Trong những năm gần đây, việc rà soát, xử lý vật chứng, tiền, tài sản tồn đọng tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp đã được chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cũng như hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Xác định rõ yêu cầu trên, liên ngành tư pháp thành phố đã có nhiều cuộc họp, đề ra nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện; thường xuyên đề nghị Chi cục thi hành án dân sự (THADS) thành phố rà soát, đối chiếu để xử lý dứt điểm các vật chứng, tài sản còn tồn đọng tại kho; các vật chứng, tài sản đã có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền phải được xử lý kịp thời, đúng quy định, tránh để tài sản hư hỏng, lãng phí.
Toàn cảnh tại buổi làm việc
Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2020 của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, Kế hoạch công tác của đơn vị và Nghị quyết họp liên ngành thành phố; ngày 06/02/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, Viện KSND thành phố đã chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan Tòa án và Chi cục THADS thành phố trực tiếp chỉ đạo cán bộ có liên quan tiến hành rà soát toàn bộ các vụ việc đã được Tòa án thụ lý, giải quyết trong lĩnh vực hình sự, dân sự để đối chiếu với số vật chứng, tài sản mà Chi cục THADS thành phố đã tiếp nhận còn tồn đọng từ năm 2008 đến nay. Theo thống kê của Chi cục THADS thành phố, tính đến hết 31/01/2020, số tiền tồn là hơn 3,4 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là các khoản tiền tạm ứng án phí của các năm 2016 – 2019; đối với vật chứng là vật còn tồn 18 vụ và vật chứng là tiền còn tồn 15 vụ với hơn 229 triệu đồng từ năm 2017 trở về trước.
Căn cứ vào số liệu thống kê nêu trên, sau khi kiểm tra toàn bộ sổ sách có liên quan đến thụ lý, giải quyết án hình sự của Tòa án nhân dân thành phố, kết hợp với việc khai thác thông tin từ các đồng chí cán bộ công tác lâu năm tại cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, đã xác định được kết quả giải quyết của 18 vụ án có vật chứng là vật và 15 vụ án có vật chứng là tiền hiện còn tồn đọng (đạt 100%). Tuy nhiên, việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến cơ quan THADS hay chưa thì không có căn cứ; hồ sơ vụ việc còn được lưu trữ hay không thì rất khó xác định. Chính vì vậy, để giải quyết dứt điểm số vật chứng, tiền còn tồn đọng nói trên, lãnh đạo các cơ quan thống nhất khai thác kho lưu trữ của từng cơ quan để xác định chính xác nội dung bản án, quyết định rồi sao gửi Cơ quan THADS làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, với cách làm này, trong thời gian tới sẽ giải quyết được số vật chứng còn tồn đọng.
Tuy nhiên, đối với số tiền tồn đọng là tiền tạm ứng án phí, tạm thu, tiền do Trại giam chuyển đến…, do việc theo dõi tại cơ quan thi hành án không rõ ràng, rất ít thông tin liên quan đến khoản tiền đã thu, có một số khoản tiền tạm ứng án phí không có địa chỉ người nộp, không còn lưu hồ sơ, biên lai… thì việc rà soát gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những khoản tiền tồn đọng này, lãnh đạo cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự đã thống nhất mỗi cơ quan cử 01 cán bộ, hàng tuần bố trí 01 ngày trực tiếp rà soát, xác định kết quả giải quyết của vụ, việc để có căn cứ xử lý; việc rà soát căn cứ vào sổ sách thụ lý, giải quyết từng loại án, theo từng năm của Tòa án. Trước mắt, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành xác minh những đương sự có khoản tiền tạm ứng án phí lớn để xác ghi nhận yêu cầu và tìm hiểu thông tin làm căn cứ xử lý. Đối với những khoảng tiền tạm ứng án phí có giá trị từ 200.000 trở xuống, sau khi rà soát không thấy sẽ đưa ra liên ngành để xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền cho hướng xử lý.
Qua cách làm như trên cũng đã xác định được một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn nói trên, đó là: Nhiều vụ việc khi thu tiền tạm ứng hoặc khi nhận vật chứng, các cơ quan có liên quan đã không ghi đúng họ tên, địa chỉ của đương sự; không ghi rõ lý do thu, đặc điểm của vật chứng, thời gian giao nhận vật chứng; không ghi tên vụ việc có liên quan đến khoản thu đó; việc chuyển giao vật chứng đến kho vật chứng của Chi cục THADS cũng không bảo đảm kịp thời (có vụ việc được thụ lý 2009 nhưng thống kê việc giao nhận vật chứng năm 2014); nhiều vụ có kháng cáo, kháng nghị nhưng không được cấp sơ thẩm theo dõi kết quả giải quyết; việc chuyển giao bản án, quyết định phúc thẩm không bảo đảm chặt chẽ dẫn đến thất lạc… . Đây là những bài học kinh nghiệm để các cơ quan có liên quan quán triệt, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Kết thúc buổi làm việc, thủ trưởng các đơn vị thống nhất cao cách chỉ đạo, phương pháp làm việc như trên, phấn đấu giải quyết dứt điểm số vật chứng, tài sản đã có bản án, quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đối với hoạt động kiểm sát, trong thời gian tới, Viện KSND thành phố Bắc Giang sẽ đề ra nhiều biện pháp để kiểm sát chặt chẽ việc chuyển giao bản án, quyết định cso hiệu lực pháp luật của Tòa án cho Chi cục THADS nhằm hạn chế tối đa vật chứng, tài sản thi hành án tồn đọng nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung./.
Chu Ngọc Linh- Viện KSND thành phố Bắc Giang