.

Chủ nhật, 05/05/2024 -02:25 AM

Hiệu quả từ hoạt động ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can

 | 

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can là một trong quy định nhằm bảo đảm quyền của bị can và cũng là phương thức giám sát hiệu quả, chống bức cung, nhục hình, vi phạm pháp luật.

Hỏi cung bị can được quy định tại Điều 183 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều luật quy định về một số điểm mới nhằm bảo đảm quyền của bị can so với Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể như: Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung; bổ sung quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp như: Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can. Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can trong trường hợp: Bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác xét thấy cần thiết. Đây là quy định bắt buộc gắn trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được giao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án nhằm chống oan, sai và thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Hình ảnh ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

Cùng với đó, một trong những quy định mới quan trọng trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị can đó là quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can. Khoản 6 Điều 183 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thực tiễn hiện nay trong một số vụ án tội phạm thực hiện có tổ chức, tội phạm thực hiện hành vi nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, vụ án truy xét, không quả tang thì cơ quan tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, quy định này chưa được luật hóa mà mới dừng lại ở việc củng cố chứng cứ khi buộc tội đối với bị can, bị cáo.

Việc quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can không những chỉ bảo đảm quyền con người mà còn tăng cường giám sát hoạt động tố tụng tư pháp, buộc các cơ quan tư pháp phải thận trọng, khách quan, không lạm quyền của những người tiến hành tố tụng, từ đó hạn chế oan, sai. Các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình có âm thanh là chứng cứ của vụ án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi phạm tội, xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần nâng cao trách nhiệm tranh tụng tại phiên tòa sau này. Còn về phía các luật sư thì tài liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh sẽ là bằng chứng để tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo. Hơn nữa, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh còn mang lại hiệu quả là để cho người tiến hành tố tụng không bị vu cáo trong quá trình hỏi cung, là cơ sở để người có thẩm quyền ra các quyết định điều tra, mở rộng vụ án trong những vụ án phức tạp, có nhiều người có hành vi phạm tội nhưng các bị can không nhận tội, đổ lỗi cho nhau, bảo đảm tính khách quan của vụ án.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ ngày 31/3/2017 của Ban cán sự Đảng- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2017 quy định: Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự, Kiểm sát viên được phân công phải thực hiện ghi lời khai, phúc cung bị can tối thiểu 3 lần. Trong thời gian qua, mặc dù chưa đến ngày thi hành Bộ luật tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế tổ chức tốt việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can; có trường hợp hoạt động này được thực hiện ngay sau khi bắt người bị tạm giữ đối với các vụ án về ma túy, các vụ án có tính chất phức tạp, vụ án có tổ chức và vụ án là đối tượng có nhân thân xấu mà có thể thay đổi lời khai, phản cung trong quá trình giải quyết vụ án. Vì đây là thời điểm người bị tạm giữ khai về hành vi phạm tội của bản thân cũng như các các tình tiết có liên quan đến vụ án rất có ý nghĩa cho việc điều tra mở rộng vụ án mà người bị tạm giữ chưa kịp có thời gian để nghĩ ra các tình tiết để đối phó, trối tội. Hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh được thực hiện ở hầu hết đối với các vụ án hình sự. Từ 01/12/2016 đến hết ngày 10/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế tổ chức 46/51 vụ án mới khởi tố điều tra thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can.

Hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can của cơ quan tiến hành tố tụng huyện Yên Thế không những là một hoạt động điều tra mà còn là một trong các giải pháp hiệu quả để tránh trường hợp bị can phản cung, chối tội, thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án. Cũng từ hoạt động này đã mang đến kết quả là trong 3 năm qua (từ năm 2014 đến nay), đơn vị không có vụ án hình sự nào phải trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra.

                                                  Trần Lệ Toàn- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,836,489
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.6.75

    Thư viện ảnh