Nhằm nâng cao hiệu quả điều tra án, xét xử, điểm nhấn của ngành kiểm sát tỉnh Bắc Giang năm nay là sử dụng hồ sơ bản án được “số hóa” và chứng cứ “điện tử”. Qua đó giúp người tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu cải cách tư pháp.
Nâng chất lượng tranh tụng
Mới đây, Viện KSND huyện Lạng Giang phối hợp với TAND huyện mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Du (SN 1992) ở thôn Hương Thân, xã Hương Sơn (Lạng Giang) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Kiểm sát viên Viện KSND huyện Lạng Giang tham gia phiên tòa có hồ sơ vụ án được "số hóa" |
Đây là phiên tòa đầu tiên ngành kiểm sát tỉnh sử dụng hồ sơ bản án được “số hóa” và chứng cứ “điện tử”. Cụ thể là sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video.
Phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tuyến nên Viện KSND các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, các viện KSND cấp huyện, TP trong tỉnh và một số trường đại học có thể theo dõi để rút kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo cáo trạng, giữa năm 2018, Nguyễn Văn Du đến công trường thi công dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn thuộc địa phận thôn Hương Thân nhằm kiểm tra xem công nhân thi công có xâm lấn vào phần đất đồi của gia đình mình hay không. Đúng lúc đó, anh Bùi Văn Trung (SN 1970) ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là lái xe chở đất đi tới.
Du ra hiệu dừng xe, thấy anh Trung đỗ sát người mình nên Du đã sử dụng một con dao quắm làm hư hỏng xe ô tô của anh Trung đồng thời chém nhiều nhát vào vùng vai, cổ, sườn phải khiến anh Trung bị tổn thương 12% sức khỏe.
Ở phần xét hỏi, bị cáo Du muốn Viện kiểm sát cho xem lại hình ảnh chiếc ô tô bị hỏng và cho rằng thời điểm xảy ra sự việc, bản thân không làm cửa kính ô tô hư hỏng nặng như vậy. Ông Trần Văn Mạnh, kiểm sát viên Viện KSND huyện phụ trách xuyên suốt vụ án nhanh chóng mở video ghi lại toàn bộ sự việc như trong cáo trạng đã nêu để phản biện. Xem video, Du đã nhận thức rõ về hành vi phạm pháp của mình.
Cùng thời gian, Phòng 1 (Viện KSND tỉnh) cũng phối hợp với TAND tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự có sử dụng chứng cứ “điện tử” và hồ sơ “số hóa” đối với Nguyễn Văn Hưng (SN 1988) ở thôn Đông Triều 8, xã Tân Trung (Tân Yên) về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo Hưng luôn phản cung, không thừa nhận hành vi phạm tội đồng thời đưa ra các lý do về sức khỏe, bị điều tra viên đánh đập, ép cung để từ chối khai báo hoặc khai báo sai sự thật. Khi kiểm sát viên trình chiếu chứng cứ được thu thập trước đó lên màn hình máy chiếu, bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội.
Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Ông Trần Văn Mạnh, kiểm sát viên Viện KSND huyện Lạng Giang cho hay: “Nếu như trước đây, kiểm sát viên cần chuẩn bị rất nhiều giấy tờ, văn bản nên khi thực hiện quyền công tố không tránh khỏi việc mất thời gian tìm kiếm hoặc nhầm lẫn. Mặt khác, một số bị can, bị cáo luôn tìm cách chống đối, khai nhiều thông tin “nhiễu” hòng làm khó cho công tác xét xử.
Từ khi ứng dụng hình thức mới, hồ sơ bản án được thiết kế dưới dạng "cây thư mục" nên việc tìm kiếm và tra cứu rất nhanh”. Hơn nữa, hồ sơ được “số hóa” đã phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội; tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra. Qua đó giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình đối đáp, tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao.
Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan điều tra hai cấp phát hiện, khởi tố mới 589 vụ án hình sự với 925 bị can (tăng 68 vụ và 78 bị can so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, nhiều vụ việc phức tạp, có tính tranh tụng cao. Ông Nguyễn Thế Anh, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết: “Khi sử dụng chứng cứ “điện tử” và hồ sơ “số hóa” sẽ giảm áp lực cho kiểm sát viên, bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.
Không những thế, lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên có thể nghiên cứu, khai thác, cập nhật tài liệu mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào hồ sơ giấy, bảo đảm gọn nhẹ, lưu trữ lâu dài, thuận lợi khi lãnh đạo đơn vị nghe báo cáo án và chỉ đạo, điều hành”.
Đầu năm 2019, Viện KSND Tối cao công bố thứ tự xếp hạng công nghệ thông tin của Viện Kiểm sát địa phương năm 2018. Theo đó, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đứng đầu ngành (đạt tối đa 1.000 điểm). Đây là lần thứ hai ngành kiểm sát Bắc Giang dẫn đầu về chỉ số này (lần đầu vào năm 2016).
Chính vì thế, khi triển khai thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, cơ quan kiểm sát hai cấp đã có nền tảng vững chắc về con người, cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách, quy định nên hình thức này sẽ sớm được nhân rộng.
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị cơ sở, trực tiếp là kiểm sát viên phụ trách vụ án phải ngày càng trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, khi tiếp nhận vụ việc phải khai thác chứng cứ cụ thể, lưu giữ cẩn thận, tạo thuận lợi cho khâu “số hóa” hồ sơ./.
Nguồn: baobacgiang.com.vn