ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 26/11/2024 -02:54 AM

Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 2): "Liên minh" trong xà lim án tử

 | 

Sau khi đã rút được chân ra khỏi móng cùm, hàng đêm, Thân leo lên cửa thông gió rồi dùng lưỡi dao lam để cưa song sắt cửa thông gió. Sau 2 tháng thì Thân đã cưa xong 4 đoạn song sắt để tạo thành 1 lỗ hổng đủ chui qua. Để rồi, sau đó đêm đêm, Thân tiếp tục chui qua cửa thông gió ra gian ngoài của xà lim dùng dao lam cưa tiếp hai song sắt bên trái cửa sổ tường rào của buồng giam.

>>> Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục (phần 1)

Ván bạc định mệnh

Đầu tháng 3/2000, buồng biệt giam số 3K3 Trại Hỏa Lò mới có "chủ nhân". Nguyễn Văn Thân, biệt danh Thân "rau muống", được đưa về đây ngay sau khi bị Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình về tội giết người tại phiên tòa diễn ra ngày 29/2/2000.

Sở dĩ Thân được gọi kèm biệt danh “rau muống” vì Thân người cao nhưng gầy gò, trông lòng khòng, da lại đen. Dáng người, khuôn mặt Thân toát lên vẻ lầm lũi, khắc khổ. Thế nhưng, trái với vẻ bề ngoài, Thân là một côn đồ thứ thiệt.  Máu côn đồ dường như thấm vào từng đường gân, thớ thịt của hắn.

Là con trai thứ 4 trong một gia đình nông dân nghèo có 5 người con ở thôn Trung Hà, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ), Thân chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng. Nhưng rồi, không chịu sống yên ở quê, Thân bỏ làng ra đi, phiêu bạt khắp nơi kiếm sống theo các bè buôn gỗ khắp các tỉnh dọc sông Đà như Hòa Bình, Sơn La...

Năm 1992, sau khi tham gia vào một vụ giết người tại Mộc Châu, bị Công an tỉnh Sơn La truy nã, Thân chạy về quê sống một thời gian, sau đó lại tìm đường ra Hà Nội. Do không có trình độ học vấn, cũng chả có nghề nghiệp gì nên Thân cứ sống lang thang, ai thuê gì làm nấy: khi thì làm phụ hồ, lúc chở đất đá thuê... Đầu năm 1995, Thân được thuê đào đường chôn dây điện thoại ở khu vực phường Hạ Đình, Thanh Xuân. Cùng trong tốp công nhân đào đường với Thân còn có Hồng, một người cùng làng với Thân. Trong quá trình làm tại đây, Thân và Hồng thường hay la cà ở quán nước của nhà anh Tâm, thường gọi là Tâm “còng” ở phố Hạ Đình.

Đêm 24/4/1995, Thân và Hồng ghé vào quán Tâm "còng" như thường lệ. Thấy trong nhà anh Tâm đang có đám đánh xóc đĩa ăn tiền, vốn sẵn máu mê cờ bạc, Thân rủ Hồng sà vào ngay. Có bao nhiêu tiền làm thuê được, Thân dốc hết vào những ván bài. Đến khoảng gần 2 giờ sáng, sau khi đã thua rất nhiều, Thân, Hồng, Tâm và một thanh niên là Mạc Phi Dũng chơi ván bạc cuối cùng. Lần này, Thân vẫn thua Tâm và Dũng. Nhưng Thân không chịu trả tiền mà phủi quần đứng dậy định bùng. Hai bên xảy ra xô xát. Thân đã vớ con dao nhọn kiểu Thái Lan ở trên bàn bán nước của nhà anh Tâm đâm liền lúc cả Tâm và Dũng. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên Tâm đã chết ngay trên đường đi tới bệnh viện, còn Dũng thì may mắn thoát chết.

Sau khi gây án, ngay trong đêm, Thân rủ Hồng chạy đến nhà trọ của một vài người cùng quê cũng ra Hà Nội làm thuê, để xin tiền bỏ trốn. Rạng sáng, sau khi xin được một số tiền, Thân và Hồng đã bắt xe đi Lâm Đồng.

Đến đây, hai tên thuê nhà trọ ở 3 ngày để nghe ngóng tình hình. Không thấy bị truy tìm, Thân bảo Hồng ở lại Lâm Đồng, còn mình thì tiếp tục lên xe đi Bình Phước. Từ đó, hai tên mất liên lạc. Hồng ở lại Lâm Đồng đi vào sâu trong rừng làm rẫy thuê cho các chủ vườn để sinh sống.

