Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu chùa Bút Tháp đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng. Theo sách Địa chí Hà Bắc thì chùa Bút Tháp có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) với tên chữ là “Ninh Phúc Thiền Tự”.
Bút Tháp là nơi có nhiều tượng vào hàng đẹp nhất trong thế giới tượng cổ Việt Nam, trong đó, nổi tiếng nhất là tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Tượng cao 3,7 m, ngang 2,1m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm, tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 958 tay dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng – nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội với dáng hành đạo, thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt mi dài, đen láy, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm. Pho tượng nổi tiếng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều “ẩn ngữ”, triết lý sâu xa. Nó cho ta biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Việt thời Hậu Lê, nửa sau thế kỷ 17.
Giá trị nghệ thuật của pho tượng Phật quan âm nghìn tay nghìn mắt cùng với những công trình kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ của chùa Bút Tháp thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật dân gian, và thường vẫn vậy, đỉnh cao ấy không phải ra đời trong thời bình mà là trong thời loạn. Chùa Bút Tháp vẫn cổ kính và nguyên sơ đến tận ngày nay như một huyền tích vừa thực, vừa ảo của vùng đất được coi là sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Để khi ai đó đến thăm Kinh Bắc, không thể nào quên viếng thăm danh lam cổ tự này.
“Mênh mông biển lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững trăng rờn bóng cau
Một vùng phong cảnh trước sau
Bức tranh thiên cổ đượm mầu nước non”.
Nguồn: VTV.vn