.

Thứ năm, 25/04/2024 -19:51 PM

Một số kinh nghiệm sử dụng hình ảnh, âm thanh thu được từ camera giám sát làm chứng cứ trong vụ án hình sự.

 | 

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung và sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin nói riêng, những năm gần đây, camera giám sát đã trở nên phổ biến, được lắp đặt ngày càng nhiều ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm mua bán, vui chơi, giải trí công cộng, cửa hàng dịch vụ, hộ gia đình…Các tổ chức, cá nhân lắp đặt camera giám sát với nhiều mục đích khác nhau như quản lý công nhân, quản lý hàng hóa, tài sản, theo dõi, điều tiết giao thông, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ chăm sóc người bệnh…Chức năng của camera giám sát là ghi lại những hình ảnh, âm thanh xảy ra trong một tầm quan sát cố định. Camera giám sát thông thường bao gồm một hay nhiều camera cảm biến, micro, đầu ghi hình, ổ cứng và màn hình hiển thị.   

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các camera giám sát trong đời sống xã hội cùng với việc lần đầu tiên dữ liệu điện tử được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định là nguồn chứng cứ đã tạo ra những thuận lợi lớn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc truy nguyên sự kiện pháp lý. Hình ảnh, âm thanh thu được từ camera giám sát là nguồn chứng cứ quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Thông qua công tác THQCT- KSĐT- KSXX một số vụ án hình sự liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ camera giám sát, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:

1. Việc thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh từ camera:

Hầu hết các trường hợp thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh từ camera giám sát đều gắn với việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường mà hiện trường đó có camera giám sát (dù hoạt động hay không) thì trong biên bản khám nghiệm cần phản ánh vị trí lắp đặt các camera đó và nội hoạt động thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh. Có nghĩa là nếu chỉ thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh mà không phản ánh hoạt động đó vào biên bản khám nghiệm hiện trường thì không đúng quy định, không xác định rõ nguồn gốc của hình ảnh, âm thanh đó.

Việc thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh được thực hiện qua việc người sở hữu, quản lý hình ảnh, âm thanh tự nguyện giao nộp hoặc Cơ quan điều tra ra quyết định thu giữ. Biên bản thu giữ, sao chép cần đảm bảo đầy đủ thành phần, trong đó người giao nộp hình ảnh, âm thanh phải là người sở hữu hoặc người quản lý camera giám sát. Trong cả hai trường hợp thu giữ hoặc sao chép thì đều nhất thiết phải có nhân viên kỹ thuật tham gia để đảm bảo việc hình ảnh, âm thanh không bị cắt xén, chỉnh sửa; bản sao chép có chất lượng, nội dung tương tự bản gốc. Về nội dung biên bản cần ghi chép đầy đủ đặc điểm camera có chứa hình ảnh, âm thanh, đặc điểm toàn bộ hoặc một phần hình ảnh, âm thanh thu giữ, thời gian trong camera so với thời gian thực, ý kiến của người giao nộp, nhân viên kỹ thuật…

Việc thu giữ, sao chép hình ảnh từ camera giám sát là những hoạt động điều tra ban đầu, nếu có sai sót xảy ra thì về sau có thể không làm lại được. Vì vậy việc thu giữ, sao chép hình ảnh, âm thanh cần được kiểm sát chặt chẽ. Kiểm sát viên và Điều tra viên phải cùng xem lại hình ảnh, âm thanh nhiều lần để thống nhất về phương pháp, thành phần, nội dung trước khi tiến hành thu giữ, sao chép. Vì sự kiện pháp lý chỉ xảy ra trong thời gian nhất định nên chỉ cần thu giữ, sao chép những hình ảnh, âm thanh trong khoảng thời gian đó, tránh thu giữ, sao chép nội dung không liên quan gì đến sự kiện pháp lý, đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Việc sử dụng hình ảnh, âm thanh đã thu được