Khoảng hơn 2 năm sau, Hồng bất ngờ khi thấy Thân tìm đến. Nghe Thân kể, Hồng mới biết, thì ra trong suốt 2 năm qua, Thân đã tạo được một vỏ bọc khá an toàn tại Bình Phước. Với cái tên mới là Nguyễn Thành Đa, Thân đã đăng ký tạm trú được một cách hợp pháp tại ấp 2 Minh Lập, Bình Long. Thân còn cất được một ngôi nhà nhỏ và vợ Thân là Nguyễn Thị L từ quê cũng đã tìm vào đây sinh sống cùng Thân với cái tên mới là Nguyễn Thị Nhung. Thân sống bằng nghề bốc gỗ thuê cho các chủ buôn bè gỗ. Vợ chồng Thân còn vừa mới sinh thêm được một đứa con. Bà con chòm xóm ở đây không ai biết Thân là đối tượng truy nã.

Vợ Thân, khi Công an Bình Phước gọi hỏi, cũng bịa ra rằng, mình là Nguyễn Thị Nhung, người Bắc nhưng cha mẹ đã chết cả, phiêu bạt vào đây kiếm sống thì gặp chồng là Nguyễn Thành Đa ở một lò gạch tại huyện Bến Cát. Hai người về sống với nhau không hôn thú, không biết cha mẹ chồng ở đâu, chưa gặp anh em nhà chồng bao giờ, chỉ nghe Đa nói cha mẹ ruột ở miền Tây nhưng đã từ mặt Đa từ lâu...

Công an Hà Nội, sau khi anh Tâm bị đâm chết, cũng đã có đủ căn cứ để khẳng định Thân là thủ phạm chính và đã ra lệnh truy nã đặc biệt đối với y về tội giết người. Tuy nhiên do Thân lẩn vào tận trong rừng sâu sinh sống, lại thay tên đổi họ, tạo được vỏ bọc mới nên công tác truy tìm trở nên khó khăn...

Về phần Thân, tuy đã thoát xác thành Nguyễn Thành Đa nhưng bản chất côn đồ hung hãn thì vẫn nguyên như cũ. Dù chỉ đi bốc gỗ thuê nhưng lúc nào Thân cũng giắt theo dao bên mình. Đêm 8/11/1998, trong khi bốc gỗ thuê ở Trảng Hoa Lư, xã Lộc Hóa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Thân đã va chạm với một người cùng làm là anh Cao Văn Cường. Sau đó anh Cường đã bỏ đi nhưng Thân vẫn đuổi theo đánh và rút con dao đã thủ sẵn trong người ra đòi đâm anh Cường. Anh Ngọc, một người cùng làm gỗ, thấy vậy đứng ra can ngăn cũng bị Thân rút dao xỉa cho một nhát thấu ngực làm rách màng phổi và cơ hoành.

Gây án xong, Thân bỏ trốn về Chơn Thành nhưng không thoát. Hai ngày sau, Thân bị Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ. Tại đây, Thân vẫn một mực khai tên là Nguyễn Thành Đa. Nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an các tỉnh Bình Phước, Hà Tây (cũ) và Hà Nội đã xác định được Nguyễn Thành Đa chính là Nguyễn Văn Thân, kẻ đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Văn Tâm ở Hạ Đình từ năm 1995 và đang bị Công an TP Hà Nội truy nã về tội giết người.

Vì thế, sau một thời gian giam giữ tại Bình Phước, Nguyễn Văn Thân đã bị di lý ra Hà Nội và Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã quyết định nhập vụ án Nguyễn Thành Đa đâm trọng thương anh Ngọc ở Bình Phước với vụ án Nguyễn Văn Thân giết anh Tâm ở Hà Nội và chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an TP Hà Nội xử lý.

Như vậy, trong vòng 6 năm (từ năm 1992 đến 1998), Nguyễn Văn Thân đã tham gia vào 3 vụ giết người (một ở Sơn La, một ở Hà Nội và một ở Bình Phước), trong đó có 2 vụ y là thủ phạm chính. Chính vì bản chất côn đồ, hung hãn, đã gây ra quá nhiều tội ác như vậy nên trong phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Thân vào tháng 2/2000, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt y mức án cao nhất: tử hình.

Tử tù Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam

“Liên minh” trong xà lim tử hình

Khi Thân đã bị cùm chân trong xà lim tử hình ở Trại Hỏa Lò mới thì Nguyễn Hải Nam tức Nam "cu Chính" đang bị giam tại buồng giam chung 6A vì tội trộm cắp xe máy. Lần đi tù này là lần thứ 5, mặc dù Nam mới có... 28 tuổi.

