.

Thứ năm, 04/07/2024 -02:42 AM

Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát, Toà án huyện Lạng Giang phối hợp thực hiện Nghị Quyết 144 của Quốc hội khóa XIII về thi hành Bộ luật hình sự.

 | 

Ngày 29/6/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị Quyết số 144/2016/QH13 về việc “Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc nhận thức và áp dụng Nghị quyết 144 như thế nào đang rất cần sự hướng dẫn chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Mặc dù Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 và một số luật có liên quan nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 vẫn phải thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13; Áp dụng các quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13; Giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và BLTTHS 2015. Tuy nhiên đến thời điểm này, Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành các văn bản hướng dẫn.

Ảnh: Các cơ quan tư pháp huyện Lạng Giang tham dự hội nghị trực tuyến tập huấn BLSH và BLTTHS năm 2015

Để quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ được bảo đảm đồng thời nhằm thống nhất về nhận thức khi áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án hình sự trong khi chờ văn bản hướng dẫn, ngày 08/7/2016, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang chủ trì cùng liên ngành Công an - Toà án huyện Lạng Giang tổ chức hội nghị liên ngành tháng 7/2016. Dự hội nghị gồm lãnh đạo Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án; các Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên và Thẩm phán được phân công giải quyết án hình sự. Trọng tâm của hội nghị là việc nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 144 của Quốc hội áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015; Hội nghị cũng xác định về nguyên tắc, BLHS 2015 chưa có hiệu lực pháp luật trừ một số quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng, đây là vấn đề rất rộng, quy định ở nhiều điều luật khác nhau, mặt khác, nhận thức thế nào là “có lợi” cũng cần phải thống nhất để áp dụng vào từng vụ án cụ thể. Với yêu cầu đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề liên quan để thảo luận và thống nhất thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với Bộ luật hình sự năm 2015: Các cơ quan (nhất là CQĐT) phải quán triệt, nghiêm túc thực hiện quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Điều 12 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể được quy định tại khoản 2; các quy định về chủ thể của tội che giấu tội phạm và tội không tố giác tội phạm; các quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự...

Để có căn cứ cho Tòa án khi quyết định hình phạt tiền đối với bị cáo theo quy định tại Điều 50 BLHS 2015, CQĐT phải xác minh tình hình tài sản và khả năng thi hành án của bị can; biên bản xác minh phải cụ thể, rõ ràng, khách quan về tài sản; biên bản phải có sự tham gia của đại diện gia đình, đại diện chính quyền địa phương...

Đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: CQĐT phải làm rõ các tình tiết giảm nhẹ cho bị can trong đó lưu ý 02 tình tiết giảm nhẹ mới ở điểm p (người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng) và điểm x (người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng) theo khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Đây là những tình tiết quy định tại  khoản 2 điều 46 BLHS 1999 nay quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nên cần xác định rõ các tình tiết này trong giai đoạn điều tra.

Đối với các quy định về xóa án tích, đây là những quy định có lợi cho bị can, bị cáo và thường gặp trong các vụ án. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan lưu ý để áp dụng cho chính xác theo đúng quy định tại các Điều từ 69 đến Điều 73 của BLHS 2015; đối với các vụ án mà căn cứ  “đã bị kết án nhưng chưa được xóa án” làm căn cứ định tội, CQĐT cần xác minh rõ việc thi hành án của đối tượng trước khi ra quyết định khởi tố;

Đối với các quy định áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đề nghị quán triệt quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 để miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp không thuộc Điều 29 BLHS 2015; việc quyết định hình phạt, tổng hợp, miễn hình phạt xóa án tích cũng đã được quy định thành chương riêng nên các cơ quan cần áp dụng theo các quy định này khi giải quyết vụ án hình sự;

Đối với các quy định khác có lợi cho người phạm tội, trong khi chờ hướng dẫn thì trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra chủ động trao đổi với Viện kiểm sát, Tòa án để thống nhất áp dụng hoặc xin ý kiến liên ngành cấp trên, tránh trường hợp không thống nhất dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2. Về Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Theo quy định của Nghị quyết 144, chỉ áp dụng những quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015,  đây là vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên, liên ngành cũng đã thống nhất thực hiện tối đa các vấn đề liên quan đến việc kết tội theo luật mới, áp dụng các quy định theo hướng bảo đảm đầy đủ nhất các quy định về quyền của người tham gia tố tụng như: Về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS 2015, CQĐT phải làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự ngay trong quá trình điều tra; về nguồn chứng cứ quy định tại Điều 87 BLTTHS 2015,đối với nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, nếu bị can có cung cấp và có căn cứ cho rằng là có lợi cho bị can, bị cáo thì CQĐT phải có nghĩa vụ chứng minh nguồn chứng cứ đó; về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế quy định tại Chương VII BLTTHS 2015, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án phải quán triệt nghiêm túc các quy định về căn cứ áp dụng, thẩm quyền áp dụng và thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; khi đề nghị phê chuẩn hoặc không phê chuẩn biện pháp ngăn chặn tạm giam phải đảm bảo đầy đủ các căn cứ chứng minh bằng văn bản nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015; về bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng, CQĐT cần lập biên bản riêng để giải thích về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; những quyền theo hướng có lợi cho người tham gia tố tụng theo quy định của BLTTHS 2015 thì phải giải thích rõ và bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền của mình (đặc biệt là quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa, quyền được thông báo các quyết định tố tụng, kết luận định giá tài sản, kết luận giám định...)

Trên đây là một số vấn đề thường gặp khi gải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn Lạng Giang. Do chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng với mục tiêu là bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bị buộc tội theo quy định của pháp luật, liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Lạng Giang đã đề ra một số nội dung và biện pháp phối hợp để thực hiện Nghị quyết số 144 của Quốc hội khóa XIII về việc áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015, nhằm nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong thời gian chờ Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn./.

Lê Văn Cường-VKS huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,357,605
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.71.227

    Thư viện ảnh