ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 26/11/2024 -03:37 AM

Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 4-cuối): Một cuộc thi hành án tử hình

 | 

Không giống như đa số các tử tù khác, trong phút giây cận kề cái chết, cả hai đều không hoảng loạn. Nếu như nhiều tử tù khi nghe tiếng khóa buồng giam vang lên lách cách, khi người quản giáo xuất hiện và khẽ nói: "Hôm nay đi" là chân tay trở nên mềm nhũn, không bước nổi, quản giáo phải xốc nách ra khỏi xà lim thì cả Thân lẫn Nam đều bước đi hoàn toàn bình thường.

>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 1)

>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 2)"Liên minh" trong xà lim án tử

>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 3) Chiến dịch truy lùng 17 ngày đêm

Nhà không dám tắt đèn

Thì ra, đêm 3/11, sau khi thấy động, không chỉ một mình Nam mà cả Thân cũng chạy khỏi bãi ngô, cuống cuồng, lạc nhau mỗi tên một hướng. Thấy chỗ nào cũng có công an,  Thân lao bừa ra phía bờ sông, tìm cách bơi sang bờ bên kia là địa phận của tỉnh Vĩnh Phúc. Đúng lúc ấy thì Thân nhìn thấy một chiếc thuyền thúng làm bằng tôn, không biết của ai đó, neo ở bờ sông. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, Thân bèn leo lên thuyền, hối hả chèo sang bên kia sông là xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Trời tang tảng sáng, Thân vứt thuyền dưới bến, rồi mò đến nhà Trần Văn Đắng. Đắng không phải là anh em ruột rà gì với Thân mà chỉ là người bà con xa trong họ. Lần này, cùng đường, Thân phải tìm đến.

Rất may là Đắng ở nhà và đồng ý cho Thân tá túc. Do tinh ranh, xảo quyệt nên Thân nghĩ ra cách lẩn trốn rất quái dị để tránh bị công an và bà con làng xóm phát hiện. Đến bữa, Thân không dám ngồi ăn cơm cùng gia đình Đắng mà chui xuống chuồng lợn để ăn, thây kệ mùi phân hôi thối quẩn vào cơm ăn, nước uống. Ban đêm, Thân leo lên ô văng nhà để ngủ bởi ở vị trí này hắn có thể quan sát, theo dõi được mọi thứ ở phía dưới - trong nhà, ngoài xóm - nhưng người ở dưới thì lại không thể nhìn thấy y được.

Tuy đã chọn cách ẩn náu như vậy nhưng Thân vẫn không yên tâm. Sau hai ngày đêm ở nhà Đắng, Thân  quyết định “bùng”. Y ra tá túc ngoài bãi dâu, chỉ ban đêm mới dám mò vào nhà Đắng để lấy cơm ăn, nước uống. Thân và Đắng còn quy định ám hiệu là ngọn đèn treo trước cửa nhà Đắng. Khi nào thấy tắt đèn, tức là an toàn, thì mới được vào lấy cơm ăn. Bằng không thì phải nhịn...

Nơi ẩn náu cuối cùng của tên Thân.

Cảnh giác cao thế nhưng mọi thủ đoạn của Thân cũng không qua nổi con mắt tinh tường của các trinh sát hình sự. Kết quả khai thác tên Nam cho thấy, ngoài Trung Châu, quê Thân thì Trung Hà cũng là nơi Thân có nhiều quan hệ. Khi mới trốn trại, hai tên sang Trung Hà, Thân đã từng tới nhà một người họ hàng xa tên là  Đắng để xin tá túc nhưng không gặp được,  lại bị vợ Đắng từ chối. Bằng linh cảm nghề nghiệp và với kinh nghiệm hơn 20 năm làm trinh sát hình sự, từ lời khai của tên Nam, Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó trưởng Phòng CSHS - có niềm tin rằng, nhiều khả năng, sau khi thoát khỏi bãi ngô Trung Châu, Thân đã quay lại Trung Hà. Thượng tá Thanh Hùng đề nghị Ban chuyên án cho tăng cường lực lượng trinh sát xuống nằm vùng ở Trung Hà.

