.

Thứ ba, 07/05/2024 -01:41 AM

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm truyền hình trực tuyến với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 | 

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016, Quy định phối hợp số 01/QĐ-ĐHKS-VKSBG ngày 11/11/2015; Chương trình số 62/Ctr-VKSBG-ĐHKS ngày 25/3/2016 về việc phối hợp công tác giữa Viện KSND tỉnh Bắc Giang và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm 2016. Ngày 01/4/2016 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm trực tuyến.

Đ/c Nguyễn Văn Lượng- Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang

Thành phần tham dự phiên toà tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến gồm:

1. Tại điểm cầu truyền hình Viện KSND tỉnh Bắc Giang có các đồng chí lãnh đạo Viện KSND Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Lượng - Phó Viện trưởng chủ trì; lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Phòng 9, Phòng 10.

2. Tại điểm cầu truyềnhình của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có các đồng chí lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ làm công tác giải quyết án dân sự.

3. Tại điểm cầu truyền hình Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có Ban giám hiệu nhà trường và các giảng viên, học viên, sinh viên của trường.

Mục đích của việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyền nhằm từng bước nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, đặc biệt là việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cũng như tạo ra diễn đàn trao đổi, gắn lý luận với thực tiễn nhằm phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy, học tập cho các giảng viên và sinh viên của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Đại biểu tại điểm cầu ĐH Kiểm sát Hà Nội

Hình ảnh tại phiên toà

Phiên toà được truyền hình trực tuyến thông qua hệ thống camera quan sát

Phiên tòa được trực tuyến là phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là anh Hà Văn Quế, chị Ngụy Thị Khanh với bị đơn là anh Hồ Văn Đích, chị Hà Thị thường đều trú quán ở Thôn Thắng, xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Về nội dung vụ án:

Nguyên đơn chị Khanh và anh Quế trình bày, năm 1994 vợ chồng anh Đích, chị Thường vào miền Nam làm ăn nên đã chuyển nhượng cho vợ chồng anh, chị 01 thửa đất có diện tích 654 m2, tại thửa số 238, tờ bản đồ số 33 tại thôn Thắng, xã Tân An, huyện Yên Dũng với giá 6.000.000 đồng. Khi mua bán, vì là người nhà và đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất) nên hai bên không viết giấy tờ gì. Sau khi nhận chuyển nhượng anh, chị đã xây cổng, tường bao quanh và trồng cây cối hoa màu trên đất. Năm 1999 UBND huyện Yên Dũng đã cấp GCNQSD đất cho hộ chị Thường. Năm 2003 chị Thường, anh Đích về quê và mua 01 lô đất  khác ở liền kề với thửa đất đã bán cho vợ chồng anh, chị. Cuối 2006, do cần GCNQSD đất để thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng GCNQSD đất lại đứng tên hộ chị Thường nên anh, chị có lập 01 giấy chuyển nhượng QSD đất ngày 29/11/2006 với anh Đích, chị Thường đối với diện tích đất 654 m2 nêu trên. Giấy chuyển nhượng có chữ ký của vợ chồng anh Đích, chị Thường, có ông Nguyễn Văn Thuân (nguyên là trưởng thôn) và ông Đoàn Văn Quy (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân An ký xác nhận). Năm 2010, anh chị chuyển nhượng 279 m2 đất ở cho vợ chồng anh Tùng và chị Tú ở cùng thôn với giá 79.000.000 đồng. Do GCNQSD đất vẫn đứng tên hộ chị Thường, anh Đích nên anh, chị có nhờ vợ chồng anh Đích, chị Thường đứng tên bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng QSD đất, còn tại biên bản thanh toán tiền ngày 5/5/2010 thì anh Quế là người ký nhận tiền. Hợp đồng chuyển nhượng nêu trên có xác nhận của ông Chu Văn Tiến là Chủ tịch UBND xã Tân An. Nay anh, chị yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng anh, chị với vợ chồng anh Đích, chị Thường.

