Ngành kiểm sát đã và đang đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự, góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Làm rõ hơn hành vi phạm tội
Giữa tháng 11 vừa qua, Viện KSND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm được số hóa tài liệu, chứng cứ vụ án liên quan đến bị cáo Đặng Văn Cường. Cường bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Từ khi bị bắt giữ đến ngày xét xử, Đặng Văn Cường không thành khẩn khai báo. Nắm rõ các tình tiết, tính chất của vụ án, kiểm sát viên đã chuẩn bị tốt cáo trạng, bản luận tội, công bố nhiều tài liệu, chứng cứ là hình ảnh, video trích xuất từ camera an ninh để bảo vệ quan điểm truy tố. Căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, kết quả quá trình xét hỏi, tranh luận và đề nghị mang tính thuyết phục của viện kiểm sát, Hội đồng xét xử TAND huyện Lạng Giang đã tuyên phạt Cường 3 năm tù.
Kết thúc phiên tòa, Phó Viện trưởng Nguyễn Xuân Hồng chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm để chỉ ra các ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của kiểm sát viên. Đồng chí đánh giá, Kiểm sát viên Trần Văn Mạnh đã thể hiện được bản lĩnh của một kiểm sát viên dày dạn kinh nghiệm, trình chiếu nhanh, chính xác các tài liệu, chứng cứ được số hóa, chủ động xét hỏi nhằm làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo; trình độ chuyên môn được nâng cao rõ rệt.
Hay như ở phiên tòa rút kinh nghiệm do Viện KSND TP Bắc Giang vừa tổ chức, bị cáo Phạm Hồng Ngọc bị truy tố về tội “Môi giới mại dâm” cũng chối tội. Kiểm sát viên Đặng Đức Hùng đã công bố đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trực quan nên cuối cùng bị cáo phải cúi đầu nhận tội. “Là một kiểm sát viên trẻ, thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, tôi có thêm kiến thức trong nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần xét hỏi cũng như xây dựng kế hoạch tranh luận và đối đáp tại phiên tòa” - anh Hùng nói.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đối với án hình sự tập trung vào các vụ án có tình tiết phức tạp như: Bị cáo không nhận tội; bị can, bị cáo đông; án về lĩnh vực kinh tế, chức vụ. Hình thức tổ chức thường là trực tuyến ngoài tỉnh, trong tỉnh, trong nội bộ đơn vị hoặc có lãnh đạo Viện KSND tỉnh, cán bộ phòng nghiệp vụ kiểm tra đột xuất.
Qua những đóng góp, trao đổi của đồng nghiệp, các kiểm sát viên nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh. Đồng thời, nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình tại phiên tòa.
Theo tổng hợp của Viện KSND tỉnh, năm 2020, toàn ngành tổ chức 157 phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự, tăng 10 phiên so với năm 2019; trong đó có hàng chục phiên sử dụng tài liệu, chứng cứ được số hóa. Các vụ án đều được thụ lý kiểm sát chặt chẽ, không có trường hợp đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định pháp luật.
Trên thực tế, để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cần nhiều thời gian, công sức, cơ sở vật chất tốt, trong khi đó ở cấp huyện chưa được trang bị đầy đủ hệ thống màn hình, âm thanh. Vì vậy, Viện KSND tỉnh đã tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh xây dựng đề án “Số hóa hồ sơ và trình chiếu tài liệu tại phiên tòa”. Khi đề án được triển khai sẽ khắc phục được các khó khăn trên, giúp nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho kiểm sát viên, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp.
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Xuân Hùng cho hay, toàn ngành xác định việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự là giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ hiệu quả. Đối với các vụ án phức tạp, lãnh đạo đơn vị quan tâm chỉ đạo ngay từ giai đoạn sơ thẩm. Khi tổ chức rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ cần bao hàm đầy đủ từ công tác kiểm sát điều tra, xây dựng hồ sơ vụ án đến công tác chuẩn bị xét xử, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Nguồn: baobacgiang.gov.vn