.

Thứ tư, 03/07/2024 -18:39 PM

Lạng Giang: Tuyên truyền Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thông qua phiên tòa xét xử lưu động.

 | 

Do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ dân trí, không phải ai cũng biết và hiểu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, do vậy, mỗi cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân phải có trách nhiệm tuyên truyền đến người dân về Ngành của mình. Đây cũng là việc làm thiết thực hướng tới kỷ niệm 55 năm thành lập Ngành 26/7/1960 – 26/7/2015.

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2015, ngày 12/5/2015, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang tổ chức phiên tòa lưu động để xét xử 03 vụ án hình sự tại UBND xã Tiên Lục nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay,cũng là để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Để đạt được mục đích của phiên xét xử động, Tòa án nhân dân huyện Lạng Gang đã phối hợp với UBND xã Tiên Lục bố trí hội trường, chỗ ngồi cho hàng trăm người dân đến tham dự phiên tòa trực tiếp và theo dõi qua Hệ thống loa Truyền thanh đến các thôn trong xã.

Kết thúc mỗi phiên tòa, Hội đồng xét xử đều tuyên bố các bị cáo phạm tội như Viện Kiểm sát đã truy tố và áp dụng hình phạt đối với từng bị cáo, quyết định của bản án phù hợp với quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Các bản án đã tuyên được đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi đồng tình, ủng hộ, phát huy được tính giáo dục và phòng ngừa.

Cũng tại phiên tòa xét xử lưu động, để người dân hiểu rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan của Nhà nước ta, trước khi phiên tòa bắt đầu và trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án, thông qua hệ thống truyền thanh trực tiếp của UBND xã, Kiểm sát viên đã tiến hành tuyên truyền đến người dân truyền thống 55 năm của Ngành và các quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014.

Phiên tòa xét xử lưu động tại UBND xã Tiên Lục huyện Lạng Giang

Về truyền thồng vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân: Nội dung tuyên truyền nhìn lại chặng đường 55 năm đã qua, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa thứ II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 15/7/1960, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ở nước ta. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, 55 năm qua, ngành Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, góp phần bảo vệ pháp chế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân; góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời gian qua.

Phiên tòa xét xử lưu động tại UBND xã Tiên Lục huyện Lạng Giang

Về Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề cơ bản như:

Thông tin cho người dân hiểu rõ Hệ thống tổ chức của bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp được quy định tại Chương VIII của Hiến pháp năm 2013. Tổ chức của Viện Kiểm sát nhân được thành lập từ trung ương đến địa phương bao gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện Kiểm sát quân sự các cấp. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được thành lập ở trung ương; Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao được thành lập theo 3 khu vực – khu vực phía Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên và khu vực phía Nam; Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện được thành lập theo đơn vị hành chính, Viện Kiểm sát quân sự các cấp được thành lập theo hệ thống tổ chức của Quân đội nhân dân bao gồm Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương và Viện Kiểm sát quân sự khu vực.

Về chức năng, nhiệm vụ và các công tác của Viện Kiểm sát nhân dân (Điều 2, Điều 6): Khẳng định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh về quyền công tố, đây là quyền duy nhất mà nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân, được thay mặt Nhà nước truy tố người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử. Bên cạnh quyền, Luật cũng quy định, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… . Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố bằng 6 công tác và kiểm sát hoạt động tư pháp bằng 9 công tác, đây là điều kiện thuận lợi để Viện Kiểm sát nhân dân phát huy vai trò bảo vệ pháp chế XHCN ở nước ta.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân (Điều 7): Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân (Điều 9): Nhấn mạnh việc cơ quan tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân… .

Ngày 01/6/2015, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 có hiệu lực, cũng là dịp toàn Ngành đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập, hy vọng qua phiên tòa lưu động và với hình thức tuyên truyền như trên, phần nào góp phần làm cho người dân hiểu hơn về ngành Kiểm sát, về truyền thống vẻ vang của Ngành trong 55 năm xây dựng và phát triển.

Với cách làm trên, trong thời gian tới, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân và Cơ quan điều tra để tổ chức các phiên tòa lưu động tại các địa phương khác, vừa góp phần tuyên truyền pháp luật, giáo dục riêng, phòng ngừa chung, vừa kết hợp để tiếp tục tuyên truyền về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ pháp chế. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ phân công các Kiểm sát viên phối hợp với Chi hội Luật gia, Chi đoàn thanh niên liên cơ quan chuẩn bị bài tuyên truyền về Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đều có hiệu lực trong năm 2015, để người dân hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của từng Ngành trong bộ máy Nhà nước, hiểu rõ mối quan hệ của các Ngành đối với Viện Kiểm sát, từ đó có sự phối hợp, tham gia tích cực hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn, củng cố và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đây cũng là hoạt động thiết thực để chào mừng kỷ niệm lần thứ 55, ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân 26/7/1960 – 26/7/2015./.

Lê Văn Cường

VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,355,341
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.58.230

    Thư viện ảnh