ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 09/01/2025 -12:58 PM

Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Người xây móng, đặt nền cho ngành Kiểm sát từ ngày đầu mới thành lập

 | 

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên và là người Thủ trưởng ngành Kiểm sát nhân dân nhiều năm nhất kể từ ngày đầu thành lập Ngành (năm 1960) cho đến khi đồng chí nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1976).

Trước khi là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác mặt trận, công tác dân vận của Đảng, làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nàm và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảm nhiệm nhiều trọng trách, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã để lại nhiều bài học quí báu về công tác vận động nhân dân, gắn bó Đảng với nhân dân, dựa vào Nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, hết lòng phục vụ Nhân dân.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên

Trong thời gian 16 năm liền giữ cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ Kiểm sát vừa hồng, vừa chuyên, có đạo đức, phẩm chất cách mạng trong sáng như pha lê và chỉ đạo các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(khi đồng chí giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Ảnh: St

Khi mới thành lập, khó khăn lớn nhất đối với ngành Kiểm sát nhân dân là đội ngũ cán bộ còn rất mới, chưa quen với chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt cả tâm hồn, trí tuệ cùng tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung giải quyết ba vấn đề mấu chốt đến hoạt động và sự phát triển của Ngành, đó là: Xác định đường lối, quan điểm, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; là xây dựng một đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp của nhân dân và xây dựng mối quan hệ Đảng lãnh đạo ngành Kiểm sát, xây dựng mối quan hệ công tác giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, nhất là đối với hệ thống hành pháp.

Trong những năm trực tiếp lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, cùng với việc xây dựng ngành về tổ chức; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có những chủ trương đúng đắn, có tính định hướng quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo công tác kiểm sát, nhằm phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng do Đảng đề ra. Đồng chí Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng có ý nghĩa quyết định trong chỉ đạo công tác kiểm sát, góp phần hoàn thiện tổ chức cơ quan Viện kiểm sát và thúc đẩy hoạt động kiểm sát phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần củng cố trật tự kỉ cương pháp luật, xứng đáng là một trong những chiến sĩ tiêu biểu nhất trên mặt trận bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, để lại cho chúng ta hôm nay những bài học lớn... Đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp phải có kế hoạch công tác, có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm, chú trọng đến công tác nghiên cứu, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, tích cực góp phần vào việc xây dựng pháp luật, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu đối với Cấp uỷ địa phương”.

Đồng chí Trương An, nguyên ủy viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ năm 1961 đến năm 1968 - sau này đồng chí giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng Cục nhà đất) cho biết: Sau khi thành lập Viện kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo phải chú ý đến phương pháp công tác kiểm sát để khỏi chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp khác nhưng vẫn bảo đảm được pháp chế thống nhất, vẫn chống được việc để “lọt kẻ gian, oan người ngay”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo phải làm tốt công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để kịp thời phát hiện những sai sót trong công tác điều tra, công tác xét xử để uốn nắn, góp ý khắc phục. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành và vì mục tiêu chung là đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo: “Việc cải tạo người có tội phải xuất phát từ quan điểm: Đối với những phần tử phản động chống đối chế độ, hoạt động gián điệp phải nghiêm ngặt; đối với những người thường phạm, trong đó có những người do cuộc sống mà sa vào tội lỗi, thì phải tăng cường giáo dục, tạo điều kiện cho họ cải tà quy chính”. Những quan điểm nêu trên của đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thường xuyên chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tính giai cấp, tính tiền phong và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ngay từ những năm đầu thành lập Ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xác định: “Ngành Kiểm sát chúng ta là một ngành công tác chính trị… Công tác kiểm sát luôn luôn gắn liền với thực tế, với phong trào, với con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã vạch ra. Cho nên chúng ta phải hướng về Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III, không ngừng nâng cao trình độ tư tưởng, trình độ nghiệp vụ” (Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát số 2 và số 3 năm 1961).

