Thực hiện Hướng dẫn số 143/HD-VKS-P7 ngày 30/01/2019 của Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang; Ngày 12/4/2019, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế đã tham gia xét xử sơ thẩm hình sự đối với vụ án Lê Đức Anh phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là vụ án thứ 4 từ đầu năm đến nay lãnh đạo đơn vị tham gia xét xử để đơn vị tổ chức tự rút kinh nghiệm.
Hình ảnh tại phiên tòa
Trong thời gian qua, tại địa phương nổi lên hiện tượng một số đối tượng có nhân thân xấu thường xuyên lôi kéo, tụ tập và đưa đón nữ nhân viên phục vụ các quán hát Karaoke, chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 16 tuổi. Lợi dụng hoàn cảnh, khi không đáp ứng được yêu cầu phục vụ, đối tượng đã thực hiện việc ép viết giấy vay nợ tiền buộc bố mẹ các em phải mang tiền đến chuộc, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại. Vụ án Lê Đức Anh là một điển hình: Theo Cáo trạng số 14/CT-VKS-YT ngày 04/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế: Đêm ngày 20/9/2018, tại nhà nghỉ Hà Anh ở phố Gia Lâm, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế; Lê Đức Anh, sinh năm 1995 ở thôn Am, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế đã ép buộc cháu Nguyễn Mạnh Thắng phải mượn xe mô tô của Lư Văn Phúc để đem đi cầm cố được 18.000.000 đồng để đưa cho Lê Đức Anh tiêu sài. Ngày 21/9/2018, Lê Đức Anh tiếp tục ép cháu Hà Kiều Oanh, sinh ngày 25/12/2004 (là nhân viên phục vụ có ý định bỏ trốn khỏi quán hát Karaoke) viết giấy nợ Lê Đức Anh số tiền 20.000.000 đồng với mục đích để ép buộc gia đình cháu Oanh phải mang tiền đưa cho Lê Đức Anh. Tuy nhiên, Lê Đức Anh chưa chiếm đoạt được tiền của cháu Oanh và gia đình thì bị phát hiện kịp thời. Bản thân Lê Đức Anh đã có 02 tiền án chưa được xóa án tích, lần phạm tội này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Đức Anh từ 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để đánh giá những ưu điểm và những tồn tại, thiếu sót trong quá trình chuẩn bị dự thảo bản luận tội, đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận và thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa để rút kinh nghiệm chung nhằm góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên trong đơn vị khi được phân công xét xử các vụ án hình sự./.
Lê Đình Duy- VKSND huyện Yên Thế