ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -18:46 PM

Kháng nghị phúc thẩm hình sự: Bảo đảm đúng tội danh, khung hình phạt.

 | 

Thông qua kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp, nhiều bản án, quyết định chưa đúng của phiên tòa sơ thẩm đã được kịp thời sửa đổi trong phiên xử phúc thẩm, bảo đảm đúng tội danh, khung hình phạt. 

Cán bộ Phòng 7 (Viện KSND tỉnh) thảo luận về nội dung bản án sơ thẩm.

Kháng nghị phúc thẩm hình sự là một trong những quyền năng pháp lý quan trọng và duy nhất Nhà nước giao cho Viện KSND đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có sai phạm. Đơn cử như bản án hình sự sơ thẩm ngày 8/10/2020 của TAND huyện Sơn Động (Bắc Giang) xử phạt bị cáo Ngô Văn Nhã (SN 1988) tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử 9 tháng tù về tội đánh bạc. 

Thông qua công tác kiểm sát bản án, Viện KSND tỉnh thấy phán quyết của tòa cấp sơ thẩm chưa hợp lý nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Nguyên nhân là bị cáo Nhã từng có 2 tiền án về tội đánh bạc chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục phạm tội bằng hình thức đánh liêng với số tiền sử dụng hơn 1,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại phần Nhận định và Quyết định của bản án, Hội đồng xét xử đã đánh giá và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm là không đúng. Bởi các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm. 

Do vậy, mức án 9 tháng tù là nặng. Theo đó, Viện KSND tỉnh đã ban hành Quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm, yêu cầu TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giảm hình phạt tù đối với bị cáo còn 7 tháng và đã được TAND tỉnh chấp nhận toàn bộ kháng nghị.

Ở một vụ án khác, theo kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện KSND tỉnh, tại bản án sơ thẩm ngày 10/1/2020 của TAND huyện Hiệp Hòa xử phạt bị cáo Hà Văn Hậu (SN 1990) ở xã Danh Thắng 20 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Nghiên cứu kỹ bản án, kiểm sát viên Viện KSND tỉnh nhận thấy có nhiều điểm chưa chuẩn xác. 

Chẳng hạn như: Bị cáo Hậu trước thời điểm phạm tội đã từng 2 lần bị TAND huyện Hiệp Hòa xử phạt về tội danh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Viện KSND tỉnh đưa ra quyết định kháng nghị và yêu cầu TAND tỉnh xét xử lại, tăng mức xử phạt lên 24 tháng để bảo đảm tính nghiêm minh và đúng pháp luật.

Do vậy, đòi hỏi các kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải trực tiếp lập phiếu kiểm sát bản án, xem xét đối chiếu giữa kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, nhất là xem xét, đối chiếu nội dung bản án về tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc xác định chính xác, kịp thời những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và trong nội dung bản án sẽ mang tính quyết định để báo cáo lãnh đạo Viện KSND xem xét, quyết định kháng nghị hay không theo thủ tục phúc thẩm.Mỗi năm, trung bình Viện KSND hai cấp kháng nghị phúc thẩm hình sự từ 15- 20 bản án với nhiều loại tội danh, khung hình phạt khác nhau. Ông Hoàng Tùng, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự (Phòng 7-Viện KSND tỉnh) cho biết: Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị cũng là một khâu quan trọng trong kế hoạch công tác kiểm sát hằng năm. 

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phúc thẩm hình sự, Viện KSND hai cấp tiếp tục thực hiện tốt việc rèn luyện các kiểm sát viên về kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của TAND. Thực hiện hiệu quả việc phối hợp TAND cùng cấp thực hiện các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với những vụ án phức tạp, có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ, hướng xử lý... bằng hình thức trực tuyến.

nguồn: baobacgiang.gov.vn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,406,888
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.210.173

    Thư viện ảnh