Cuộc truy lùng hai kẻ tử tù vượt ngục là cuộc truy lùng với quy mô lớn chưa từng có của Công an TP Hà Nội. Khoảng 500 CBCS đã được huy động, trong đó có nguyên cả Trung đoàn Cảnh sát cơ động. 60 đầu xe để chở quân được sử dụng hết công suất.
Tất cả các tuyến đường thuỷ, đường bộ, đường không, cửa khẩu có nghi vấn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Công an TP Hà Nội đã cố gắng đến mức cao nhất để bắt lại hai kẻ tử tù này trong thời gian ngắn nhất, khi mà chúng còn chưa kịp trở tay để gây thêm một tội ác nào nữa. Nói như Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP Hà Nội lúc bấy giờ: "Đây là việc phải làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật"...
>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 1)
>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 2): "Liên minh" trong xà lim án tử
Lần lại hơn 300 mối quan hệ của hai kẻ tử tù...
Tất cả các đơn vị của Công an TP Hà Nội đều được huy động vào cuộc truy lùng đặc biệt này, nhưng lực lượng chủ công được Ban Giám đốc tin tưởng giao phó là hai đơn vị Anh hùng LLVTND là Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát điều tra cũ (nay hai đơn vị này đã được nhập về thành một đầu mối theo Pháp lệnh điều tra hình sự mới). Hai tập hồ sơ dày cộp, xếp chồng lên nhau cao đến cả ngang người, của hai kẻ tử tù, được rút ra khỏi kho hồ sơ lưu trữ để tất cả các điều tra viên, các trinh sát hình sự giỏi nhất của hai đơn vị tinh nhuệ này nghiên cứu.
Kết quả, hơn 300 mối quan hệ của Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam được dựng lại từ ở Hà Nội, Hà Tây đến Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình... Các tốp trinh sát hình sự, cứ thế, lặng lẽ lên đường trong cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông để truy tìm theo dấu vết của hơn 300 mối quan hệ đã được dựng lại đó. Đại tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thời bấy giờ (nay là Phó giám đốc Học viện Cảnh sát) sau này kể lại, nhìn anh em trinh sát vai cõng balô, súng dài, súng ngắn lầm lũi lên đường trong giá rét tái tê mà thấy đắng lòng. Tiền công tác phí eo hẹp, nhiều anh em phải ứng lương hoặc về nhà xin... vợ để có thêm chút kinh phí giắt túi, chống chọi với cơn đói ở nơi rừng thiêng nước độc, vì tất cả đều xác định được đây là một chuyến công tác dài ngày và nhiều nguy hiểm...
Đồng thời với việc lần theo các mối quan hệ của hai kẻ tử tù, một lực lượng trinh sát khác được giao nhiệm vụ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để dựng lại toàn bộ cuộc trốn chạy của Thân và Nam. Được sự giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân ở khu vực dân cư xung quanh Trại Hỏa Lò, các trinh sát đã tìm thấy một nhân chứng rất quan trọng. Đó là anh Nguyễn Quang Vinh ở thôn Ngọc Mạnh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.
Nhà anh Vinh ở phía sau Trại. Khoảng 6h sáng ngày 28/10, hết ca trông đêm ở hồ cá, anh Vinh đang đạp xe trên đường 70 để về nhà thì gặp Thân và Nam. Anh Vinh không quen biết hai người này và cũng không biết chúng vừa trốn tù. Anh chỉ thấy cả hai đều đi chân đất, người ướt lướt thướt, rét run cầm cập. Người thanh niên cứng tuổi hơn, cao gầy lòng khòng (sau này xác định là tên Thân) hỏi xin đi nhờ xe đạp. Thấy họ ăn vận phong phanh và bị rét nên anh Vinh thương, đồng ý. Anh Vinh đèo Thân còn Nam thì chạy bộ ở đằng sau. Khi đến gần ngã tư Canh thì Thân nhảy xuống. Anh Vinh thấy họ hỏi thuê một chiếc xe ôm, còn đi đâu thì anh không biết.
Tại khu vực ngã tư Canh, các trinh sát cũng không quá khó khăn để tìm ra người lái xe ôm sáng hôm đó là anh Tiệp, một người dân ở xã Xuân Phương. Anh Tiệp cho biết, bọn chúng thuê anh chở đến một ngôi nhà cách chợ Nhổn khoảng 20 mét rồi vào đó lấy tiền ra trả công anh 10 nghìn đồng.
Cũng lúc này, Ban chuyên án nhận được một nguồn tin quý giá. Đó là một mũi trinh sát đã lần ra một người quen biết tên Nam. Người này đã từng bị bắt quả tang khi lén lút giấu heroin vào trong quà tiếp tế để gửi cho tên Nam. Người này cho biết, Nam có một chiến hữu thân cận tên là Hà. Nhà Hà ở Đồng Xuân nhưng nghe nói Hà có mở một quán càphê nhỏ ở Nhổn. Các trinh sát nhận định, rất có thể ngôi nhà cách chợ Nhổn 20m mà hai tên tử tù dừng lại chính là quán café của Hà.
