ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -16:55 PM

Cách làm mới trong công tác quản lý, giám sát giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã

 | 

Trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ của UBND xã, thị trấn, việc tạo điều kiện cho người chấp hành án có việc làm ổn định để yên tâm cải tạo tại địa phương, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân có ích cho xã hội là hết sức cần thiết.

Qua công tác trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Dũng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng thấy trong thời gian qua nổi lên cách làm mới của UBND xã Yên Lư và Nội Hoàng trong việc tạo điều kiện cho người chấp hành án đi tìm việc làm, tạo công việc ổn định cho người chấp hành án có thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của mình trong quá trình chấp hành án tại địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc tại UBND xã Yên Lư, huyện Yên Dũng

Đối với Ủy ban nhân dân xã Yên Lư, hiện nay địa phương quản lý 08 người đang chấp hành án treo, 01 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Sau khi lập hồ sơ quản lý, phân công người trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án, Ủy ban nhân dân xã Yên Lư đã nắm bắt tình hình, tâm tư của từng đối tượng. Nhận thấy nhiều người chấp hành án có nhu cầu xin việc làm nhưng khó khăn do đang chấp hành án, UBND xã Yên Lư đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel Đa Thịnh tại địa phương và bảo lãnh cho người chấp hành án được nhận vào lao động tại doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định cho người chấp hành án như trường hợp Nguyễn Ngọc A. đang chấp hành bản án 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau  được nhận vào làm việc tại nhà máy gạch Tuynel Đa Thịnh, Nguyễn Ngọc A. cho biết: Trước đây bị án làm nghề tự do, công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, từ đó dẫn đến con đường phạm tội. Trong thời gian chấp hành án treo tại địa phương, bị án gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi xin việc làm vì không tìm được công việc phù hợp do bị hạn chế đi khỏi nơi cư trú, mặc cảm của bản thân và nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất có tâm lý ngại tiếp nhận người lao động đã từng bị kết án. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương đã liên hệ và bảo lãnh cho bị án làm việc tại Nhà máy sản xuất gạch với công việc phù hợp và mức lương ổn định, đã tạo ra thu nhập cho gia đình và có điều kiện tốt để nuôi dạy các con ăn học. Từ đó bị án đã tránh xa được con đường phạm tội, được sống hòa đồng và tạo được niềm tin của mọi người trong gia đình và địa phương; Nguyễn Ngọc A. hứa sẽ cố gắng lao động và cải tạo tốt tại địa phương để sớm chấp hành xong bản án và sẽ không bao giờ đi vào con đường phạm tội nữa…

Một cách làm hay và đạt hiệu quả cao nữa là của Ủy ban nhân dân xã Nội Hoàng, hiện trên địa bàn xã quản lý 02 người đang chấp hành án treo. Công an xã đã xác nhận vào đơn xin việc làm của người chấp hành án là họ “có đủ điều kiện làm việc” để họ đi xin việc trong các công ty trên địa bàn xã, từ đó người chấp hành án treo có nhiều cơ hội để tìm việc làm tạo ra thu nhập cho gia đình và xã hội, giúp họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng và tránh xa con đường phạm tội. Hiện nay cả 02 người chấp hành án đều tìm được công việc có thu nhập ổn định, chấp hành tốt các quy định của pháp luật cũng như các quy định nơi cư trú.

Trong quá trình trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại UBND xã, thị trấn trên địa bàn trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng đã nghe báo cáo của chính quyền địa phương, thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trên địa bàn. Đa số UBND các xã, thị trấn đều có khó khăn chung trong công tác quản lý các đối tượng chấp hành án trên địa bàn như: Chưa có kinh phí bồi dưỡng cho cán bộ được giao thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại địa phương, do vậy chưa tạo động lực để họ thực hiện hết trách nhiệm của mình;việc bố trí, sắp xếp Công an viên kiêm nhiệm các chức danh ở thôn phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác được giao. Đặc biệt là khó khăn trong việc người chấp hành án có nguy cơ tái phạm cao trong trường  hợp không có việc làm, không có thu nhập do những đối tượng này không được các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa bàn ký hợp đồng nhận vào làm việc.Nắm được khó khăn trên của UBND xã, thị trấn trên địa bàn, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng đã trao đổi cách làm nêu trên của UBND hai xã Yên Lư và Nội Hoàng để các xã, thị trấn có thể vận dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Qua việc trao đổi, UBND các xã, thị trấn đều nhất trí cho rằng đây là cách làm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay, tạo việc làm cho người chấp hành án, tháo gỡ nỗi lo về kinh tế, việc làm, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội, từ bỏ con đường phạm tội và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian chấp hành án tại địa phương. 

Qua công tác kiểm sát thực hiện việc thi hành án hình sự tại UBND các xã, thị trấn trong những năm qua cho thấy, việc tạo điều kiện để người chấp hành án xin được việc làm là một trong những biện pháp có hiệu quả để phòng ngừa việc họ phạm tội mới. Tuy nhiên, để biện pháp trên có thể áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao cần sự phối hợp, chung tay của chính quyền địa phương, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, gia đình người bị kết án và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính quyền các cấp. Từ đó giúp cho công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn./.

Lương Văn Tuấn- VKSND huyện Yên Dũng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,441,649
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.198.51

    Thư viện ảnh