ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -19:18 PM

Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

 | 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Trên tinh thần đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Hòa tổng hợp dưới dạng hỏi - đáp một số nội dung về bầu cử, góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về quyền bầu cử và tích cực tham gia cuộc bầu cử, cụ thể như sau:

Câu hỏi 1: Những người nào được gọi là cử tri? Người bị tạm giữ về hình sự, người bị tạm giam, người bị Tòa án kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo có được ghi tên vào danh sách cử tri không?

Trả lời:

- Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tức người có quốc tịch Việt Nam), tính đến ngày bầu cử (tức ngày 23/5/2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. Cử tri là người có quyền bầu cử.

- Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đai biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Như vậy, người bị tạm giữ về hình sự, người bị tạm giam, người bị Tòa án kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo nếu là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự và không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Việc niêm yết danh sách cử tri được quy định như thế nào? Khi có khiếu nại về danh sách cử tri thì cần giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 32, Điều 33 Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đai biểu Hội đồng nhân dân năm 2015:

- Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 14/4/2021), cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.

- Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Câu hỏi 3: Việc bỏ phiếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định như thế nào?

Căn cứ khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đai biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, để đảm bảo nguyên tắc bầu cử trực tiếp, đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Câu hỏi 4. Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể 02 tội liên quan đến bầu cử gồm: Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160); Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161)./.

Ngô Tuấn Hùng- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,407,246
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.91.152

    Thư viện ảnh