Đối với đồng chí Hoàng Quốc Việt, tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng. Đồng chí thường lưu ý đối với cán bộ toàn Ngành: Cán bộ Kiểm sát cần phải đi sát cơ sở, dựa vào quần chúng để làm án và xử lý các vi phạm pháp luật, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tạo tác phong, tự bồi dưỡng cho mình những đức tính không thể thiếu được của người cán bộ Kiểm sát. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quán triệt quan điểm vì dân cho cán bộ Kiểm sát; đồng chí nói: “Ngành Kiểm sát của chúng ta là Viện kiểm sát của nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ nhân dân; Chúng ta muốn xét một người tốt hay là không tốt, trước hết phải xem thái độ của anh ta đối với nhân dân, đối với người lao động như thế nào”.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn lưu ý các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân rằng: Công tác kiểm sát trước hết phải bảo vệ dân chủ, quan tâm đến lợi ích của người lao động và quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Muốn biết ai tốt, ai xấu, ai thiện, ai ác, điều cơ bản phải xem thái độ của họ đối với nhân dân lao động”. Quan tâm đến lợi ích của người dân được pháp luật bảo vệ là một tâm niệm rất tha thiết và sâu sắc của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Trong thời gian làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi biết tin ở đâu có cán bộ, đảng viên dù là chức vụ gì mà phạm tội hoặc vi phạm pháp luật, đồng chí Hoàng Quốc Việt bao giờ cũng kịp thời chỉ đạo một cách kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Các đồng chí cán bộ lão thành của Ngành kể lại: Có lần được nghe báo cáo về một hợp tác xã ở địa phương có hiện tượng nhiều bà con nông dân xin ra hợp tác xã; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đi luôn về địa phương đó gặp tất cả bà con xin ra hợp tác xã để hỏi: “Hợp tác xã như ngôi nhà chung, như tổ ấm của mọi người; tại làm sao hợp tác xã là tổ ấm của mình mà bà con lại xin ra?”. Trả lời câu hỏi của đồng chí Hoàng Quốc Việt, bà con nông dân đã phát biểu: “Thưa Cụ! Hợp tác xã đúng là ngôi nhà chung, đúng là tổ ấm của mọi nhà; nhưng trong ngôi nhà đó, trong tổ ấm đó có con cáo, con cú nên không ở được mà phải đi ra; nếu bắt những con cú, con cáo đó đi thì chúng tôi lại xin vào thôi ạ!”. Nghe vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt biết là cán bộ quản lý hợp tác xã ở đó có vi phạm pháp luật và đồng chí đã lập tức giao cho Viện kiểm sát nhân dân huyện nơi đó phải tiến hành kiểm sát tại chỗ hợp tác xã để giải quyết những vấn đề mà bà con nông dân đã nêu.

Trong thời gian gần đây, khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta được triển khai ngày càng quyết liệt, chúng ta mới thấy hết nhãn quan chính trị sắc bén và tấm lòng dũng cảm, nhân hậu vì Đảng, vì dân của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Với trách nhiệm là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, rèn luyện ý thức tổ chức và kỷ luật, đạo đức cách mạng và tác phong làm việc cho cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt: Khi giải quyết công việc, phải biết vận dụng chính sách, pháp luật cho chính xác; mỗi cán bộ Kiểm sát có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, có đầy đủ những đức tính cần thiết của người cán bộ Kiểm sát như Bác Hồ đã dạy là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Tại hội nghị chỉnh huấn của ngành Kiểm sát nhân dân năm 1961, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: “Muốn làm tốt nhiệm vụ kiểm sát, không những chúng ra cần nắm pháp luật, mà còn phải sát tình hình thực tế để vận dụng luật pháp cho đúng. Tiêu chí đơn thuần áp dụng pháp luật một cách máy móc thì dễ thoát ly phong trào, thoát ly sản xuất. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải nắm tình hình tư tưởng, xã hội, chính trị của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng… Chúng ta còn phải xây dựng một tác phong, một tinh thần công tác khẩn trương, phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc; mới ảnh hưởng tốt đến các ngành khác vững bước tiến lên thuận theo quy luật của xã hội, theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt cho rằng: Đã là cán bộ Kiểm sát phải có lập trường giai cấp công nhân và trước hết là những đồng chí đã vào Đảng. Mặc dù rất bận với nhiều việc quan trọng nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt thường về thăm Trường Đào tạo cán bộ Kiểm sát và trực tiếp giảng bài ở Trường cho các lớp học sinh của Ngành; đồng chí rất chú trọng về nội dung bài giảng về đạo đức cách mạng của người đảng viên, đạo đức của người cán bộ Kiểm sát cho học viên. Đồng chí luôn nhắc nhở anh em cán bộ trẻ và các cán bộ đương chức phải thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt để làm tốt công tác kiểm sát, từ việc luôn mài sắc, trau dồi lập trường và nhãn quan chính trị đồng thời nâng cao trình độ kiến thức khoa học về các mặt, không được chủ quan, tự mãn.

