ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 14/09/2024 -17:52 PM

Ý nghĩa “Ngày Gia đình Việt Nam 28/6”

 | 

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn do Đảng ta phát động và thực sự đã đi vào đời sống xã hội của nhân dân ta như một tất yếu mà thật bình dị và thật sâu sắc, phong phú. Nói về đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh không những mỗi người chúng ta cảm nhận được đầy đủ truyền thống văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam nói chung, mà còn là sự khẳng định xu thế phát triển của một xã hội văn minh và tiến bộ. Xây dựng một xã hội tốt đẹp phải được đặt trên một nền tảng gia đình vững chắc trong xã hội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Theo lời Bác, ngày 28 tháng 6 năm 2000 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam, Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi dùy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực khỏe mạnh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình còn gắn liền với hàng xóm, cơ quan, gắn kết với nhà trường và xã hội sẽ tạo nên một nền tảng giáo dục vững chắc nhất và phát triển con người một cách toàn diện. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Không khí vui vẻ, đầm ấm, yêu thương và tích cực học tập, rèn luyện, hăng say lao động sản xuất khiến mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy hạnh phúc.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước ta.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để xây dựng đất nước Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn để phát triển sự nghiệp gia đình. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước về gia đình tại địa phương, xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của mỗi địa phương. Nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; chú trọng và đảm bảo tốt nhất quyền con người, tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em gái, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình văn hoá và vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng cơ quan văn hóa; gắn việc xây dựng gia đình với sự bình đẳng giới, quan tâm đặc biệt tới phụ nữ và trẻ em.

Gia đình không những là nơi sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống các thành viên trong gia đình và xã hội, mà còn là nơi duy trì nòi giống - sản sinh ra con người, tái sản xuất - sức lao động; là tổ ấm đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Gia đình không chỉ là mối quan tâm của mỗi người, của những nhà nghiên cứu xã hội học, mà còn là sự quan tâm của cả một thiết chế xã hội được thể hiện qua nhận thức và hành động của Đảng, của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ngày nay gia đình không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ nữa, mà đã trở thành vấn đề chung của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Để tôn vinh “Ngày gia đình Việt Nam 28/6”, mỗi người chúng ta hãy tổ chức sum họp gia đình, tổ chức liên hoan gặp mặt các thành viên trong gia đình và chăm lo gắn kết với hàng xóm, cơ quan, nhà trường và xã hội; trong đó có sự vào cuộc chung sức của các đoàn thể chính trị xã hội; nhằm ôn lại truyền thống nề nếp gia phong, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là điều hết sức cần thiết và thật sự có ý nghĩa thiết thực, gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau để “Ngày gia đình Việt Nam 28/6” hàng năm đi vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam.

Hoàng Đức Trình

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,314,632
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:34.231.180.210

    Thư viện ảnh