Sinh năm 1972 trong một gia đình lao động ở xóm Dân Chủ, phường Văn Miếu, Hà Nội, Nam mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng cha với chị gái và em gái. Là con trai duy nhất trong nhà nên dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng Nam vẫn được cha cho ăn học đàng hoàng. Tuy vậy, Nam chỉ học hết lớp 7 là bỏ đi lang thang với đám bạn xấu. 18 tuổi, Nam đã phạm tội trộm cắp nhưng do tuổi còn trẻ lại phạm tội lần đầu nên Nam được Tòa án cho hưởng án treo. Nhưng ngay trong thời gian thụ án, Namlại tiếp tục đi trộm cắp và lại bị bắt. Lần này, Tòa xử Nam tù giam 24 tháng.

Mãn hạn tù trở về, Nam vẫn không tu tỉnh mà lại tiếp tục phạm tội. Tối 16/7/1992, do mâu thuẫn với anh Nguyễn Hữu Hiếu, Nam đã dùng dao lê đâm anh Hiếu trọng thương ngay tại quán cà phê số 56 Lý Thường Kiệt. Lần này, Nam lại bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xử phạt 4 năm rưỡi tù giam. Đến năm 1998, vừa ra tù được ít lâu, Nam lại bị bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản và lại phải chịu tiếp một bản án 30 tháng tù giam nữa. Chấp hành xong hình phạt được ít lâu, đầu năm 2001, Nam lại đi trộm cắp và bị phạt tiếp 4 năm tù giam.

Lần đi tù thứ 5 này, với bề dày thành tích bất hảo - tiền án nhiều hơn tiền mặt - Nam trở thành một kẻ có máu mặt trong buồng giam số 6A. Nhiều kẻ từng đi tù cùng Nam những lần trước đã kinh khiếp khi chứng kiến sự lỳ lợm của Nam "cu Chính". Có lần, khi cải tạo tại Trại Văn Hòa, Hà Nội, Nam đã tự châm lửa đốt chân mình để được đi trạm xá, khỏi phải lao động. Lại có lần Nam tuyệt thực, nhịn ăn suốt 3 ngày liền với lý do... đau họng cũng với mục đích để trốn lao động. Còn chuyện Nam khà khịa, đánh nhau với các phạm nhân khác thì xảy ra thường xuyên.

Vì thế, lần đi tù thứ 5 này, ở buồng giam chung 6A, Nam là một "đầu gấu " thực sự, các phạm nhân cùng buồng sợ Nam một phép, không ai dám ho he. Chỉ riêng một mình Cao Văn Cường là không sợ. Chiều 29/11/2000, Cường được quản giáo đưa vào nhập buồng 6A. Mặc dù, khi đưa Cường vào, quản giáo đã dặn tất cả các can phạm trong buồng không ai được đánh đập Cường nhưng khi cánh cửa buồng giam vừa khoá lại, thấy bóng người quản giáo đi khuất là Nam bắt đầu màn hành hạ. Nam bắt Cường nằm xuống để cho Nam đánh nhưng Cường không chịu nằm mà xin được ngồi để chịu đòn. Chỉ thế thôi mà Nam, với bản tính côn đồ, hung hãn đã cùng với một số phạm nhân thân tín trong buồng xông vào đánh Cường cho đến chết.

Với tội ác không thể dung tha này, tháng 6/2001, Nam đã bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt tử hình vì tội giết người. Là tù tử hình, Nam bị đưa vào khu giam riêng và tình cờ được xếp vào nằm chung ở xà lim buồng 3K3 với Nguyễn Văn Thân.

Một kế hoạch vượt ngục hoàn hảo

Nam không biết ý định vượt ngục đã hình thành trong Thân từ bao giờ và Thân đã chuẩn bị ra sao mà chỉ biết rằng, sau vài tháng giam chung, Thân rủ Nam cùng trốn. Tất nhiên là Nam đồng ý bởi đối với những kẻ tử tù như y thì không còn gì để mất.

Lúc này, Nam thấy Thân đã có khá nhiều dụng cụ, như: bánh xe bật lửa, dao lam, 1 mẩu gạch đá men vỡ có mặt dưới là xi măng cát vàng để tạo ma sát... Thân đã lấy khoảng 10 bánh xe bật lửa rồi dùng dây buộc ghép lại tạo thành một chiếc dũa. Với chiếc dũa tự tạo này cộng với mẩu gạch đá men vỡ, đêm đêm Thân nhẫn nại mài cùm chân của chính mình. Mài cùm lõm đến đâu, Thân lại đốt nhựa nóng lên trám đầy vết lõm. Để không phải tháo cùm, tránh sự phát hiện của quản giáo, thời gian này y vờ bịa ra lý do giận gia đình nên không ra gặp mặt. Đồng thời, lấy lý do trái chân, khó chịu nên Thân xin không đổi  móng cùm.