Bị đơn chị Thường, anh Đích trình bày, năm 1994 vợ chồng anh, chị vào miền Nam làm ăn có vay của ông Nhượng (là bố đẻ của chị Thường anh Quế) 6.000.000 đồng và nhờ ông Nhượng trông nhà đất hộ. Năm 1999 diện tích đất 654 m2 của anh chị được cấp GCNQSD đất đứng tên anh, chị. Năm 2003 anh, chị về quê và mua 01 lô đất ở cạnh lô đất trên để ở. Ngày 29/11/2006 chị Khanh có nhờ anh, chị ký vào 01 giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất để vay tiền tại Quỹ tín dụng Tân An. Năm 2010 anh, chị đồng ý cho ông Nhượng chuyển nhượng 279 m2 đất trong diện tích đất 654 m2 của vợ, chồng để trừ vào số tiền 6.000.000 đồng vợ, chồng đã vay của ông Nhượng khi vào miền Nam năm 1994. Anh, chị  không có tranh chấp và yêu cầu gì đối với diện tích đất 279 m2 đã chuyển nhượng cho vợ chồng anh Tùng, chị Tú. Anh, chị  xác định không có việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng anh, chị với vợ chồng anh Quế, chị Khanh. Do vậy, anh chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ông Nhượng trình bày, năm 1994, vợ chồng anh Đích, chị Thường vào miền Nam đã chuyển nhượng 654 m2 đất nêu trên cho vợ chồng anh Quế, chị Khanh. Sau khi nhận chuyển nhượng anh Quế, chị Khanh đã xây dựng tường bao và sử dụng từ đó cho đến nay. Năm 2010 vợ chồng anh Quế, chị Khanh đã bán 01 phần của thửa đất đó cho vợ chồng anh Tùng, chị Tú. Ông xác định không cho vợ chồng anh Đích, chị Thường vay tiền và ông không phải là người chuyển nhượng đất cho vợ chồng anh Tùng, chị Tú như anh Đích, chị Thường đã khai.

Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2015/DSST ngày 13/11/2015 TAND huyện Yên Dũng đã xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng chị Khanh và anh Quế đề nghị công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 29/11/2006 được xác lập giữa vợ chồng chị Khanh và anh Quế với vợ chồng anh Đích và chị  Thường. Văn bản ngày 29/11/2006 được xác lập giữa vợ chồng chị Khanh và anh Quế với vợ chồng anh Đích và chị Thường vô hiệu

Sau khi xét xử sơ thẩm,  anh Quế và chị Khanh kháng cáo không đồng ý án sơ thẩm xử. Ngày 27/11/2015 Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Dũng có Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm có những vi phạm, thiếu sót nghiêm trọng.

Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như: Các đương sự có lời khai mâu thuẫn nhau nhưng Tòa án không tiến hành cho đối chất giữa các đương sự;  đánh giá, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng… Vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của anh Quế, chị Khanh; chấp nhận kháng nghị của Viện KSND huyện Yên Dũng. Xử hủy bản án dân sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Nguyễn Văn Lượng - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm trực tuyến toàn ngành Kiểm sát Bắc Giang với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm các đồng chí Kiểm sát viên của các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang và đại diện cho các giảng viên, sinh viên của trường tham dự phiên toà đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến thực sự bổ ích, thiết thực đối với Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Bên cạnh việc đánh giá những ưu điểm của Kiểm sát viên trong việc thực hiện công tác kiểm sát xét xử tại phiên tòa, các ý kiến tham gia cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên, những vấn đề cần rút kinh nghiệm chung đối với kiểm sát viên khi thực hiện kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Kết luận buổi họp rút kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Văn Lượng đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang trong việc phối hợp với Toà án lựa chọn, tổ chức được phiên toà rút kinh nghiệm đảm bảo theo các yêu cầu đề ra. Kiểm sát viên tham gia phiên toà thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao, phản ứng kịp thời, bám sát những diễn biến của phiên toà, kịp thời phát hiện được vi phạm của Hội đồng xét xử, bảo vệ được quan điểm, nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong việc chưa yêu cầu công bố lời khai của người vắng mặt tại phiên tòa, tham gia hỏi tại phiên tòa, cần rút kinh nghiệm chung./.

Lương Thanh Hảo - Phòng 9 - Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,848,953
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.189.180.244

    Thư viện ảnh