Quả nhiên, khi đưa quân về ém tại đây, các trinh sát hình sự thu được nhiều nguồn tin quan trọng, củng cố cho phán đoán của Thượng tá Hùng. Thứ nhất là, chuyện tự nhiên nhà Đắng vớ được chiếc thuyền ngoài bãi. Đám choai choai ở ven sông kể, sáng sớm ngày mồng 4 (chính là hôm Thân thoát khỏi bãi ngô Trung Châu), chúng thấy ông Đắng ra sông từ tinh mơ, vác về một chiếc thuyền thúng làm bằng tôn, bảo là nhặt được. Đám trẻ xin nhưng Đắng không cho. Sau này, khi bắt được Thân, Đắng mới buộc phải khai rằng, đêm đó, khi mò tới nhà Đắng, Thân rất hoảng hốt kể lại chuyện bị công an vây ráp ở bãi ngô dữ quá, may vớ được chiếc thuyền mà bơi qua sông về đây. Thuyền vẫn còn vứt ở ngoài bờ sông. Nghe thế, tiếc của giời, Đắng liền mò ra sông, vác thuyền về nhà mình làm của riêng.

Thứ hai là chuyện vợ Đắng vác rổ sang hàng xóm mua một con gà về làm thịt, nói là nhà có giỗ nhưng khi hỏi giỗ ai thì vợ Đắng cứ ấp a ấp úng như gà mắc tóc, chả biết giỗ ai.

Lời khai của Nam và những câu chuyện bất bình thường như thế cho thấy chắc chắn là Đắng đang giữ mối quan hệ với Thân. Một tổ trinh sát hình sự được lệnh mang mỳ tôm, nước uống, chăn chiếu đến ngủ... ngay ở cạnh nhà Đắng. Quả nhiên, từ khi có trinh sát hình sự ở sát vách, vợ chồng Đắng lo lắng, bồn chồn ra mặt. Và, ngọn đèn trước cửa nhà Đắng, suốt từ hôm ấy, chả bao giờ dám tắt...

Pha biểu diễn ngoạn mục của các trinh sát hình sự

Sáng 13/11, vòng vây của cảnh sát hình sự ở khu vực xã Trung Hà đã khép chặt. Nhưng khu vực trọng điểm được ém nhiều trinh sát nhất chính là bãi dâu ở trong sân kho hợp tác xã.

Ở đây có 3 đống thân cây dâu rất to, được chất lên cao lút đầu người. Những đống thân cây này, được người dân địa phương gác phơi để làm củi. Một trinh sát quê ở vùng trồng dâu nên rất thạo. Anh biết, các đống thân dâu này, trông ngoài thế thôi nhưng bên trong rộng bằng cả một gian nhà, có đến 3, 4 người chui vào ở bên trong cũng được, mùa hè mát, mùa đông ấm. Thuở nhỏ, anh đã từng trốn mẹ chui vào đống dâu nằm cả ngày mà chả ai biết. Cả họ đổ xô đi tìm, tưởng bị lạc. Mãi đến khi nằm trong đống dâu thấy mẹ khóc dữ quá, sợ mẹ bị mù như ông Nguyễn Đình Chiểu trong sách Trích giảng văn học, anh mới chịu chui ra.

Cũng bởi vậy mà trinh sát này đề xuất, phải kiểm tra kỹ cả 3 đống dâu này xem bên trong có người hay không. Nhưng công tác kiểm tra cũng phải làm thật khéo vì sợ nếu bị lộ thì tên Thân từ bên trong rất có thể sẽ chống trả điên cuồng...

Sau khi bí mật kiểm tra, các trinh sát hình sự phát hiện thấy tại một đống dâu, ở một góc có những thân cây khá sạch và vạt cỏ quanh đó bị rạp xuống. Những dấu hiệu bất thường này cho thấy, nhiều khả năng đã có ai đó chui vào đống dâu bằng "cửa" này. Thế là phương án “khám” đống dâu được đề xuất. Mặc dù Ban chuyên án rất tin vào tay nghề của CSHS nhưng đây vẫn là một quyết định khó khăn vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh lúc bấy giờ là Phó giám đốc Công an TP ngần ngại hỏi, liệu có cần phải huy động thêm cả Cảnh sát cơ động nữa không.

