Thực hiện kế hoạch số 51/KH-VKS ngày 29/8/2017 của VKSND tỉnh Bắc Giang và kế hoạch số 610/KH-VKS ngày 12/9/2017 của VKSND huyện Sơn Động về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; ngày 14/9/2017, VKSND huyện Sơn Động đã tổ chức buổi tọa đàm về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015
Hình ảnh tại buổi toạ đàm
Buổi tọa đàm do đồng chí Đặng Bá Hưng- Viện trưởng chủ trì với sự tham gia của đông đủ các đồng chí Kiểm sát viên, Chuyên viên làm nghiệp vụ trong đơn vị. Mở đầu buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Bá Tuân- Kiểm sát viên đã trình bày về một số tội danh cụ thể trước đây thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng nhưng kể từ ngày 01/01/2018 sẽ thuộc thẩm quyền điều tra giải quyết của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, đó là 17 tội danh quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự 2015.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Bá Tuân trình bày về các tội danh, những điểm mới cần chú ý khi làm công tác nghiệp vụ liên quan tới những quy định mới nêu trên, các đồng chí trong đơn vị đã thảo luận, đưa ra các tình huống giả định và cách thức xử lý khi kiểm sát việc tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc 17 tội danh quy định tại các điều luật nêu trên. Đặc biệt cần lưu ý các tội danh đã từng và tiếp tục có khả năng xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Động như: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác (Điều 208); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304); Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349)... Qua đó đưa ra các lưu ý khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết quyết tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến nội dung thuộc 17 điều luật nêu trên, Viện kiểm sát cần yêu cầu Cơ quan điều tra cấp huyện chuyển tin báo, tố giác tội phạm cho Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, tránh xảy ra việc giữ lại để xác minh, điều tra giải quyết tin báo, khởi tố điều tra vụ án không đúng thẩm quyền.
Tại buổi tọa đàm, đã có một số sáng kiến hay về cách thức ghi nhớ tội danh nào thuộc thẩm quyền điều tra cấp tỉnh theo quy định mới đã được các đồng chí trong đơn vị nêu ra và sẽ được triển khai áp dụng tại đơn vị như: Lập bảng danh sách các tội danh thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh tách riêng với danh sách các tội danh thuộc thẩm quyền của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh; Đánh dấu, dùng ký hiệu riêng vào trong Bộ luật hình sự các tội danh thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh... để tiện xác định thẩm quyền khi có vụ việc mới phát sinh.
Kết thúc tọa đàm, đồng chí Đặng Bá Hưng- Viện trưởng đề nghị các đồng chí trong đơn vị tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các quy định mới trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Nguyễn Thanh Bình- VKSND huyện Sơn Động