Ngày mai (9/10) các cầu thủ U19 Việt Nam sẽ đối đầu U19 Hàn Quốc. Ở cấp độ đội tuyển thì đấy là sự khác biệt lớn, còn với bóng đá trẻ thì sao?
Lần đầu bóng đá Hàn Quốc “xông đất” bóng đá Việt Nam là năm 1991 khi LĐBĐ TP.HCM kỷ niệm một năm tuổi đã “chơi sang” mời đội Sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam thi đấu. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên ngày càng đậm hơn và hầu như những cúp lớn của LĐBĐ TP.HCM, rồi sau này là LĐBĐ VN đều có đại diện của Hàn Quốc sang tham dự.
* Duyên nợ bàn thắng của Văn Quyến hạ gục đội hạng tư thế giới
Sinh viên Hàn Quốc lần đầu sang Việt Nam đã để lại ấn tượng đậm với lối chơi hiện đại, ý thức và kỷ luật chiến thuật cao, bài bản. Nói như Phó Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Tấn Minh thời bấy giờ là “Hàn Quốc cử những đội sinh viên sang thi đấu, nhưng đấy là nền tảng cho bóng đá chuyên nghiệp của họ và cho cả đội Olympic lẫn đội tuyển vì mặt bằng bóng đá Hàn Quốc được xây trên nền tảng các trường đại học”.
Nghe nói đến sinh viên, nhiều người cứ nghĩ đây là các đội bóng phong trào. Thực chất Hàn Quốc lấy bóng đá sinh viên làm nền tảng thông qua kế hoạch phát triển mà hệ thống trường học nằm trong chiến lược quốc gia có những ký kết liên tịch với ngành thể thao và cả với LĐBĐ Hàn Quốc, phát triển diện rộng từ các trường học lên đến đại học, rồi hình thành đội Olympic và tuyển quốc gia từ đấy.
Với bóng đá U19 Hàn Quốc cũng thế. Nền tảng chính là sinh viên nhưng có không ít cầu thủ hiện đã và đang khoác áo các CLB chuyên nghiệp đá K-League.
Về lịch sử bóng đá Hàn Quốc và bóng đá Việt Nam từng có nhiều duyên nợ khi hay gặp nhau trong khuôn khổ vòng loại thế giới, hoặc vòng loại châu Á. Gọi là duyên nợ vì bóng đá Hàn Quốc đã từng dự vòng loại châu Á với tư cách đội hạng tư thế giới, nhưng lại bị Việt Nam đánh bại năm 2003 khi đội hình có đến 7 cầu thủ từng dự World Cup.
Trận thua đau của bóng đá Hàn Quốc khi ấy, người ghi bàn duy nhất mang về chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam là Phạm Văn Quyến. Một cuộc thử sức mà HLV phó đội tuyển Việt Nam là Vũ Tiến Thành đã thuật lại: “Một trận đấu mà Hàn Quốc với tư cách đội hạng tư thế giới rất xem thường các cầu thủ Việt Nam.
Họ thi đấu thiếu tập trung với suy nghĩ sớm muộn cũng sẽ ghi bàn và sẽ thắng. Thậm chí là đến khi Phạm Văn Quyến ghi bàn rồi, các cầu thủ Hàn Quốc vẫn thi đấu với thái độ trịch thượng và xem thường đội bóng thua mình đến hàng chục bậc trong bảng xếp hạng FIFA. Kết quả là họ phải trả giá sau trận thua khiến HLV trưởng bị sa thải vì người Hàn Quốc không chấp nhận trận thua đấy”.
* U19 Việt Nam – U19 Hàn Quốc, trận đấu bản lề
Ngày mai bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam lại đối đầu trong khuôn khổ vòng chung kết U19 châu Á. Một trận đấu mang tính bản lề của hai đội vì một trận thắng đầu tay sẽ mở ra nhiều cánh cửa, đặc biệt là bảng này còn có đội U19 Nhật Bản đầu tư rất bài bản và luôn được đánh giá là đội mạnh, thậm chí là ứng viên vô địch.
Điểm khác biệt có thể thấy là bóng đá Hàn Quốc được tuyển chọn từ diện rộng bắt đầu từ môi trường trường học trong khi bóng đá Việt Nam thì ngay từ đầu vào đã là cuộc sàng lọc theo dạng năng khiếu và đào tạo ở những lò “luyện gà”, trong đó nổi bật nhất là những cầu thủ của Học viện HAGL – Arsenal JMG.
Lứa U19 Việt Nam đang được xem là hiện tượng bởi công nghệ đào tạo của lò JMG hình thành một tập thể được ăn tập, sinh hoạt và học hành với nhau suốt 7 năm. Dù vậy những qua nhiều trận và nhiều giải thử lửa, thành phần này mới chỉ dừng lại ở mức độ của những cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và đang lấy thi đấu làm tập luyện cùng việc vừa đá vừa khắc phục.
U19 Hàn Quốc cũng không được đánh giá cao khi ngay từ vòng loại họ đã từng thua U19 Indonesia. Xét cho cùng, ở bảng đấu khó khăn này ngoài U19 Nhật Bản được đánh giá có phần vượt trội nhất thì các đội còn lại không có sự nổi trội đặc biệt. Chính vì thế mà ba đội còn lại gồm U19 Việt Nam, U19 Hàn Quốc và U19 Trung Quốc được giới chuyên môn xác định là sẽ tranh giành nhau chiếc vé còn lại sau U19 Nhật Bản.
Thiệt thòi của các cầu thủ U19 Việt Nam trong nhóm này là chỉ mới có Minh Vương đã có kinh nghiệm chinh chiến ở V-League trong khi các đối thủ còn lại thì hiện diện rất nhiều những cầu thủ khoác áo chuyên nghiệp thi đấu J-League, K- League hoặc C-League.
Một cuộc cọ xát lớn để các cầu thủ U19 Việt Nam biết được đích thực đâu là chỗ đứng của mình sau nhiều giải đấu giao hữu nổi đình nổi đám.
Sưu tầm - 24h