ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình nghiên cứu, quán triệt Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung) năm 2014

 | 

Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014 gồm 06 chương, 101 điều. Việc sửa đổi lần này được coi là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp.

Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn, Luật Tổ chức VKSND đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Luật xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân. Điều 3 và Điều 4 quy định rõ các chức năng cơ bản của VKSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo đó, thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động...; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Luật đã cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp… Theo đó, Điều 3 và Mục 1- Chương II của Luật đã quy định rõ vai trò của công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Luật Tổ chức VKSND đã làm rõ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành (Điều 7). Theo đó, xác định rõ Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Luật Tổ chức VKSND cũng điều chỉnh quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát bảo đảm phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp (Điều 43, Điều 45, Điều 47);

Về chức năng, nhiệm vụ, Luật đã quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế; quy định về các công tác khác Viện kiểm sát nhân dân đang thực hiện mà chưa được Luật quy định, như: Hợp tác quốc tế; thống kê tội phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; phổ biến, giáo dục pháp luật...

Về tổ chức bộ máy và các chức danh tư pháp, Viện kiểm sát được tổ chức trong một hệ thống thống nhất, bao gồm hệ thống VKSND và VKS quân sự. Điều 40 của Luật quy định hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 4 cấp, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) và Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 58 của Luật quy định các chức danh tư pháp trong VKSND, Luật cũng quy định rõ các tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, bổ nhiệm Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên (Mục 3, Chương IV). Theo đó, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là 10 năm. Điểm mới của Luật trong mục này là "Tuyên thệ của Kiểm sát viên" được quy định tại Điều 85. Theo đó, người được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ: 1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tuỵ phục vụ nhân dân; 2. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật; 3. Kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội; 4. Không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; 5. Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của VKSND. Quy định tại điều này, một mặt nhấn mạnh về các tiêu chuẩn đối với Kiểm sát viên, mặt khác tác động tích cực đến nhận thức của người được bổ nhiệm về vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên. Điểm thay đổi căn bản so với quy định trước đây là trước khi được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp hoặc Kiểm sát viên cao cấp thì người đó phải tham dự một kỳ thi tuyển và được Hội đồng thi tuyển đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định.

Thực hiện Nghị quyết số 82/2014/QH13, ngày 24/11/2014 của Quốc hội (khoá XIII) về việc thi hành Luật Tổ chức VKSND và Kế hoạch số 110/KH-VKSTC-V9, ngày 12/12/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao, thời gian vừa qua, cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Bắc Giang đã tích cực nghiên cứu, quán triệt các nội dung quy định trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi); xác định rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Qua đó, đã góp phần làm chuyển biến đáng kể chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là trong lĩnh vực hình sự. Theo số liệu tổng hợp qua các kỳ giao ban công tác tháng từ đầu năm đến nay giữa lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh với các đơn vị trong ngành, cho thấy công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đã được tăng cường; tỷ lệ bắt, tạm giữ được giải quyết bằng biện pháp hình sự tăng lên (riêng tháng 3/2015, nhiều đơn vị trong ngành đạt tỷ lệ 100%); việc phê chuẩn các quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân...được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực đạt nhiều kết quả tích cực, ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị đối với các vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp trong các hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án (cả hình sự và dân sự).

Chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc và toàn diện các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2015), nhất là các quy định mới được sửa đổi, bổ sung lần này là việc làm thiết thực nhất, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Đó cũng là tiền đề vững chắc để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Nguyễn Xuân Hồng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:36,503,550
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.114.93