Từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 2 năm 2012 trên địa bàn huyện Tân Yên liên tục xảy ra nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản là điện thoại di động của các em học sinh. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên đã phát hiện điều tra khởi tố 5 vụ với 12 bị can, tính trung bình có từ 2 đến 3 đối tượng cùng nhau thực hiện một vụ.
Các đối tượng cưỡng đoạt tài sản (từ trái qua phải): Nguyễn Trọng Hải, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Huy Quân
Các đối tượng này hầu hết đều ở lứa tuổi 9X, bỏ học sớm, ham chơi, có đối tượng nghiện hút, manh nha tụ tập thành băng nhóm. Chúng lựa chọn phương tiện là xe môtô đi theo các em học sinh tan học về đến đoạn đường vắng thì chặn xe rồi chiếm đoạt điện thoại. Thủ đoạn chúng sử dụng rất đa dạng, thông thường là hỏi mượn điện thoại để nháy máy, kiểm tra số. Khi hỏi mượn điện thoại bao giờ cũng kèm theo những lời nói hay cử chỉ đe doạ. Tinh vi hơn như vụ Lương Cao Minh sinh năm 1995 ở Ngọc Yên Trong xã Cao Xá khi cưỡng đoạt điện thoại của em Nguyễn Văn Mạnh sinh năm 1995 ở Nghĩa Thượng, Minh Đức, Việt Yên thì nói “hôm qua mày đánh em tao phải không?” khi nghe câu trả lời là “không phải em” thì Minh quát “chẳng mày thì ai, mày có số điện thoại đuôi 622 phải không?” khi Mạnh nói “không phải” thì Minh tiếp tục bảo “đưa điện thoại tao nháy xem phải không?” buộc Mạnh phải đưa điện thoại cho Minh. Hay như vụ Nguyễn Đức Tâm sinh năm 1993 khi cưỡng đoạt điện thoại của em Phạm Tuấn Anh sinh năm 1995 ở xa Liên Chung và em Vũ Đình Tài sinh năm 1995 ở xã Hợp Đức đã dùng cử chỉ như là chuẩn bị rút hung khí làm cho em Tuấn Anh và Tài sợ hãi phải đưa điện thoại...Trong các vụ án, nếu em học sinh nào không cho mượn điện thoại thì các đối tượng sẵn sàng đánh các em học sinh buộc phải đưa điện thoại như vụ Hoàng Mạnh Toàn sinh năm 1992 ở Châu Sơn, Ngọc Châu doạ cắt tai rồi tát vào mặt em Trần Đình Quyền sinh năm 1995 ở Cầu Xi xã Ngọc Châu kèm theo nhiều câu đe doạ buộc phải đưa điện thoại. Khi đã chiếm đoạt được điện thoại thì các đối tượng thường tìm đến các cửa hàng điện thoại di động bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Nhiều vụ các đối tượng còn dặn các em học sinh phải trả lời như thế nào khi bố mẹ hoặc người thân hỏi về việc mất điện thoại. Do sợ bị đánh, bị trả thù mà nhiều em học sinh không dám nói sự thật với bố mẹ, không dám tố cáo với cơ quan Công an. Vì vậy số vụ cưỡng đoạt, cướp tài sản xảy ra trên thực tế có thể còn nhiều hơn số vụ án đã được cơ quan Công an phát hiện khởi tố.
Thiết nghĩ bên cạnh việc tích cực điều tra khám phá, xử lý nghiêm minh người phạm tội, cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương còn cần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân để phòng chống loại tội phạm này. Trong đó việc xác định án điểm, đưa các vụ án đi xét xử lưu động và việc thông báo đến các Trường THPT, THCS trên địa bàn là biện pháp hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Nguyễn Văn Đông
VKS Tân Yên