Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn ngừa và chấn áp tội phạm trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngày 15/01/2014, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Yên Dũng đã phối hợp đưa vụ án Hoàng Công Hòa cùng đồng bọn có hành vi "Cướp tài sản" đi xét xử lưu động tại Ủy ban nhân dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.
Hội trường UBND xã Tiền Phong nơi diễn ra phiên tòa xét xử lưu động
Bản cáo trạng số 85/KSĐT ngày 26/11/2013 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng xác định: Khoảng 18 giờ ngày 16/9/2012, Hoàng Công Hòa, sinh năm 1986 ở thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang thuê xe ô tô taxi biển kiểm soát 30Z-5352 của Công ty cổ phần taxi Đại Nam do anh Nguyễn Văn Dầu, sinh năm 1986 ở thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội điều khiển đi từ đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội về thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trên đường đi Hòa có gọi điện cho em trai là Hoàng Công Hợp, sinh năm 1987 ở cùng thôn đến đón Hòa ở đường Mỗ Quán thuộc thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng để cùng khống chế lái xe chiếm đoạt tài sản. Hợp chuẩn bị và mang theo 01 con dao nhọn loại dao chọc tiết lợn đứng đợi ở đường Mỗ Quán. Khi anh Dầu điều khiển xe taxi đến đường Mỗ Quán, Hòa đã bảo anh Dầu dừng xe để đón Hợp lên xe. Sau khi Hợp lên xe thì Hòa dùng hai tay ôm người anh Dầu, Hợp dùng dao nhọn mang theo đe dọa, khống chế cướp của anh Dầu 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 1208 trị giá 323.000 đồng (ba trăm hai mươi ba nghìn đồng) và 700.000 đồng (bảy trăm nghìn đồng) anh Dầu để trong ví. Sau khi cướp được tài sản của anh Dầu, Hòa đã chi tiêu cá nhân hết số tiền 700.000 đồng, còn chiếc điện thoại di động Hòa đã làm rơi mất.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai báo thành khẩn và có thái độ ăn năn, hối cải. Mức án 08 năm dành cho Hoàng Công Hòa và 07 năm tù dành cho Hoàng Công Hợp đối với hành vi Cướp tài sản là phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà 02 bị cáo đã gây ra. Vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo tại phiên tòa xét xử
Việc các cơ quan THTT lựa chọn vụ án trên để đưa đi xét xử lưu động cho thấy ý nghĩa trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, điều đó có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm đồng thời nâng cao ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân về Pháp luật và thái độ kiên quyết đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng, tạo cho nhân dân có niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương./.
Quỳnh Mai