Những hình ảnh, âm thanh được thu giữ, sao chép đúng thủ tục quy định thì được coi là chứng cứ, có giá trị chứng minh tội phạm. Trường hợp hình ảnh trong camera rõ nét, góc quan sát trực diện, đặc điểm nhận dạng rõ ràng thì có thể trích ra hình ảnh để tiến hành xác minh, nhận dạng, truy bắt đối tượng…Hình ảnh, âm thanh thu được cần được sao lưu vào USB hoặc đĩa VIDEO và đưa vào trong hồ sơ vụ án. Điều tra viên, kiểm sát viên sử dụng hình ảnh, âm thanh thu được kết hợp với hỏi cung bị can, ghi lời khai người tham gia tố tụng…để chứng minh người phạm tội, thời gian, địa điểm, diễn biến hành vi phạm tội. Tại phiên tòa xét xử cần trình chiếu hình ảnh, âm thanh thu được trong quá trình xét hỏi. Kiểm sát viên và Thẩm phán trao đổi trước về phương pháp, công cụ trình chiếu, thống nhất về cách xét hỏi (trình chiếu toàn bộ sau đó xét hỏi hoặc có những đoạn tạm dừng trình chiếu để xét hỏi), các tình huống có thể phát sinh khi trình chiếu. Kiểm sát viên cũng cần ghi chú những mốc thời gian quan trọng trong khi trình chiếu để phục vụ việc xét hỏi vào trọng điểm. Việc trình chiếu hình ảnh, âm thanh phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Trên thực tiễn thì những hình ảnh thu được từ camera giám sát có mức độ rõ nét khác nhau. Đó có thể là do khoảng cách ghi hình xa, chỉ có một tiêu cự do cài đặt ban đầu, chất lượng cảm biến hình, độ phân giải và mật độ điểm ảnh của camera không cao, do điều kiện ghi hình thiếu sáng vào ban đêm, camera không gắn micro nên không ghi được âm thanh, tầm quan sát bị hạn chế, vị trí cảnh vật tại hiện trường mà camera không quan sát được. Ngoài ra có những đối tượng khi thực hiện tội phạm đã chuẩn bị trước các biện pháp che giấu trước camera quan sát như đeo khẩu trang, đội mũ kín…

Trong những trường hợp như vậy thì khi điều tra, truy tố, xét xử thì cần hết sức thận trọng. Ví dụ: Một đối tượng vào tiệm vàng hỏi dây chuyền vàng, sau khi được chủ tiệm đưa dây chuyền thì đối tượng cầm dây chuyền lên xe bỏ chạy thoát. Khi xem hình ảnh mà camera giám sát ghi lại được thì đối tượng có đặc điểm mặt đeo khẩu trang mầu nâu, mặc áo cộc tay mầu đen, trên ngực áo bên trái có in chữ T mầu trắng, cánh tay trái có hình xăm mầu đen, quần mầu xanh. Đối với trường hợp này thì những đặc điểm như đã nêu trên có mức độ rõ nét khác nhau, rõ đến đâu thì chỉ truy nguyên đến đó, còn những yếu tố như hình xăm gì, quần chất liệu gì, mắt mầu gì là những phần không rõ thì cần dựa vào những chứng cứ, tài liệu khác để làm rõ. 

Trong khi thu giữ, sao chép sử dụng hình ảnh, âm thanh thu được từ camera giám sát thì cần đặc biệt chú ý vấn đề suy đoán vô tội. Những hình ảnh, âm thanh không chỉ được dùng làm chứng cứ buộc tội mà còn dùng làm chứng cứ chứng minh một người không có tội. Khi những hình ảnh, âm thanh thu được có mức độ rõ nét khác nhau mà khi so sánh với những chứng cứ khác không đủ chứng cứ chứng minh một người phạm tội thì cần áp dụng nguyên tắc suy đoán người đó vô tội.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác THQCT- KSĐT- KSXX án hình sự có sử dụng dữ liệu từ camera giám sát. Mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp và những người quan tâm./.

 

                             Nguyễn Văn Đông

VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,758,781
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.14.221.113

    Thư viện ảnh