Công cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung; hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đoàn công tác của Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại Viện KSND huyện Yên Thế
về kết quả công tác 5 tháng đầu năm 2014
Một trong những yêu cầu quan trọng mà công cuộc cải cách tư pháp đặt ra là: Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng đề cao quyền hạn gắn với trách nhiệm pháp lý. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp tư pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân đã đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ và về giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.
Nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu đó, ngày 08/3/2012, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kế hoạch số 179/KH-VKSTC-V9 về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Đây là Cuộc vận động lớn của ngành Kiểm sát nhân dân, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần thực hiện thành công công cuộc cải cách tư pháp.
Trong mọi hoạt động, yếu tố con người luôn là yếu tố “động”, nó có ý nghĩa rất quan trọng để tạo nên sự thành công, Cuộc vận động cũng không nằm ngoài mục đích đó. Để hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, trong những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên về mọi mặt. Với đặc điểm là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế- xã hội. Khối lượng công việc phải giải quyết không nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Tuy nhiên, theo sự phát triển chung của xã hội, tính chất của các vụ việc hình sự, dân sự, thi hành án… ngày càng phức tạp đòi hỏi trình độ của cán bộ, Kiểm sát viên phải không ngừng được nâng lên về mọi mặt mới đáp ứng được yêu cầu thực hiện vụ nói riêng và yêu cầu cải cách tư pháp nói chung. Ngoài các hình thức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hàng năm, đơn vị đặc biệt chú trọng và quan tâm đến việc đạo tạo tại chỗ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, đây là hình thức đào tạo mang lại hiệu quả rất rõ nét, giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên tự tổng hợp, tích luỹ, phát triển để có được những kỹ năng nghề nghiệp của chính mình. Xác định được tầm quan trọng và đòi hỏi như trên, lãnh đạo đơn vị luôn đổi mới nội dung và phương pháp trong chỉ đạo, điều hành với mong muốn đạt được các mục tiêu của Cuộc vận động là:
Thứ nhất, làm cho cán bộ, Kiểm sát viên có được lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn trung thành với Đảng, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần cảnh giác đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, để bảo vệ công lý, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Thứ hai, cán bộ, Kiểm sát viên có khả năng vận dụng tốt những kiến thức đã được đào tạo, kỹ năng nghiệp vụ đã được tích lũy để tham mưu, đề xuất giải quyết công việc có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ phải chủ động thực hiện đầy đủ, linh hoạt, sáng tạo các thao tác nghiệp vụ; có khả năng phân tích, đánh giá tình hình qua từng vụ việc cụ thể để tổng hợp, nhận định đúng thực tế, góp phần giải quyết công việc một cách thấu tình, đạt lý.
Thứ ba, ngoài việc hiểu biết, nắm vững và áp dụng đúng quy định của pháp luật vào thực tế, cán bộ, Kiểm sát viên phải thường xuyên tự nghiên cứu, trao đổi, biết vận dụng linh hoạt, nhạy bén các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước vào hoạt động nghiệp vụ; chủ động nghiên cứu nhiều ngành luật khác nhau để tự trau rồi kiến thức, hiểu biết pháp luật. Qua đó có trách nhiệm tuyên truyền pháp luật sâu rộng tới quần chúng nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, Kiểm sát viên phải giải quyết công việc một cách khách quan, công tâm, công bằng, đúng pháp luật trên cơ sở những căn cứ đã được kiểm định theo đúng trình tự, không thiên lệch, định kiến, tránh khuynh hướng chủ quan hay bị tác động của các yếu tố bên ngoài. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải lấy lương tâm, đạo đức nghề nghiệp làm kim chỉ nam, trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan tất cả các tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, ngoài bản lĩnh về chính trị, cán bộ, Kiểm sát viên rất cần phải có bản lĩnh nghề nghiệp, quan điểm kiên quyết đấu tranh với vi phạm, tội phạm và được đặt trong mối quan hệ phối hợp hết sức chặt chẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải; không ngại va chạm để mạnh dạn đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện chức năng kiểm sát nhằm làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Thứ sáu, cán bộ, Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm túc kỷ luật nghiệp vụ, kỷ luật công vụ, các quy định của Đảng và Nhà nước, của ngành đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; phải luôn xác định kỷ cương, kỷ luật trong cả công việc, cũng như trong cuộc sống thường ngày; kỷ cương trong mối quan hệ với các ngành hữu quan trong phạm vi quyền hạn của mình.
Thứ bảy, cán bộ, Kiểm sát viênluôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc được giao để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả cao nhất; trước hết là trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp, trách nhiệm với với tập thể, với ngành và cả xã hội trong quá trình giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của mình.
Công tác điều động và bổ nhiệm cán bộ quản lý ở VKSND huyện Yên Thế ngày càng được quan tâm
Với các mục tiêu cụ thể như trên, qua ba năm thực hiện Cuộc vận động, đến nay, tuy vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được như mong muốn, nhưng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế đã có sự tiến bộ vượt bậc về mọi mặt, lập trường, tư tưởng luôn được giữ vững; phẩm chất về đạo đức, lối sống luôn được rèn luyện; năng lực, trình độ chuyên môn luôn được nâng cao, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng được vun đúc… . Đến nay, mọi cán bộ, Kiểm sát viên đều có thể đảm nhận nhiệm vụ ở những khâu khâu công tác kiểm sát khác mà không còn bỡ ngỡ, thụ động như khi thực hiện chủ trương chuyên khâu trước đây; việc thực hiện các chuyên đề nghiệp vụ cũng được phân công thay đổi theo từng năm nhằm phát huy tối đa sở trường, năng lực của từng người để tổng hợp thành kinh nghiệm chung khi thực hiện chuyên đề đó. Đây là những yếu tố góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Ngành, cũng là để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Cuộc vận động đã đề ra.
Những thành công bước đầu khi triển khai thực hiện Cuộc vân động đã đem lại cho đơn vị những kết quả đáng tự hào trong các phong trào thi đua hàng năm như: Năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen” vì đã có thành tích xuất sắc trong hai năm liên tục 2010-2011; Năm 2013, đơn vị là một trong hai Viện Kiểm sát cấp huyện trong ngành Kiểm sát Bắc Giang được tặng “Cờ thi đua dẫn đầu khối” của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Sáu tháng đầu năm 2014, đơn vị đã phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản của năm 2014, các khâu công tác kiểm sát được chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được chỉ đạo sát sao nhằm tạo sự chuyển biến, không có án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy án, sửa án, đặc biệt là không để xảy ra oan, sai. Không có vụ nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về phạm tội tăng, đã hạn chế việc để tố giác, tin báo quá hạn xử lý, tỷ lệ tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính chỉ chiếm tỷ lệ 1,97%, tiếp tục chỉ đạo tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp… . Qua việc thực hiện chức năng, Viện Kiểm sát đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu để khắc phục các vi phạm của các cơ quan tư pháp cùng cấp. Tháng 6/2014, đơn vị cũng đã lập hồ sơ đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng Bằng khen cho một đồng chí Kiểm sát viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động này.
Tiến tới kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2014), tập thể Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế tiếp tục phát huy truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua với khí thế mới, trong niềm vui phấn khởi của những thành tích đã đạt được, nhằm xây dựng một tập thể cơ quan vững mạnh xuất sắc, trong thời gian sớm nhất sẽ có được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” theo đúng yêu cầu, mục tiêu của cuộc vận động. Kết quả đó cũng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Nguyễn Trường Thọ - Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Thế