Nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 07/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 04-CT/TU), nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn huyện. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang chủ động phối hợp với Công an, Toàn án nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tích cực kiểm tra, kiểm sát, hướng dẫn đối với UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ và công tác tái hoà nhập cộng đồng.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lạng Giang có tổng số 314 bị án đang chấp hành hình phạt tù nhưng được hưởng án treo, 02 bị án phạt cải tạo không giam giữ và 378 người đã chấp hành xong án phạt tù (diện tái hoà nhập cộng đồng) có ở 21/21 xã, thị trấn trong toàn huyện. Viện kiểm sát huyện đã chủ trì, phối hợp với Công an, Toà án, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tiến hành kiểm sát trực tiếp công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại 09/21 UBND xã, thị trấn, đạt 42,86% (vượt 12,86% so với kế hoạch); kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU về công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng tại 03 xã; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người đang chấp hành án tại cộng đồng và những người chấp hành hành xong án phạt tù trở về địa phương tại 09 UBND xã, thị trấn.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người đang chấp hành án tại cộng đồng ở UBND xã Quang Thịnh
Qua công tác kiểm sát, kiểm tra cho thấy: Công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng tại địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật. Công an các xã, thị trấn đã chủ động tiến hành đúng, đầy đủ, kịp thời trình tự, thủ tục tiếp nhận quyết định thi hành án và các tài liệu có liên quan; triệu tập người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ đến UBND các xã, thị trấn cam kết chấp hành án; lập hồ sơ thi hành án; lập hồ sơ và đề nghị cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo, chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng… Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân cùng quan tâm, phối hợp với gia đình, người thân của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tạo môi trường xã hội lành mạnh, xóa bỏ mặc cảm, tự ti,giúp họ tự tin tái hòa nhập cộng đồng; không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú. Đặc biệt đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, hạn chế được tỷ lệ và số người tái phạm, vi phạm pháp luật, hạn chế những vấn đề xã hội khác có liên quan đến người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng./.
Lê Đình Tuấn- VKSND huyện Lạng Giang