ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -09:50 AM

Lời tâm tình của Kiểm sát viên

 | 

Hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, lúc này đây trong tôi lại rộn lên kỷ niệm của những ngày xưa cũ. Nhớ lại ngày mới vào ngành tôi thấy đó là một cái duyên, bởi lúc ấy tôi mới 18 tuổi, sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi (Tuyên Quang), tôi không có điều kiện để hiểu về ngành Kiểm sát là như thế nào. Năm ấy, tôi đi thi Đại học và đỗ khoa Quản trị kinh doanh- Trường Đại học Công đoàn. Thi xong, tôi được bố tôi thưởng cho một chuyến về quê nội, đây là lần đầu tiên tôi được về Bắc Giang, lúc ấy chưa biết kết quả thi Đại học như thế nào nhưng được biết bố tôi rất muốn chuyển cả gia đình tôi về quê cha đất tổ, cảm nhận tình cảm thân thương của mọi người và được nhìn thấy chú ruột của mình mặc trang phục Kiểm sát, tôi rất ngưỡng mộ nên tôi đã quyết định chuyển về Bắc Giang và xin vào ngành Kiểm sát Bắc Giang. Tôi bắt đầu công tác trong ngành từ ngày 01/12/1996 đến nay.

Ảnh chụp tại Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 08/3/1997 

Nhớ lại chặng đường đã qua, tôi thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Càng công tác trong ngành lâu năm tôi lại càng yêu ngành nhiều hơn. Tôi đặc biệt nhớ những vụ án phức tạp mà tôi đã từng được phân công giải quyết. Sau mỗi vụ án như thế, tôi đã có thêm những kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình.

Tôi là người khi giải quyết công việc luôn “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác”. Đặc biệt là đối với những vụ án mà người bị hại là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như vụ án: “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” hay “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (nay là tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”). Tôi đã sử dụng “kỹ năng mềm” (thái độ ôn hòa) trước khi tranh luận hoặc khi có tình huống căng thẳng bất ngờ xảy ra. Những vụ án này giữa bị cáo, người bào chữa cho bị cáo với người bị hại hoặc đại hiện hợp pháp của người bị hại, không tránh khỏi việc giữa họ có thái độ gay gắt với nhau. Thậm chí, có trường hợp xảy ra xung đột giữa các bên ngay tại phiên tòa. Vì vậy, quá trình THQCT- KSXX, ngoài việc phải thận trọng các câu từ khi tiến hành xét hỏi, phải đưa ra những lý lẽ đảm bảo tính công bằng và có tính thuyết phục khi trình bày bản luận tội, bài phát biểu và khi tranh luận tại phiên tòa. Tùy từng vụ án cụ thể, tôi đã có thái độ ôn hòa, linh hoạt để cùng HĐXX giải quyết các tình huống phức tạp bất ngờ đã xảy ra. Kết quả tôi đã thành công.

Vụ án đầu tiên tôi sử dụng “Kỹ năng mềm” đó là khi tôi xét xử vụ án: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại TAND thành phố Bắc Giang. Trong vụ án này, người bị hại đã chết, Vợ và các con trai của bị hại là những người đại diện hợp pháp của bị hại đều có mặt tại phiên tòa. Giữa bị cáo và gia đình bị hại, hai bên có quan điểm đối lập nhau: Bị cáo không nhận tội, không chấp nhận việc bồi thường TNDS vì cho rằng lỗi hoàn toàn do người bị hại. Còn về phía gia đình bị hại lại cho rằng bị cáo phạm tội “Giết người” vì hậu quả chết người đã xảy ra... Phiên tòa hôm ấy, ban đầu chưa có gì căng thẳng. Chỉ đến khi HĐXX hỏi bị cáo về trách nhiệm dân sự, bị cáo trả lời: bị cáo không phạm tội nên không phải bồi thường TNDS cho gia đình bị hại và bị cáo có nói thêm một câu “Nếu người bị hại còn sống thì người bị hại phải bị xử lý về hình sự, chứ không phải là bị cáo”. Nghe thấy vậy, các con của người bị hại đã xông đến gần chỗ bị cáo đứng, định đánh bị cáo vì cho rằng bị cáo đã xúc phạm đến người đã khuất (người bị hại) và đã có lời lẽ rất bức xúc. Tôi còn nghe thấy họ nói rất to một câu “Như này thì không tin Cơ quan pháp luật được”. Câu nói ấy đã chạm vào lòng tự trọng nghề nghiệp của tôi. Vì thế, ngay lúc đó, mặc dù biết theo trình tự thủ tục tố tụng chưa đến phần việc của tôi nhưng với ý nghĩ vì nhiệm vụ chung và với mục đích để trấn an tư tưởng, tạo lòng tin cho các bên và để mọi người trong hội trường cùng hiểu chúng tôi- những người tiến hành tố tụng sẽ giải quyết vụ án thật sự công bằng nên tôi đã đứng ngay dậy và nói: “Xin phép được chia sẻ với gia đình người bị hại, là một người con, là một người vợ tôi thấu hiểu: không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người con mất cha, người vợ mất chồng. Tuy nhiên, gia đình bị hại cũng phải hiểu: khác với tội phạm Giết người là bị cáo cố ý cướp đi sinh mạng của người bị hại thì đây là vụ án có lỗi vô ý, bị cáo không cố ý thực hiện tội phạm đồng nghĩa với việc bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Tôi phân tích như thế không có nghĩa là tôi bênh vực bị cáo vì theo quy định của pháp luật bị cáo phạm tội đến đâu thì sẽ phải chịu TNHS đến đó. Hôm nay bị cáo đứng trước vành móng ngựa và sẽ phải chịu mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình…”. Khi tôi nói như vậy, cả hội trường đều im lặng, gia đình bị hại đỡ căng thẳng hơn. HĐXX tiếp tục phần xét hỏi, sau đó Bị cáo không kêu oan nữa, bị cáo đã xin lỗi gia đình bị hại, hai bên thỏa thuận xong phần trách nhiệm dân sự và đại diện hợp pháp của bị hại đã xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Xét xử xong vụ án này, Thẩm phán- Chủ tọa phiên tòa đã có lời cảm ơn và nói với tôi: thái độ của Kiểm sát viên hôm nay đã làm “hạ nhiệt” tại phiên tòa. Còn tôi thì cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một việc có ích cho nhiều người như thế.

