ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 14/09/2024 -16:45 PM

Khắc phục một số vướng mắc trong công tác thi hành án

 | 

Ngày 22/5, tại Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Bắc Giang, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung của hộ gia đình.

Dự hội nghị có đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.

Đồng chí Vũ Mạnh Thắng phát biểu tại hội nghị

Theo Cục THA dân sự, tính đến hết tháng 2/2024, toàn ngành THA tỉnh có 270 việc với hơn 44,6 tỷ đồng liên quan đến tài sản hộ gia đình. Trong đó, số vụ việc vướng mắc về xác định phần quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA ở khối tài sản chung là 135 việc (90 đối tượng phải THA và gần 20 tỷ đồng).

Hiện nay, có một số quan điểm khác nhau về việc xử lý tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung hộ gia đình. Đó là thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74, Luật THA dân sự; quan điểm khác theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự (gọi tắt là Nghị định số 62).

Trước khi Nghị định số 62 có hiệu lực (1/9/2015), việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để THA được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74, Luật THA dân sự năm 2008. Quan điểm này có ưu điểm là việc xác định, phân chia tài sản chung hộ gia đình do tòa án thực hiện, giúp cho việc xử lý tài sản của chấp hành viên cơ quan THA dân sự được khách quan, minh bạch, hạn chế tranh chấp và rủi ro phát sinh.

Tuy nhiên, do số lượng việc THA có liên quan đến tài sản chung phát sinh nhiều, dẫn đến số việc TAND các cấp phải thụ lý giải quyết tăng; đồng thời, số việc cơ quan THA dân sự phải hoãn chờ kết quả giải quyết của toà án cũng tăng, thời gian giải quyết việc THA kéo dài.

Các đại biểu dự hội nghị

Thực hiện theo Nghị định số 62 có ưu điểm giúp quá trình tổ chức THA nhanh hơn do không phải đợi tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, thời gian giải quyết rút ngắn. Tuy vậy, phát sinh hạn chế là việc chấp hành viên tự mình xác định phần quyền sử dụng đất, phần quyền sở hữu tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung hộ gia đình nhiều trường hợp không bảo đảm tính khách quan, minh bạch và chính xác, do xuất phát từ ý chí chủ quan của cá nhân chấp hành viên. Pháp luật cũng không có quy định nào hướng dẫn về cách xác định, phân chia tài sản chung.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng dẫn tới tình trạng trên là do một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ. Các quy định pháp luật có nhắc đến thuật ngữ hộ gia đình song chưa có văn bản nào quy định chi tiết hộ gia đình là gì? Quy định hộ gia đình là chủ thể của quyền sử dụng đất và được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không thể căn cứ vào giấy chứng nhận QSDĐ để xác định ai là người có chung QSDĐ của hộ gia đình đó…

Từ các bất cập nêu trên dẫn đến cách hiểu và áp dụng quy định khoản 1 Điều 74, Luật THA dân sự và Nghị định số 62 ở mỗi cơ quan, mỗi giai đoạn có sự khác nhau. Thực tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ việc liên quan đến xác định tài sản hộ gia đình khó THA, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh phát biểu ý kiến

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị cơ quan THA dân sự chỉ đạo chấp hành viên xác minh, xác định đầy đủ, chính xác, chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ và thành viên hộ gia đình, làm cơ sở để xác định phần quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung hộ gia đình để tổ chức THA.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tích cực hướng dẫn, vận động, thuyết phục người phải THA tự nguyện thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Mạnh Thắng đánh giá việc tổ chức hội nghị chuyên đề đã đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong THA. Đồng chí đề nghị TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đề xuất với Đoàn Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật THA dân sự, bảo đảm hành lang pháp lý đủ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh; đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật để các bản án, quyết định của toà án được thực thi nhanh chóng, hiệu quả.

Các cơ quan THA dân sự, TAND, Viện KSND tăng cường phối hợp trong việc xử lý, giải quyết những vướng mắc khi xác định phần QSDĐ, phần quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình đối với từng vụ việc cụ thể.

TAND tỉnh chỉ đạo tòa án cấp dưới nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan THA nhằm bảo đảm các điều kiện THA. Viện KSND tỉnh tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động THA dân sự.

Qua hội nghị chuyên đề, Cục THA dân sự tỉnh rà soát, tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện báo cáo, kiến nghị để chuyển đến Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh xem xét, phối hợp giải quyết./.

Nguồn: baobacgiang.vn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,313,859
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:34.231.180.210

    Thư viện ảnh