Đối với cán bộ, đảng viên trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt căn dặn: “Đã tự giác đứng vào hàng ngũ của Đảng, cán bộ, đảng viên chúng ta cũng tự nguyện gánh vác những công việc nặng nề, khó khăn, gian khổ hơn quần chúng. Được Đảng dày công rèn luyện, giáo dục nhiều hơn quần chúng, chúng ta đã đi đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng và qua đó mà động viên được nhân dân làm những công việc to lớn như đánh giặc, khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng đất nước. Cho nên khi có vi phạm pháp luật thì đảng viên chúng ta cũng tự nguyện nhận phần trách nhiệm nặng nề hơn. Chính vì thế mà quần chúng mến phục, tin yêu Đảng và đảng viên”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nói với cán bộ Kiểm sát rằng:“Cán bộ Kiểm sát trước hết phải mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật, là người cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê, bất kể việc gì từ việc nhỏ đến việc lớn cũng đều phải giải quyết đến nơi đến chốn, không để nhân dân kêu ca, thán phiền”.

Về xây dựng mối quan hệ Đảng lãnh đạo ngành Kiểm sát và mối quan hệ công tác giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, nhất là đối với hệ thống hành pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát: “Công tác kiểm sát phải quán triệt đường lối chính sách của Đảng và vận dụng đường lối chính sách của Đảng vào công tác kiểm sát để phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong trong từng thời kỳ cách mạng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; bởi vì trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta thì việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và bảo vệ pháp luật là luôn thống nhất. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức và điều hành các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân qua từng thời kỳ và quyết định kết quả công tác của toàn Ngành”.

Từ năm 1960 đến năm 1965, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân phối hợp với các ngành, các cấp tập trung phục vụ nhiệm vụ lớn của Đảng như: Phục vụ nhiệm vụ trấn áp đối với các thế lực thù địch chống lại sự nghiệp cách mạng; phục vụ nhiệm vụ xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp; phục vụ và hưởng ứng phong trào ba xây, ba chống. Từ kết quả của công tác kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo tổng kết và rút ra những ý kiến đề xuất rất quan trọng với Đảng, Nhà nước như củng cố và tăng cường công tác của Thanh tra Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân không chỉ phát hiện, xử lý chính xác, kịp thời, có hiệu quả mà còn phải đề xuất khắc phục cả tình trạng tiêu cực trong xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần củng cố tổ chức cơ sở Đảng.

Từ khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân phải chuyển hướng nhiệm vụ của toàn Ngành sang phục vụ nhiệm vụ bảo vệ pháp luật về kinh tế, bảo vệ tài sản, bảo vệ kỷ luật tài chính, bảo vệ chính sách hậu phương quân đội, chống việc lợi dụng thời chiến để buông lỏng quản lý, góp phần vào việc đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến chiến thắng. Đích thân đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều chuyến công tác về tận nông thôn, đến các nông trường, xí nghiệp để trực tiếp nói chuyện với những người lao động và nghe các ngành, các cấp cung cấp các thông tin về tình hình chấp hành pháp luật. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn nêu vấn đề công tác kiểm sát phải gắn với yêu cầu tăng cường hiệu lực của bộ máy Nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Do vậy, Viện kiểm sát các cấp phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp ở địa phương, trước hết là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với công tác kiểm sát như vậy đã thể hiện quan điểm, lập trường, tính kỷ luật của người đảng viên cộng sản luôn kiên định, vững vàng. Chính vì vậy ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng được quan điểm nghiệp vụ rất chuẩn mực cho những thế hệ làm công tác kiểm sát hiện nay vận dụng.

Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 16 năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Có thể khẳng định rằng, đồng chí Hoàng Quốc Việt là người đặt móng, xây nền cho sự phát triển vững chắc của ngành Kiểm sát nhân dân trong 60 năm qua./.

Lại Hợp Việt, Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT VKSND tối cao

(kiemsat.vn)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,036,974
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.73.167

    Thư viện ảnh