, ở vấn đề này, Viện kiểm sát còn hạn chế trong việc thuyết phục người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả.

Thứ tư, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử chưa chú trọng đến phần trách nhiệm dân sự. Trên thực tế, đối với vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo cùng thực hiện tội phạm, về nguyên tắc là xử lý trách nhiệm hình sự như nhau, tuy nhiên vai trò của những người đồng phạm là khác nhau do đó phần hình phạt và trách nhiệm dân sự có sự phân hoá. Hầu hết, Toà án chỉ tập trung cá thể hoá về hình phạt mà không xác định rõ tỷ lệ bồi thường của các bị cáo, thay vào đó sẽ tuyên liên đới bồi thường. Tỷ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ được tính trên tổng số giá trị tài sản chiếm đoạt, thiệt hại do đó làm giảm thiện chí bồi thường của từng bị cáo. Tuy nhiên, Kiểm sát viên khi tham gia phiên toà không yêu cầu Hội đồng xét xử làm rõ vấn đề này.

Thứ năm, khikiểm sát thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, nhận thấy giai đoạn thi hành án có tính chất quan trọng khi chuyển hoá các biện pháp tố tụng thành kết quả thu hồi tài sản, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở giai đoạn thi hành án rất thấp. Hầu hết các vụ án nếu bị cáo không tự nguyện khắc phục thì sẽ không thu hồi được tài sản. Một phần liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản, mặt khác do các giai đoạn tố tụng trước không làm tốt công tác kê biên tài sản, phong toả tài khoản làm cho bị cáo đã che dấu, tẩu tán tài sản nên đến giai đoạn thi hành thì xác minh không có điều kiện để thi hành án.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

- Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật

Trên tinh thần của Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư ngày 02/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ những giai đoạn trước khi khởi tố vụ án. Theo đó việc hoàn thiện quy định của pháp luật đòi hỏi giải quyết được những bất cập, trên cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với tinh thần pháp luật của Nhà nước và đảm bảo tính khả thi trên thực tế để mang lại hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Thứ nhất, luật định các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản áp dụng đối với tài sản của người bị buộc tội từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, bổ sung quy định về biện pháp phong toả tài sản, tạm giữ tài sản, tạm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản được áp dụng từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trước hết, phải xác định quy định những biện pháp trên tinh thần biện pháp bảo đảm, không phải biện pháp cưỡng chế do đó, tài sản bị phong toả, bị tạm giữ, bị thu giấy tờ có thể không phải là tài sản đã bị chiếm đoạt, đã gây thiệt hại nhưng vẫn áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm mục đích phục vụ việc thu hồi lại tài sản, bảo đảm bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chủ thể gây thiệt hại.

Thứ hai, quy định các biện pháp phong toả tài sản, tạm giữ tài sản, tạm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thì giá trị tài sản bị phong toả không nhất thiết phải tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ các biện pháp này được áp dụng nhằm hạn chế việc đăng ký, giao dịch, tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản mà không làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản bị phong toả, tạm giữ.

Thứ ba, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc đề ra yêu cầu xác minh tài sản bao gồm xác minh nguồn gốc tài sản và giá trị tài sản bao hàm cả những tài sản không phải là đối tượng của tội phạm hoặc liên quan đến hành vi phạm tội. Khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra tội phạm Viện kiểm sát ban hành yêu cầu xác minh theo hướng gắn yêu cầu xác minh tài sản với yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự. Từ đó, có cơ chế bắt buộc Cơ quan điều tra thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.

- Giải pháp nghiệp vụ nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, trước hết Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực trong việc nâng cao kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng. Trên cơ sở Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dântỉnh, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Kiểm sát viên thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, cácQuy chế, quy định của ngành. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án tham nhũng, trong đótrọng tâm là nâng hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Thứ nhất, trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên cần kiểm tra tài liệu, chứng cứ để làm rõ dấu hiệu tội phạm tham nhũng có yếu tố chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại, thất thoát tài sản để kịp thời ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh trong đó có yêu cầu xác minh tài sản. Thực tế, đối với tội phạm tham nhũng thường áp dụng biện khám xét, trong trường hợp đó, nên kết hợp xác minh tài sản, từ đó làm căn cứ truy vết tài sản tại các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, văn phòng đăng ký đất đai, truy nguyên nguồn gốc tài sản đứng tên cá nhân, đồng sở hữu chung để xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc giao dịch, thay đổi hiện trạng, tẩu tán tài sản.

Kiểm sát viên và Điều tra viên phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc tài sản trong vụ án tham nhũng

Thứ hai, trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án. Trong trường hợp Cơ quan điều tra áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu hồi tài sản theo quy định, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo để có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện, trường hợp Cơ quan điều tra vẫn không thực hiện thì Viện kiểm sát thực hiện quyền trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu hồi tài sản, đồng thời ra văn bản kiến nghị vi phạm đối với Cơ quan điều tra.

Thứ ba, trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay thế, huỷ bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Trong trường hợp bị can hoặc gia đình bị can đã khắc phục toàn bộ hậu quả thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đề xuất huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Trường hợp chưa áp dụng các biện pháp trên mà phát hiện bị can có tài sản cần kê biên, có tài khoản cần phong toả thì đề xuất ra lệnh áp dụng là cơ sở để Toà án quyết định áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản. Đồng thời trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên chủ động, tích cực trong việc thuyết phục, khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản hoặc tác động thân nhân khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Thứ tư, trong giai đoạn xét xử, Kiểm sát viên khi tham gia phiên toà cần đề nghị Hội đồng xét xử xác định rõ tỷ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo trong vụ án đồng phạm căn cứ vào tính chất, vai trò tham gia thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở xác định rõ tỷ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo, một mặt để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” mặt khác là cơ sở quan trọng để thi hành án.

Thứ năm, trong giai đoạn thi hành án, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ về thủ tục tống đạt, niêm yết công khai các quyết định về thi hành án, kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và việc xử lý, định giá tài sản thi hành án, nhất là trong trường hợp có liên quan đến đồng sở hữu. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang cần tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Kết luận

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một yêu cầu tất yếu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là tiêu chí thiết thực để đánh giá tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Viện kiểm sát nhân dân với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trực tiếp thực hiện và kiểm sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản có vai trò quan trọng đối với kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Từ kết quả thu hồi tài sản tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang những năm gần đây cho thấy cần nhận diện rõ thực trạng công tác, thể chế thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật, giải pháp nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian tới.

Phòng 3- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,533,402
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.237.15.145

    Thư viện ảnh