Khi bị công an gọi hỏi, biết là không chối được, Hà đành khai tuốt tuột. Rằng, sáng ấy đang ngủ thì thấy có tiếng gọi. Hà mở cửa thì thấy Nam và một người thanh niên cứng tuổi hơn Nam. Nhận ra chiến hữu, Hà mời hai người vào nhà nhưng họ không vào. Nam xin Hà 10 nghìn để trả tiền xe ôm. Sau đó vay Hà 200 nghìn đồng và nhờ Hà lấy xe máy kẹp ba chở họ xuống một ngôi nhà ở ven đê. Tiếp tục truy tìm, hóa ra đó là nhà của Lê Thị Tuyết ở xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây. Đây cũng chính là quê của tên Thân.
Cuộc sống ngoài xà lim của hai kẻ tử tù
Sau này, khi bắt được tên Thân đưa về Phòng Cảnh sát hình sự, câu đầu tiên Thân nói là xin được ăn vì đói quá. Bát phở do lực lượng dẫn giải mua ngay ở bờ hồ Thiền Quang mang về, hắn ăn ngấu nghiến chỉ mươi phút là xong. Còn chai nước Lavie mà Thiếu tướng Phạm Chuyên đưa cho hắn chỉ tu một hơi là cạn sạch. Lại còn cứ nắc nỏm khen ngon quá, ngọt quá vì trong những ngày trốn chạy hắn toàn phải ăn khoai sống và uống nước ruộng nồng nặc mùi... phân. Thân còn bảo, sau khi vượt ngục, biết là về quê sẽ nguy hiểm vì chắc chắn công an sẽ tìm về quê hắn nhưng cũng vì đói quá nên hắn phải về đây, tìm nguồn tiếp tế của người thân rồi mới cao chạy xa bay.
Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Văn Thân và bãi ngô nơi Thân, Nam đã ẩn náu
Thực ra, Tuyết không phải là chỗ ruột rà, thân thiết với Thân nhưng Thân lại chọn nhà Tuyết là điểm về đầu tiên mà không phải là nhà cha mẹ, vợ, hay anh em ruột cũng là vì sợ bị công an đón lõng. Thân chỉ là bạn của chồng Tuyết, người cùng làng, lại cùng lứa, chơi với nhau từ nhỏ. Sau khi được Tuyết cho tiền và quần áo, Thân còn nhờ Tuyết gọi thêm Miến và Tứ (là hai người bạn cùng làng) đến. Hai người này cũng cho thêm Thân một ít tiền và quần áo nữa. Sau đó, Tuyết gọi xe ôm đưa Thân rời quê sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc để trốn cho an toàn.
Tại Yên Lạc, trong 3 ngày đầu tiên, Thân và Nam ăn nhờ ở đậu nhà một vài người quen, cho đến trưa ngày thứ 4 thì hai tên mò đến gặp Trần Văn Chinh tại quán thịt chó của con gái Chinh ở xã Trung Hà, Yên Lạc. Chinh không có họ hàng gì với Thân mà chỉ là thông gia của anh trai Thân. Biết Thân vừa mới trốn tù, đang cần tìm nơi ẩn náu, đêm ấy Chinh đã chèo thuyền chở Thân và Nam sang bãi Tân Bồi thuộc xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây để về sống trong lều của Chinh.
Mặc dù đã được Chinh cho ẩn náu ở giữa sông nhưng Thân vẫn không yên tâm. Đêm ấy, trong khi Nam sau nhiều ngày sống vạ vật, quá mệt mỏi đã lăn ra ngủ say như chết thì Thân hì hục đào một chiếc hầm ở ngay dưới gầm giường. Mãi đến tảng sáng thì hầm mới đào xong. Thân kéo Nam cùng chui xuống và nhờ Chinh quay vào trong làng xin hộ một ít thức ăn và tiền.
Vì sợ bị phát hiện nên buổi chiều cùng ngày, đợi đến khi lặn mặt trời, Chinh mới dám chèo thuyền trở về lều ở bãi Tân Bồi để gặp Thân đưa cho Thân số tiền 500 nghìn đồng mà Chinh đã xin được của anh trai Thân. Nhưng khi Chinh vừa tới thì Thân và Nam đã leo lên thuyền của ông Thuần cụt, chuẩn bị nhổ neo. Thì ra, Thuần cụt và hai người cùng làng là Kế và Thời khi đi sang bãi Tân Bồi để làm ruộng, thấy công an vây ráp rất đông nên đã vào lều để báo cho Thân nhanh chóng rời khỏi nơi này.
Đến xẩm tối thì thuyền của Thuần cụt cập bến đò Thọ Xuân, thả Thân và Nam ở đó. Thời chạy vào trong làng, mua một ít mì tôm, trứng, đưa cho Thân để làm thức ăn dự trữ. Thân và Nam ôm đống đồ ăn trốn biệt vào trong bãi ngô.
Bãi ngô xã Trung Châu nằm ngay dưới chân đê, diện tích khoảng 5km2, chạy dài hơn 3km. Ngô đang lúc trổ cờ tốt bời bời, từ trên đê trông xuống chỉ thấy một màu xanh ngút tầm mắt. Người đi vào bãi ngô chỉ cách nhau chục mét là không thể nào nhìn thấy được. Suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau, hai tên tử tù nằm nấp dưới gốc ngô, ăn mì tôm và trứng luộc, không dám thò mặt lên.