Pha trình diễn của các trinh sát hình sự bắt đầu trong sự hồi hộp nghẹt thở của lực lượng truy bắt. Một trinh sát từ từ rẽ đống dâu bò vào và ngay lập tức anh quờ phải một vật gì mềm mềm, âm ấm.  Chắc chắn là đã vớ phải... con trăn, anh hét lên và lùi ra. Nhưng bất ngờ anh lại quờ ngay được một chiếc tất. Thôi, thế là đúng có người ở trong này rồi và rất nhanh trí, anh trinh sát lại tiếp tục trườn vào trong hốc dâu thăm thẳm, tối om như hũ nút. Lính hình sự, trận mạc quen nên trong  bóng tối, cú ra đòn vẫn chính xác. Nhanh như cắt, anh đã chộp được một cánh tay. Cánh tay đó gầy trơ xương, không cựa được trong đôi tay cứng như gọng kìm của lính hình sự. Thân bị bắt. Hôm đó là ngày thứ 17 kể từ khi vụ cưa cùm, trốn trại xảy ra...

Một cuộc thi hành án tử hình

6 tháng sau, phiên tòa xét xử vụ tử tù trốn trại giam được đưa ra xét xử ngay trong khuôn viên  Trại Hỏa Lò mới. Cùng với Thân và Nam, 9 người đã từng có hành vi giúp sức cho chúng trong những ngày chạy trốn cũng bị đưa ra xét xử về tội che giấu tội phạm.

Kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Hải Nam và các chứng cứ khác cho thấy việc chúng trốn khỏi buồng giam 3K3 hoàn toàn không có sự thông đồng, giúp đỡ của CBCS quản giáo, bảo vệ của Trại giam. Tuy nhiên, đối với những CBCS thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả hai tên tử tù trốn thoát thì 24 đồng chí bị xử lý kỷ luật, một số đồng chí bị truy tố về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một bài học đau xót về công tác quản lý, giam giữ, cải tạo phạm nhân của Công an TP Hà Nội.

Bữa ăn ngon lành đầu tiên của tên Thân tại phòng PC14 sau nhiều ngày trốn chui lủi.

Vì hành vi trốn trại nên ngoài bản án tử hình, Thân còn phải cõng thêm bản án 5 năm tù giam, Nam 4 năm tù giam. Tổng hợp hình phạt chung cho hai bản án vẫn là... tử hình.

Hai năm sau ngày vượt ngục, sáng 17/10/2003, bản án tử hình đối với Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam được thi hành. Dường như đã hiểu được cái giá mình phải trả cho những tội ác không thể dung tha nên cả Thân và Nam đều bình tĩnh đón nhận khoảnh khắc đền tội. Không giống như đa số các tử tù khác, trong phút giây cận kề cái chết, cả hai đều không hoảng loạn. Nếu như nhiều tử tù khi nghe tiếng khóa buồng giam vang lên lách cách, khi người quản giáo xuất hiện và khẽ nói: "Hôm nay đi" là chân tay trở nên mềm nhũn, không bước nổi, quản giáo phải xốc nách ra khỏi xà lim thì cả Thân lẫnNam đều bước đi hoàn toàn bình thường.

 Đã có những ngày tháng ngồi trong xà lim cùng nhau, rồi trốn chui trốn lủi cùng nhau, hôm nay cả hai lại cùng nhau về với đất. Trong bữa ăn cuối cùng theo luật định trước khi ra pháp trường, cả Thân lẫn Nam đều ăn ngon lành, trò chuyện ríu rít. Rồi cả hai cùng viết thư về cho gia đình, một cách bình tĩnh và thanh thản. Kẻ gieo tội ác phải đền tội như một quy luật bất biến của muôn đời...

Nhữ Dũng ( nguồn tư liệu CAND )

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,461,633
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.6.140

    Thư viện ảnh