10h sáng nay, với 97% đại biểu tán thành, toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày không có nhiều thay đổi so với lần trình bày trước đó. Dự thảo gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
Theo ông Uông Chu Lưu, Quốc hội đã 3 lần cho ý kiến, đồng thời Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã lấy ý kiến nhân dân nên dự thảo lần này đã "phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân".
Các đại biểu nhấn nút thông qua toàn văn Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: VTC
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo này, với 486 đại biểu tán thành trong tổng số 488 đại biểu có mặt (chiếm 97%), hai đại biểu không biểu quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là sự kiện có tính chất lịch sử của thời kỳ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp, và cả hệ thống chính trị tham gia.
"Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và là bản Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân", ông Hùng nói và cho hay, các đại biểu quốc hội đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên, qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản hiến pháp thông qua lần này.
Theo dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp dự kiến được thông qua sáng nay, Hiến pháp phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới.
Những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.
Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đang có hiệu lực được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII thông qua năm 1992. Trước đó, còn có Hiến pháp năm 1946, 1959 và 1980. |
Theo VnEpress.net