.

Thứ bảy, 18/05/2024 -17:00 PM

Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang - Lục Nam - Sơn Động phối hợp tổ chức tọa đàm, trao đổi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Thực hiện Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 của VKSND tối cao và Kế hoạch số 51/KH-VKS ngày 29/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; Chương trình phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang - Lục Nam - Sơn Động về việc phối hợp tổ chức tọa đàm, trao đổi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Ngày 20/4/2018, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang, các đơn vị đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm trực tiếp trao đổi về BLTTHS năm 2015, đây là buổi Tọa đàm đầu tiên được tổ chức theo hình thức này.

Tham dự buổi toạ đàm có Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tỉnh, các đồng chí là Lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng 1, 2, 3, 7, đại diện Chi hội Luật gia Viện KSND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của Viện KSND huyện Lạng Giang, Lục Nam và Sơn Động.

Hình ảnh tại buổi Tọa đàm

Tại buổi toạ đàm đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Viện trưởng Viện KSND huyện Lạng Giang đưa ra các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các vấn đề cần lưu ý khi Viện Kiểm sát trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra; việc bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng; việc sử dụng hệ thống biểu mẫu trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố; một số kinh nghiệm để thực hiện việc kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm…;

Đồng chí Trịnh Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Nam đưa ra các vấn đề liên quan đến vai trò và trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi tham gia các hoạt động điều tra; các vấn đề liên quan đến áp dụng các biện pháp ngăn chặn; Quy chế tạm thời trong công tác THQCT, kiểm sát khởi tố, điều tra, truy tố; một số bài học kinh nghiệm thông qua các hoạt động kiểm sát điều tra…;

Đồng chí Đặng Bá Hưng, Viện trưởng Viện KSND huyện Sơn Động đưa ra các vấn đề liên quan đến các hoạt động của Viện Kiểm sát trong giai đoạn truy tố, chuẩn bị xét xử và kiểm sát các hoạt động của Tòa án sau phiên tòa; Quy chế THQCT, kiểm sát xét xử vụ án hình sự; một số bài học kinh nghiệm để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung...;

Sau khi nghe trình bày các nội dung đề dẫn, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi rất sôi nổi; có hơn 30 lượt ý kiến tham luận về các nội dung đã được Ban tổ chức chuẩn bị, tập trung về những quy định mới của pháp luật, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức cũng như việc áp dụng pháp luật đối với các vấn đề cụ thể, cùng thống nhất chỉ đạo thực hiện một số nội dung như:

- Sau khi thụ lý kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT, trong quá trình giải quyết tin báo cần yêu cầu CQĐT chuyển tài liệu kiểm tra, xác minh tin theo khoản 5 Điều 88 Bộ luật TTHS vì đây cũng là tài liệu điều tra, là nguồn chứng cứ;

- Về thời điểm đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin: Sau khi nhận tài liệu về tin báo mà CQĐT chuyển sang, cần đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh ngay về nguồn tin; bám sát hoạt động kiểm tra, xác minh. Khi có vấn đề gì cần bổ sung thì tiếp tục ra yêu cầu xác minh đề nghị CQĐT thực hiện. Hàng tuần đôn đốc CQĐT thực hiện yêu cầu xác minh của Viện Kiểm sát, hàng tháng đối chiếu những việc CQĐT làm được và chưa làm được, từ đó tổng hợp để ban hành kiến nghị đối với nhưng yêu cầu Viện Kiểm sát đưa ra mà CQĐT không làm gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tin báo;

- Theo quy định tại Khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Với quy định nêu trên thì trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra có thể tiến hành các hoạt động điều tra khác như: Đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra...để làm căn cứ giải quyết tin báo.

- Về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tin báo: Đối với những tin báo chưa lấy được lời khai người tham gia tố tụng mà lời khai này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ra quyết định, thì căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 148 BLTTHS năm 2015 cần thiết phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

- Theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 BLTTHS trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả. CQĐT không được tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra khác như: Lấy lời khai, xác minh thu thập thông tin, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra ...sau khi đã ra quyết định tạm đình chỉ;

- Đối với những tin báo đã tạm dừng xác minh theo Thông tư 06 đến nay có căn cứ tiếp tục xác minh thì có thể ra quyết định phục hồi theo Điều 149 để CQĐT tiếp tục giải quyết. Đây là căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh và cũng là căn cứ để tính thời hạn giải quyết tin báo;

- Theo Điều 147 thì sau khi ra 1 trong 3 quyết định giải quyết tin báo, CQĐT đều phải gửi cho Viện Kiểm sát để kiểm sát, trong trường hợp đồng ý với quyết định đó, Viện Kiểm sát chỉ ra văn bản trả lời đối với quyết định không khởi tố tin báo theo hướng dẫn của Quy chế tạm thời công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố của Viện KSND tối cao;

- Các hoạt động Kiểm sát viên phải tham gia (07 hoạt động): Đối chất; nhận dạng; nhận biết giọng nói; khám xét (trừ khám xét khẩn cấp); khám nghiệm hiện trường, tử thi; thực nghiệm điều tra. Đối với khám nghiệm hiện trường, tử thi bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia, còn các hoạt động khác nếu KSV vắng mặt có lý do và đã ghi rõ vào biên bản, trường hợp này vẫn được coi là chứng cứ nếu việc thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của TTHS;

- Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không vượt quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, do vậy ở giai đoạn nào thì cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn đó áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, thời điểm áp dụng lệnh từ khi thụ lý đến khi kết thúc điều tra, truy tố, xét xử; Việc áp dụng các biện pháp cấm đi khỏi nới cư trú, bảo lĩnh trong giai đoạn truy tố, xét xử không bắt buộc;

- Trong giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát phát hiện có người khác thực hiện hành vi phạm tội thì Viện Kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can sau đó ra quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra  để điều tra bổ sung theo khoản 4 Điều 179 BLTTHS năm 2015;…

Đối với các vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc, chưa có sự thống nhất cao; các đại biểu nêu ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận tại các buổi tọa đàm sau hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong thời gian tới. 

Thông qua buổi tọa đàm giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang – Lục Nam – Sơn Động, đã truyền tải được kiến thức, kinh nghiệm của đơn vị và từng cá nhân trong quá trình kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; tạo điều kiện để cán bộ, Kiểm sát viên các đơn vị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trên tinh thần cởi mở, có trách nhiệm. Các đại biểu tham dự đều cho rằng, việc tổ chức tọa đàm đã bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực chất; tập trung vào các nội dung thiết thực, cụ thể, các công việc thực hiện hàng ngày, không hình thức, lý luận chung chung; khơi dậy được tính chủ động, tinh thần mạnh dạn và kỹ năng diễn đạt, kỹ năng nêu và giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống của cán bộ, Kiểm sát viên các đơn vị; qua đó cũng đã góp phần thống nhất nhận thức pháp luật cũng như giải đáp được một số những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đã nêu ra.

Hà Thị Hiên- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,928,457
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.25.75

    Thư viện ảnh