ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 04/11/2024 -04:39 AM

Di chúc được lập hợp pháp nên Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế theo pháp luật của nguyên đơn

 | 

Vợ chồng cụ Nguyễn Công C (chết năm 2016) và cụ Nguyễn Thị V (chết năm 2003) sinh được 02 người con là ông Nguyễn Công H và ông Nguyễn Công A (chết năm 2011). Ông A có vợ là bà Vũ Thị P và các con là chị Nguyễn Hương T, chị Nguyễn Thị V.

Năm 1993, hộ cụ C đã được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) diện tích 416m2 đất ở. Đến năm 2001, cụ C và cụ V đã làm thủ tục tặng cho ông Nguyễn Công H 216m2 đất ở. Diện tích còn lại 200m2 cụ C, cụ V sử dụng. Vợ chồng ông A và các con sinh sống cùng với hai cụ trên đất này. Sau khi cụ V chết, giữa cụ C và ông H, ông A thống nhất thỏa thuận để cụ C được hưởng toàn bộ phần diện tích đất là di sản của cụ V. Cụ C đã làm thủ tục kê khai và đã được cấp GCNQSDĐ ngày 02/11/2012 diện tích 200m2 đất ở.

Năm 2016, cụ C chết. 03 mẹ con chị P tiếp tục sinh sống trên diện tích đất này đến năm 2017 thì phá nhà cấp 4 để xây dựng nhà tầng kiên cố. Ông H có biết, không ngăn cả. Tháng 09/2021, chị P có đưa ra bản di chúc thể hiện việc cụ C để lại diện tích đất trên cho 02 cháu là con của anh A, chị P là cháu T và cháu V.

Nguyên đơn ông H cho rằng, bản di chúc do chị P xuất trình là không hợp pháp; cụ C là người biết chữ tại sao lại không ký mà điểm chỉ, dấu vân tay trong di chúc không rõ có phải là của cụ C hay không, có thể cụ C bị ép buộc hoặc cầm tay điểm chỉ khi ngủ hoặc không minh mẫn, lời chứng của người chứng thực không đúng. Nên ông H khởi kiện đề nghị Tòa án: Tuyên bố di chúc của cụ C lập ngày 07/11/2012 đã được chứng thực tại UBND xã T là vô hiệu. Chia di sản thừa kế của cụ C theo quy định của pháp luật cho ông và hai người con của ông A được hưởng.

Bị đơn bà P, chị T, chị V không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H  và cho rằng di chúc của cụ C là hợp pháp. Chị T, chị V được hưởng toàn bộ di sản là quyền sử dụng 200m2 đất do cụ C để lại theo di chúc của cụ C.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân xã T trình bày, ngày 07/11/2012 UBND xã có làm thủ tục chứng thực di chúc của cụ C, cụ C điểm chỉ ngón trỏ phải. Hình thức của di chúc đúng theo mẫu quy định. Ngày  07/9/2022, UBND xã T đã tiến hành mở di chúc của cụ C được lưu giữ tại UBND xã. Nội dung di chúc: Để lại toàn bộ tài sản là quyền sử dụng 200m2 đất của cụ C cho 02 cháu nội là chị T, chị V là con của ông A.

Căn cứ ý kiến trình bày của các đương sự, tài liệu chứng có có liên quan Tòa án đã xác định: Ngày 07/11/2012, tại trụ sở UBND xã T, cụ C đã lập di chúc có nội dung là cụ để lại cho 02 cháu nội là chị T và chị V 200m2 đất, đã được nhà nước cấp GCNQSD đất ngày 02/11/2012, mang tên Nguyễn Công C. Cụ C đã nghe đọc lại di chúc, đã điểm chỉ ngón trỏ phải vào di chúc trước mặt người chứng thực. Việc chứng thực đã được vào sổ chứng thực. Tại thời điểm chứng thực, cụ C minh mẫn sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Di chúc của cụ C đã tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 652 và Điều 658 Bộ luật dân sự 2005 nên di chúc có hiệu lực pháp luật.

Ông H cho rằng, di chúc ghi là của cụ C không hợp pháp, đề nghị tuyên bố di chúc này vô hiệu. Nhưng ông H không có chứng cứ chứng minh di chúc của cụ C được lập khi cụ C không còn được minh mẫn. Ông H đã được hướng dẫn, giải thích nhưng ông H không yêu cầu trưng cầu giám định dấu vân tay đã được điểm chỉ trong bản di chúc có phải là của cụ C hay không.

Do vậy, Tòa án đã xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H và buộc ông H phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng./.

Hà Thị Hải- Phòng 9, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,200,567
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.239.97.34

    Thư viện ảnh