Một là, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Việc Quốc hội quyết định giao cho Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục đảm nhận hai chức năng Hiến định thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp chính là sự khẳng định và ghi nhận những thành tựu quan trọng mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong 60 năm qua; phù hợp với đặc điểm hệ thống chính trị, nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước ta và xu hướng vận động, phát triển của thiết chế kiểm sát, công tố trên thế giới.
Trên cơ sở đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao. Những kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục khẳng định thêm niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Hai là, ngành Kiểm sát nhân dân xác định công tác cán bộ là cơ sở, nền tảng, là khâu đột phá để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tập trung kiện toàn, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.
Ba là, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự luôn được chú trọng, tập trung thực hiện tốt, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung chỉ đạo phối hợp giải quyết nhiều vụ án điểm, án tham nhũng, các vụ án được dư luận quan tâm, đồng tình, ủng hộ; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Viện kiểm sát tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, bảo đảm phòng ngừa tội phạm.
Bốn là, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động; đã kịp thời khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp; đảm bảo tiến độ giải quyết án, không để xảy ra oan, sai, vi phạm tố tụng; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt tỷ lệ cao. Cùng với công tác đấu tranh chống tội phạm, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, chấn chỉnh, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. Qua đó khẳng định vai trò của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một thiết chế quan trọng góp phần làm trong sạch nền tư pháp.
Năm là, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại. Mặc dù khối lượng công việc đối với các loại vụ án này tăng lên hàng năm, nhưng Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa; từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng. Qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động tư pháp và yêu cầu các cơ quan hữu quan áp dụng những biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Chất lượng các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp; góp phần khắc phục những mặt yếu kém trong công tác quản lý nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.
Sáu là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc về cải cách tư pháp và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng pháp luật; tập trung phổ biến, quán triệt những quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, những quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đạo luật về tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bảo đảm chất lượng nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các đề án về đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm; đổi mới chế độ, chính sách đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã nghiêm túc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 25/4/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Qua đó, có nhiều đề xuất, kiến nghị giá trị, góp phần xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệchế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Bảy là, ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, mở rộng quan hệ song phương, đa phương với Viện kiểm sát, Viện công tố, cơ quan tư pháp các nước và các tổ chức quốc tế trong xây dựng, thực thi pháp luật; trao đổi kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệcao, nghiệp vụ điều tra tội phạm mạng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã tham gia và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế; Hiệp hội các cơ quan phòng chống tham nhũng quốc tế; tham gia các Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc; tiến tới tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ XIII năm 2020 (được tổ chức luân phiên lần thứ 2 tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam). Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều đổi mới trong việc đàm phán, xây dựng các hiệp định; đã chủ động xây dựng mẫu hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đàm phán xây dựng và ký các hiệp định, ký thỏa thuận song phương với Viện kiểm sát, Viện công tố hoặc Cơ quan tổng chưởng lý các nước. Đã tích cực triển khai, thực hiện đúng mục đích, thiết thực và hiệu quả các dự án quốc tế; thông qua thực hiện các dự án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, qua đó, đã góp phần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; tăng cường nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tám là, quán triệt chủ chương của Đảng và thực hiện quy định của Nhà nước về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm thi đua, khen thưởng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kiện toàn tổ chức cán bộ, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm các phong trào thi đua thiết thực, gắn với kết quả thực hiện vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành; công tác khen thưởng chính xác, kịp thời hơn nên đã phát huy ý nghĩa tích cực. Đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực trong toàn Ngành, như: Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tổ chức thi, tuyển chọn và tổ chức hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu để biểu dương và nhân rộng trong toàn Ngành.
Chín là, để tăng cường các điều kiện bảo đảm cho Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng triển khai thực hiện nhiều đề án đầu tư các nguồn lực cho toàn Ngành, từng bước bảo đảm trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị theo định mức, phục vụ thiết thực cho công tác; đã đổi mới toàn diện trang phục của Ngành, bảo đảm đẹp và uy nghiêm; đã trang bị xe máy, máy photocopy, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim… cho Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt đã trang bị xe ô tô chuyên dùng cho một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai thi công, bảo đảm công trình sớm đưa vào sử dụng; đã đưa vào khai thác nhiều công trình, trụ sở Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trong đó có trụ sở mới của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đáp ứng nhu cầu công tác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành; từng bước triển khai và thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video tại phiên tòa; góp phần nâng cao hiệu quả chứng minh tội phạm, tác động lớn đến nhận thức của quần chúng nhân dân; đạt được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.
Mười là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng được quan tâm, thực hiện và đạt hiệu quả hơn. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác tuyên tuyền; thành lập Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền trong Ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan báo chí của Ngành; xây dựng và phát sóng Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân; tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng tuyên truyền công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, những quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các đạo luật mới về tư pháp; kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thống về lịch sử xây dựng, phát triển, hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp nhân dịp hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).
Với những cống hiến của ngành Kiểm sát nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng trong suốt 60 năm, từ năm 1960 đến năm 2020, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1985 và năm 1990; được tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 2010; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015. Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân tặng thưởng những danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo công tác tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIV
Nguồn: kiemsat.vn