ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 25/11/2024 -14:22 PM

Viện KSND huyện Lạng Giang: Đổi mới trong triển khai các Đạo Luật về tư pháp năm 2015

 | 

Nhận thức là cả quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, việc tiếp thu kiến thức mới không phải là việc mà chúng ta có thể cầm nắm được ngay mà cần phải có thời gian, kinh nghiệm. Với những kiến thức pháp luật, điều đó lại càng đòi hỏi phải có phương pháp nghiên cứuvà cách tiếp cận riêng thì mới đem lại hiệu quả cao. 

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân; xác định rõ tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu của việc triển  khai các bộ luật, luật nêu trên,ngay từ cuối tháng 02/2016, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang đã sớm có kế hoạch thực hiện các bước phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị nhằm phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung các bộ luật, luật đến cán bộ, công chức trong đơn vị, nhất là những yêu cầu mới đặt ra cho Ngành để bản thân mỗi cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, nắm bắt đầy đủ các quy định của các bộ luật, luật áp dụng trực tiếp vào công việc của mình; kế hoạch triển khai thực hiện cũng xác định cụ thể nội dung triển khai, thời hạn, tiến độ hoàn thành và phân công trách nhiệm để mỗi cán bộ, công chức có thời gian chuẩn bị, thấy được việc nghiên cứu vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ trong việc cập nhật kiến thức pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với yêu cầu đó, ngay sau khi các bộ luật, luật được công bố (ngày 18/12/2015), đơn vị đã liên hệ, đăng ký mua đầy đủ các bộ luật, luật để trang bị cho 100% cán bộ, công chức làm nghiệp vụ chủ động nghiên cứu. Đốivới những quy định của Bộ luật hình sự có hiệu lực ngay, đơn vị đã triển khai thực hiện theo đúng quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Để đạt được mục đích của việc quán triệt, triển khai nội dung của các bộ luật, luật và cũng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cũng tránh gây áp lực, nghiên cứu cùng một lúc nhiều nội dung dẫn đến hiệu quả tiếp thu thấp, lãnh đạo đơn vị đã họp bàn và lựa chọn đồng thời hai hình thức để triển khai, trong đó chú trọng hình thức tự nghiên cứu kết hợp với tổ chức các buổi triển khai, quán triệt tập trung. Với hình thức tự nghiên cứu, trước hết, yêu cầu cán bộ, công chức nghiệp vụ tự nghiên cứu những bộ luật, luật liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ được phân công năm 2016, cụ thể là các đồng chí được phân công giải quyết án hình sự thì cần nghiên cứu Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; các đồng chí được phân công kiểm sát tạm giữ, tạm giam thì cần nghiên cứu ngay Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; các đồng chí được phân công kiểm sát giải quyết án dân sự thì tập trung nghiên cứu Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính… .

Đối với hình thức triển khai, quán triệt tập trung, trước mắt, lãnh đạo đơn vị xác định hai đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người và đã có những nội dung đã được triển khai thi hành ngay là Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, hai đạo luật này cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng, nhất là những quy định liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi thực hiện chức năng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, theo đó, phân công  các đồng chí lãnh đạo Viện nghiên cứu một cách tổng quát hai đạo luật nói trên, phân chia các chương của từng bộ luật theo các chuyên đề khác nhau như Bộ luật hình sự thì tập trung nghiên cứu Nguyên tắc xử lý; chương Tội phạm; Những trường hợp loại trừ TNHS; Miễn TNHS; Hình phạt và quyết định hình phạt; Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Phần các tội phạm cụ thể thì nghiên cứu những căn cứ để xác định cấu thành tội phạm theo các chương tội phạm cụ thể, nhất là những tội phạm có sự thay đổi căn cứ xác định cấu thành tội phạm… . Đối với Bộ luật tố tụng hình sự, xác định đây là bộ luật thể hiện rõ nét chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp – quyền duy nhất của Nhà nước được trao cho Viện Kiểm sát nhân dân, vì vậy, cần tập trung nghiên cứu Những nguyên tắc cơ bản; Cơ quan và người tiến hành tố tụng; chứng minh và chứng cứ; Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; khởi tố vụ án, bị can và các hoạt động điều tra; Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và trong kiểm sát các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm… .

Sau khi đã khái quát và phân chia thành các chuyên đề, lãnh đạo Viện sẽ lựa chọn và phân công các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nghiệp vụ (nhất là các đồng chí Kiểm sát viên có kinh nghiệm) nghiên cứu, chuẩn bị thành văn bản để triển khai tại hội nghị cơ quan. Trong quá trình triển khai, các đồng chí được phân công sẽ trình bày những nội dung cơ bản của vấn đề được giao chuẩn bị, rồi trình bày những ý chính, những điểm mới cơ bản của từng chương, từng điều luật (có so sánh với quy định của luật cũ), các đồng chí tham dự hội nghị vừa nghe, theo dõi, vừa trực tiếp đọc các điều luật để hiểu rõ hơn. Đối với những vấn đề mới, liên quan trực tiếp đến các hoạt động nghiệp vụ,  những vấn  đề  chưa rõ ràng, người trình bày có thể đặt vấn đề để mọi người cùng thảo luận để thống nhất nhận thức, hiểu rõ, hiểu đúng tinh thần của các điều luật, từ đó áp dụng vào thực tiễn công tác tùy theo nhiệm vụ của mình.Như vậy, cùng một nội dung triển khai, tất cả cán bộ, công chức đều phải đọc, nghe và thảo luận, bản thân đồng chí được phân công chuẩn bị buộc phải chủ động nghiên cứu kỹ nội dung để xây dựng thành tài liệu triển khai, các đồng chí khác cũng có trách nhiệm theo dõi để góp ý, thảo luận và có thể đặt câu hỏi về những vấn đề chưa rõ…, và kết quả là: Nội dung triển khai được tiếp thu một cách tối đa. Với hình thức triển khai tập trung này, bắt đầu từ tháng 3/2016, đơn vị phấn đấu mỗi tuần sẽ dành ít nhất 1,5 giờ để nghiên cứu, quán triệt các bộ luật, luật cần triển khai, để phấn đấu trước ngày 01/7/2016, 100% cán bộ, công chức nghiệp vụ đều được triển khai những nội dung liên quan đến thực hiện chức năng của Ngành mà các bộ luật, luật về tư pháp năm 2015 quy định.

Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, cùng với kết quả từ các hội nghị tập huấn chuyên sâu do cấp trên tổ chức và việc tự giác nghiên cứu của mỗi cán bộ, công chức của đơn vị, hy vọng rằng, khi các bộ luật, luật về tư pháp có hiệu lực thi hành, các cán bộ, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang sẽ không bị bỡ ngỡ, lúng túng khi áp dụng,kịp thời vận dụng có hiệu quả các quy định của luật để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, và cùng với thời gian, những kiến thức đó sẽ được chuyển thành những kỹ năng trong hoạt động chuyên môn của mỗi cá nhân. Cách làm này cũng nhằm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2016 mà đơn vị đã xác định là “Tổ chức triển khai nghiêm túc các đạo luật về tư pháp và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”./.

Nguyễn Trường Thọ

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,454,465
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.162.73

    Thư viện ảnh