Cuộc vây ráp có một không hai trên bãi ngô
Cùng thời điểm đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định được chính xác điểm lẩn trốn của Thân và Nam. Nhưng bãi ngô thì quá rộng nên ngày 3/11 khi cảnh sát đến thì từ xa bọn chúng đã nghe thấy tiếng động và ù té... chạy. Hiện trường chúng để lại là mấy vỏ mì tôm và một đống vỏ trứng.
Cũng do vội vàng tháo chạy mà Thân và Nam lạc nhau. Sinh ra ở Hà Nội, không thông thổ chốn này nên Nam lúng túng không biết chạy đi đâu. Hơn thế, vòng vây của công an đã khép chặt ở khắp mọi nơi. Dưới sông, canô cảnh sát tuần tiễu suốt ngày đêm. Trên bộ, cứ cách dăm trăm mét lại có một chốt gác. Trên bãi ngô, cảnh sát đã bắt đầu đổ quân rầm rộ. Đường cùng, Nam đành liều chạy vào một nhà dân, vơ vội vàng chiếc nón rách úp lên đầu, rồi tay cắp thúng, tay cầm sào đóng giả là người đi chăn vịt mò mẫm trong đêm tối đi lên đê, tính kế sẽ chuồn ra khỏi làng.
Nhưng từ trên đê, lực lượng Cảnh sát hình sự chốt chặn tại đây đã không mấy khó khăn để phát hiện ra điều bất bình thường của kẻ trong trang phục của người chăn vịt kia vì chỉ họa có là thằng điên thì đêm tối thế này mới lùa vịt đi chăn mà thôi! Nam bị bắt giữ ngay tắp lự, khi chiếc nón rách bung ra khỏi đầu y, các trinh sát mừng hú: "Đúng Nam cu chính thật rồi". Hỏi cung nhanh, Nam khai: "Anh Thân vẫn còn ở trong bãi"...
Cũng thời điểm này, trận càn trên bãi ngô đã bắt đầu. 500 CBCS đã được huy động. Hơn 100 lá cờ có cán cao 4m cũng đã được chuẩn bị. Bãi ngô với diện tích hơn 5km2 được chia thành từng ô. Anh em dàn thành hàng ngang, mỗi hàng 200 quân, quét xong ô nào cắm cờ báo hiệu hết ô đó. Lực lượng hậu cần cũng đã chuẩn bị đủ gần 1.000 suất ăn để đảm bảo cuộc truy lùng có thể kéo dài đến đêm. Sau này, anh em còn kể lại rằng, phu nhân của Thiếu tướng Phạm Chuyên - cũng là một cán bộ của Công an Hà Nội - thương anh em vất vả nên đã đích thân mua hết một gánh trứng vịt lộn và hai gánh xôi để bồi dưỡng thêm cho chiến sĩ.
Ngô đang vào vụ, lá đã già, sắc như trăm ngàn lưỡi dao, lại ướt đẫm sương đêm nên cứa vào da thịt cứ xót như bị ai xát muối. Phấn ngô rụng tơi bời, phủ bê bết lên mặt. Thêm nữa, cả bãi ngô lại vừa mới phun thuốc sâu, sặc sụa mùi vừa hắc vừa nồng, vừa cay xè mắt. Thế nên, không ít anh em bị dị ứng phấn ngô và thuốc sâu, mặt mũi sưng vù, phải đưa ra khỏi đội hình. Lính hình sự, đã quen ăn gió nằm sương, nhưng phấn ngô và thuốc sâu thì bây giờ mới được... nếm mùi.
Quá trưa, toàn bộ bãi ngô đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Cờ đã cắm báo hiệu khắp mọi nơi, không còn một ô nào trống mà tên Thân thì vẫn không thấy đâu.
Cuộc truy tìm trên bãi ngô kết thúc. Thiếu tướng Phạm Chuyên hạ lệnh: Chỉ huy các đơn vị phải đi kiểm tra toàn bộ bãi ngô, nếu thấy cây ngô nào bị đổ phải thống kê lại ngay để đền cho dân.
Dưới sông, 3 canô của Phòng CSGT đường thủy vẫn chạy tuần tiễu và khám xét tất cả các phương tiện đi qua quãng sông này. Các trinh sát hình sự vẫn bám chặt các bến đò dọc từ Hà Nội lên đến Ba Vì và còn cho các tổ đi theo tàu chở khách để truy tìm đối tượng. 40 CBCS của Công an Hà Tây (cũ) vẫn đảm bảo phối hợp chặt chẽ với Công an Hà Nội, Công an Hòa Bình, Công an Vĩnh Phúc rà soát toàn bộ các bến phà, bến đò thuộc địa phận của tỉnh. Tên Thân đã trốn được đi đâu trong vòng vây khép chặt đến như thế, vẫn còn là một câu hỏi làm đau đầu Ban chuyên án...
Còn nữa
Nhữ Dũng ( nguồn tư liệu CAND )