Ảnh chụp tại Viện KSND thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang) tháng 8/2002

Một lần nữa, khi tôi công tác tại phòng 1A nay là phòng 2 (Phòng THQCT-KSĐT án tự xã hội- VKSND tỉnh Bắc Giang). Tôi được phân công xét xử vụ án “Giết người”. Người bị hại trong vụ án đã chết do Bị cáo sử dụng con dao nhọn đâm thấu phổi và rách tĩnh mạch cổ. Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo khi tranh luận có nói “Nếu bị hại còn sống thì hôm nay bị hại phải bị xét xử về tội Cướp tài sản vì đã có hành vi giật điện thoại từ tay bị cáo và ném xuống đất”. Ngay lúc đó, gia đình bị hại rất bức xúc, họ cho rằng luật sư xúc phạm đến người đã khuất. Lúc đó, với thái độ điềm tĩnh, trước khi tranh luận tôi đã có lời chia sẻ với nỗi buồn mất con, mất chồng của gia đình người bị hại và có thái độ đối đáp gay gắt nhưng thấu tình đạt lý với quan điểm sai trái trên của luật sư nên kết quả giải quyết vụ án đã thành công.

Gần đây, tôi tham gia xét xử phúc thẩm 01 vụ án “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án này, bị hại chính là vợ của bị cáo; do bị cáo ghen, không muốn vợ tiếp tục đi Đài Loan lao động nên hai vợ chồng bị cáo cãi nhau. Trong lúc cãi nhau, bị cáo đã dùng dao cứa vào hai bên má và vào chân người bị hại, làm bị hại bị tổn thương 29% sức khỏe. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 02 năm 03 tháng tù và buộc bị cáo phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho người bị hại 76.000.000 đồng. Sau khi xét xử xong, người bị hại kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng TNHS và tăng TNDS (bị cáo không kháng cáo). Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại trình bày lý do kháng cáo là hành vi gây thương tích trên của bị cáo rất dã man, bị hại phải phẫu thuật vết thương do bị biến dạng khuôn mặt rất tốn kém. Còn bị cáo cho rằng bị hại (vợ bị cáo) kháng cáo tăng TNHS đối với bị cáo là cố tình cho chồng đi tù thật lâu để cùng bạn trai đi Đài Loan. Hai bên rất căng thẳng, họ có nhiều lời nói xúc phạm nhau. Lúc đó, vừa là gần hết thời gian làm việc buổi sáng và muốn có thời gian chia sẻ riêng với họ nên tôi đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa.      

Đồng chí Dương Thị Hồng Tiến- Phó Trưởng phòng, Phòng THQCT, KSXX phúc thẩm án hình sự

Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Khác với các tình huống khác, lần này tôi gặp riêng người bị hại để nắm bắt tâm tư và chia sẻ với tư cách là hai người phụ nữ đã có gia đình. Tôi cũng gặp riêng bị cáo để nói cho bị cáo biết tâm lý chung của những người vợ khi bị chồng gây thương tích, đặc biệt là phụ nữ bị chồng gây thương tích ở mặt sẽ buồn và cảm thấy tổn thương như thế nào. Phiên tòa tiếp tục xét xử vào buổi chiều cùng ngày. Cuối cùng, bị cáo đã xin lỗi, cảm thấy ân hận và hứa sẽ bồi thường thêm cho bị hại một khoản tiền đủ để chi phí phẫu thuật thẩm mỹ các vết thương trên mặt người bị hại. Còn người bị hại thì xin rút phần kháng cáo tăng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Kết thúc phiên tòa, tôi gặp bị cáo và người bị hại cùng đi ra cổng Tòa án, hai người đều cười vui vẻ, tôi cũng cảm thấy rất vui. Nhìn vào ánh mắt của họ tôi thấy: Người chồng đã có sự ăn năn, còn người vợ như đã bớt giận chồng. Tôi thầm mong: Bị cáo đi cải tạo thật nhanh để sớm trở về với gia đình và khi đó vết thương trên khuôn mặt người vợ cũng đã lành, với lòng vị tha, bao dung chị ấy sẽ đón nhận và bỏ qua lỗi lầm của chồng và tiếp tục xây đắp cuộc sống gia đình hạnh phúc.   

Với tôi, được công tác trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đó là một cái duyên đáng trân trọng. Mới đó mà đã gần 24 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều đơn vị công tác, được rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm, trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ các đồng nghiệp ở các khâu công tác, tôi nhận thấy: Ở bất kỳ đơn vị nào hay ở bất kỳ cương vị công tác nào, nếu đã có tình yêu với nghề và sự tận tâm với công việc được giao thì dù việc khó đến mấy nhất định sẽ thành công./.

Dương Thị Hồng Tiến- Phòng 7, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,429,213
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.31.86

    Thư viện ảnh