Ngày 31/3/2014, Viện KSND huyện Yên Dũng đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện đưa ra xét xử vụ án Vũ Trí Sợi phạm tội "Hiếp dâm" theo Điều 111 BLHS. Thành phần tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm gồm có: Đồng chí Bùi Thị Ngân - Phó viện trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Huyền- Phó phòng 3, đồng chí Nguyễn Văn Thế- KSV phòng 3 Viện KSND tỉnh Bắc Giang cùng toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Yên Dũng.
Đ/c Hoàng Quang Anh- Kiểm sát viên sơ cấp giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát: Do ảnh hưởng của những bộ phim có nội dung đồi trụy, và do thiếu sự giám sát, giáo dục từ gia đình vì bố mẹ đã ly hôn, khoảng 0 giờ ngày 30/10/2013, sau khi đi chơi về, Vũ Trí Sợi sinh ngày 15/6/1995 ở thôn Đông Thắng, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nảy sinh ý định giao cấu với bà nội là bà Hoàng Thị Gái, sinh năm 1934 ở trong cùng khu đất với nhà Sợi để thỏa mãn thú tính, Sợi đã đi vào giường ngủ của bà Gái dùng tay bóp cổ, dùng gối đè lên mặt, dùng khăn nhung, áo sơ mi của bà Gái nhét vào mồm bà rồi đe dọa bà Gái phải cho Sợi giao cấu. Sau đó, Sợi dùng tay tụt quần bà Gái bắt bà phải mút "của quý" của Sợi, bà Gái đã phải thực hiện yêu cầu của Sợi 3 lần. Lợi dụng lúc Sợi đi ra ngoài tiểu tiện, bà Gái đã bỏ chạy đến nhà anh Trịnh Văn Nam là Công an viên trình báo sự việc, Sợi thấy vậy đuổi theo nhưng không kịp. Sau khi biết sự việc bị bại lộ, đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, Sợi đến Công an huyện Yên Dũng đầu thú và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Bị cáo Vũ Trí Sợi tại phiên tòa
Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng đã áp dụng điểm e khoản 2 Điều 111, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm h khoản 1 Điều 48, Điều 18, khoản 1, khoản 3 Điều 52, Điều 53 BLHS, xử phạt Vũ Trí Sợi 09 năm tù giam về tội "Hiếp dâm".
Sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Bùi Thị Ngân- Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã chủ trì buổi rút kinh nghiệm. Các đồng chí tham gia buổi họp rút kinh nghiệm đã phát biểu, đóng góp ý kiến về quá trình chuẩn bị, công tác phối hợp trước khi phiên tòa diễn ra cũng như thao tác nghiệp vụ trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa của Kiểm sát viên. Phát biểu kết luận tại buổi họp, đồng chí Bùi Thị Ngân đã đánh giá những ưu điểm và tồn tại của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, xây dựng tiếp những phiên tòa rút kinh nghiệm để Kiểm sát viên nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố- kiểm sát xét xử vụ án hình sự, thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2014 của đơn vị đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp từ nay cho đến năm 2020.
Thông qua việc xét xử vụ án nêu trên cho chúng ta thấy sự du nhập của những văn hóa phẩm đồi trụy, không lành mạnh; sự thiếu quan tâm, giáo dục, dạy dỗ của những bậc làm cha làm mẹ, sự băng hoại của đạo đức, lối sống làm nảy sinh các hành vi tội ác khó lường. Hiện tượng này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động vô cùng khẩn thiết về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Phạm Công Thắng
***
Cùng ngày, Viện KSND huyện Lục Nam đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa tự rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Sán, sinh năm 1927, trú tại Điếm Rén – Trường Sơn – Lục Nam Bắc Giang và bị đơn là ông Nguyễn Văn Triệu, sinh năm 1952, trú tại Chẽ - Trường Sơn – Lục Nam – Bắc Giang. Tham dự phiên tòa có các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên và Chuyên viên trong đơn vị.
Ảnh phiên tòa
Nội dung vụ án: Ngày 10/7/2013, ông Nguyễn Văn Sán làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Lục Nam yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Văn Triệu phải trả lại phần rãnh thoát nước có diện tích 29,7m2 (chiều dài 37,08m, rộng 0,8m) và trả lại phần đường đi chung của hai gia đình có diện tích 27,8m2 (chiều dài 37,08m, rộng 0,75m). Diện tích đất đang có tranh chấp trước đây là lối đi chung giữa hai nhà, nhưng sau đó, khoảng năm 1974 – 1975, cả hai nhà không đi chung lối đi đó nữa mà mở lối đi khác, và ông Sán đã rào toàn bộ đất của gia đình ông bằng các cọc lim làm ranh giới giữa nhà ông và ông Triệu. Đến năm 2005 thì ông Triệu rào hai đầu rãnh nước tự nhiên và lối đi chung. Ông Sán cho rằng ông Triệu đã lấn chiếm phần lối đi chung và rào chắn rãnh nước khiến rãnh nước bị ùn ngập úng gia đình. Ông Sán đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương giải quyết nhưng không thành. Do vậy, ông làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Lục Nam để giải quyết.
Tòa án nhân dân huyện Lục Nam nhận định: diện tích đất thực tế mà hộ ông Sán đang sử dụng so với diện tích đất trong giấy CNQSDĐ của ông Sán thiếu 35m2. Sự thiếu hụt này do quá trình đo vẽ thủ công trước đây không đảm bảo độ chính xác bằng phương pháp đo máy hiện nay. Không có cơ sở để kết luận ông Triệu lấn chiếm đất của hộ ông Sán. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện Lục Nam tuyên án bác yêu cầu của ông Sán đòi 27,8m2 + 29,7m2 = 57,5m2 đất đối với ông Triệu.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Viện KSND huyện Lục Nam đã tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự. Nội dung tập trung phân tích việc chuẩn bị bản phát biểu, đề cương và việc tham gia hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Ngô Thị Thắm