Mài khoảng 1 tháng thì độ lõm của cùm đủ để cho Thân rút được chân ra khỏi cùm bất cứ lúc nào mà không cần phải được mở khóa. Trong thời gian Thân hành sự thì Nam có nhiệm vụ hát ông ổng hoặc vỗ thùng nước thật to để át tiếng.

Ngoài ra, khi chuyển quà của gia đình vào buồng giam, quà thường đựng trong các bao tải dứa. Thân đã bảo Nam tỉ mẩn ngồi tước từng sợi bao tải rồi bện lại thành một sợi dây thừng dài khoảng 20m.

Sau khi đã rút được chân ra khỏi móng cùm, hàng đêm,  Thân leo lên cửa thông gió rồi dùng lưỡi dao lam để cưa song sắt cửa thông gió. Sau 2 tháng thì Thân đã cưa xong 4 đoạn song sắt để tạo thành 1 lỗ hổng đủ chui qua. Để rồi, sau đó đêm đêm, Thân tiếp tục chui qua cửa thông gió ra gian ngoài của xà lim dùng dao lam cưa tiếp hai song sắt bên trái cửa sổ tường rào của buồng giam. Ở công đoạn này, Namhầu như không phải giúp sức gì mà chỉ có mỗi một nhiệm vụ là cưa đứt cùm của chính mình bằng lưỡi dao lam do Thân cung cấp. "Công cuộc" cưa cùm, phá cửa bọn chúng kiên nhẫn làm hàng đêm, trong vòng khoảng 4 tháng thì xong. Đến cuối tháng 10/2001 thì tất cả đã hoàn tất, chỉ còn thời cơ thuận lợi là... bùng.

Chiều 27/10, trời đột ngột chuyển gió mùa đông bắc. Đến đêm thì đột ngột đổ mưa. Trong xà lim, gió lạnh luồn vào khe cửa, Thân và Nam nghe rõ mồn một tiếng mưa rơi. Chúng biết đây là thời cơ thuận lợi nhất để vượt ra ngoài và chọn thời điểm trốn là khoảng ngoài 1 giờ sáng, là thời điểm mọi người mệt mỏi nhất, dễ ngủ gật nhất. Thân còn dặn Nam phải nhớ ôm theo mỗi đứa một chiếc vỏ chăn để phủ lên hàng rào dây điện trần ngăn cách Trại với bên ngoài mà bò qua, nếu không thì điện giật chết.

Khoảng 1h30' sáng thì Thân và Nam mỗi tên ôm theo một chiếc chăn chui qua lần lượt cửa thông gió, cửa gian ngoài để ra khỏi buồng giam 3K3. Ngoài hai chiếc chăn, chúng còn không quên mang theo một cưa tự tạo bằng dao lam, sợi dây thừng mà chúng đã kỳ công tết trong xà lim và một thanh sắt hình chữ thập mà chúng đã cưa ở cửa thông gió.

Ra khỏi buồng giam 3K3, chúng tiếp tục dùng thanh sắt hình chữ thập phá thêm một lần khóa nữa để thoát ra khỏi khu vực biệt giam và đi về phía đông nam Trại. Tại đây chúng đã gặp may khi Trại đang xây dựng, có rất nhiều cây gỗ tròn làm giàn giáo và chính những cây gỗ này đã giúp chúng có phương tiện để bắc cầu vượt qua bức tường thành của Trại.

Phát hiện thấy có 1 cây keo trồng cách bức tường thành khoảng 5m, chúng đã dùng dây thừng mang theo nối 4 cây gỗ tròn thành 1 chiếc cầu, bắc 1 đầu lên hàng dây điện trần trên tường thành, một đầu bắc lên cây keo rồi phủ chăn che kín dây điện để bò qua. Khoảng 5 giờ sáng, hai tên đã thoát ra khỏi tường thành, tiếp tục bơi qua một con hào bảo vệ và ao bèo của Trại rồi đi bộ qua một cánh đồng để ra đường 70 xã Xuân Phương huyện Từ Liêm...

Cũng từ thời điểm này, tại Công an Hà Nội, một chiến dịch truy lùng kéo dài 17 ngày đêm với quy mô chưa từng thấy bắt đầu...

Còn nữa

Nhữ Dũng ( nguồn tư liệu CAND )

 

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,461,403
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.249.124

    Thư viện ảnh