4. Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III)
Chương III của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở gộp Chương II - Chế độ kinh tế và Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp. Ảnh Nhân Sáng
4.1. Về kinh tế
Hiến pháp đã làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế (Điều 50, Điều 51), vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Điều 52), tài sản công thuộc sở hữu toàn dân (Điều 53), việc quản lý và sử dụng đất đai (Điều 54) và bổ sung một điều mới (Điều 55) về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác; cụ thể như sau:
- Về tính chất, mô hình nền kinh tế: Trên cơ sở kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp quy định nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Điều 50). Quy định như vậy vừa thể hiện được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội.
- Về các thành phần kinh tế: Hiến pháp quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (Điều 51); khẳng định Nhà nước và kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hiến pháp không nêu cụ thể tất cả các thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992. Cách thể hiện này phù hợp với tính chất quy định của đạo luật cơ bản, còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Hiến pháp quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật (Điều 51). Lần đầu tiên, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được ghi nhận trong Hiến pháp (khoản 3 Điều 51). Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách tạo ra sự bất bình đẳng
- Về các hình thức sở hữu: Hiến pháp ghi nhận, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân cả về tư liệu sản xuất, các quyền tài sản và sở hữu trí tuệ. Kế thừa và phát triển quy định về sở hữu toàn dân trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tiếp tục khẳng định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53).
- Về quản lý và sử dụng đất đai: Đất đai là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Vì vậy, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hiến pháp bổ sung quy định “quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ” (khoản 2 Điều 54) để thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai. Hiến pháp quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (khoản 3 Điều 54). Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 54). Hiến pháp bổ sung quy định về trưng dụng đất có thời hạn trong một số trường hợp đặc biệt như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, trường hợp phải đối phó với nguy cơ hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh (khoản 4 Điều 54) để thống nhất với quy định tại Điều 32 của Hiến pháp về trưng dụng tài sản, đồng thời làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất trong Luật Đất đai và các luật có liên quan.
- Về tài chính công: Hiến pháp bổ sung một điều quan trọng về chính sách tài chính công (Điều 55) nhằm khẳng định vai trò của tài chính công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng tài chính công và tạo cơ sở hiến định cho việc thiết lập kỷ luật tài chính. Theo đó, ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Ngân sách Nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định.
4.2. Về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường
Hiến pháp cơ bản kế thừa những nội dung về từng lĩnh vực này trong Hiến pháp năm 1992 nhưng được thể hiện một cách tổng quát, mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề và chính sách cụ thể sẽ do luật định (các điều 57, 58, 59, 60, 61, 62 và 63); cụ thể như sau:
- Về chính sách lao động: Hiến pháp quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57).
- Về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Hiến pháp quy định Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Điều 58).
- Về chính sách xã hội: Kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tiếp tục quy định Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác (Điều 59).
- Về chính sách văn hóa: Hiến pháp tiếp tục quy định Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (Điều 60).
- Về chính sách giáo dục: Hiến pháp quy định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề (Điều 61).
- Về chính sách khoa học và công nghệ: Hiến pháp quy định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ (Điều 62).
- Về chính sách bảo vệ môi trường: Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).
5. Về bảo vệ Tổ quốc (Chương IV)
Trên cơ sở giữ nội dung và bố cục của Chương IV Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hiến pháp khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
6. Về bộ máy nhà nước
Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
6.1. Về Quốc hội (Chương V)
Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cơ bản giữ như quy định của Hiến pháp năm 1992; đồng thời, có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; cụ thể như sau:
Về Quốc hội:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 83 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Điều 69).
- Quy định rõ, khả thi và phù hợp hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN quyền quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (khoản 3 Điều 70) để xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền quyết định của Quốc hội và quyền quản lý, điều hành của Chính phủ.
- Tiếp tục quy định Quốc hội quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; bổ sung thẩm quyền Quốc hội quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ (khoản 4 Điều 70).
- Bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (khoản 7 Điều 70) để phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình Tòa án nhân dân, làm rõ hơn vai trò của Quốc hội trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đồng thời nâng cao vị thế của Thẩm phán theo tinh thần cải cách tư pháp.
- Bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc giám sát, quy định tổ chức và hoạt động, quyết định nhân sự đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập (các khoản 2, 6, 7 và 9 Điều 70).
- Tiếp tục quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (khoản 8 Điều 70).
- Quy định rõ và hợp lý hơn các loại điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn hoặc bãi bỏ của Quốc hội (khoản 14 Điều 70). Đó là những điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.
- Hiến định thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 78). Đồng thời, bổ sung quy định giao Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể Ủy ban của Quốc hội (Điều 76).
Về Ủy ban thường vụ Quốc hội:
- Hiến pháp làm rõ hơn thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội (Điều 73); chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (khoản 5 Điều 74);
- Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (khoản 8 Điều 74). Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến việc thay đổi về địa giới hành chính mà còn liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính, đặc biệt là phải bảo đảm thể hiện được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương. Do đó, vấn đề này cần được Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân quyết định. Do đặc thù Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên, khối lượng công việc trong các kỳ họp là khá lớn nên Hiến pháp giao thẩm quyền này cho Ủy ban thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực, hoạt động thường xuyên của Quốc hội là hợp lý;
- Bổ sung thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước (khoản 6 Điều 74);
- Bổ sung thẩm quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 12 Điều 74). Bởi vì, vị trí của đại sứ là đại diện đặc mệnh toàn quyền của nước ta ở nước ngoài nên việc quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn để Chủ tịch nước bổ nhiệm, cử, triệu hồi đại sứ là cần thiết. Quy định này cũng là sự kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội:
Xuất phát từ tính chất hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cũng như yêu cầu của công tác cán bộ ở nước ta, Hiến pháp quy định theo hướng Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban; còn Phó chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Hội đồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn (Điều 75, Điều 76). Đồng thời, Hiến pháp quy định rõ hơn về quyền yêu cầu cung cấp thông tin và bổ sung quyền yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 77).
Về đại biểu Quốc hội:
Hiến pháp tiếp tục quy định vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; đồng thời, khẳng định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu và bổ sung quy định đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
(Do đồng chí Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội trình bày)
(Còn nữa)