Trong thời gian qua, số lượng vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai do TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý, giải quyết có chiều hướng gia tăng (năm 2022 thụ lý 159 vụ; năm 2023 thụ lý 162 vụ) và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ án thụ lý giải quyết (năm 2022 tỷ lệ 41,73%; năm 2023 tỷ lệ 40,5%). TAND và VKSND huyện Hiệp Hòa đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp, tăng cường công tác phối hợp, đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành để nâng cao chất lượng công tác giải quyết án và công tác kiểm sát việc giải quyết đối với loại án này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác này còn có những tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ giải quyết án tranh chấp liên quan đến đất đai còn thấp, số vụ án phải gia hạn, hoãn, tạm ngừng phiên toà còn nhiều; số vụ án hoà giải thành thấp; một số bản án, quyết định giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai bị cấp phúc thẩm hủy, sửa... Những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở còn hạn chế; nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một số bộ phận người dân chưa cao, không hợp tác cung cấp tài liệu chứng cứ, có vụ việc đương sự có hành vi ngăn cản, chống đối việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản của Tòa án; một số cơ quan, UBND cấp xã chưa chủ động cung cấp tài liệu, chậm cung cấp, cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Trước tình hình đó, VKSND huyện Hiệp Hòa đã chủ động phối hợp với TAND huyện xây dựng báo cáo chuyên đề “Thực trạng thực trạng công tác thụ lý, giải quyết vụ án có tranh chấp liên quan đến đất đai trên địa bàn huyện Hiệp Hòa”và tờ trình tham mưu Thường trực Huyện uỷ Hiệp Hòa chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai. Ngày 23/4/2024, Huyện ủy Hiệp Hoà có Công văn số 1813- CV/HU chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai, nội dung cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân nhân huyện, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn: UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn khi tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại do TAND huyện thụ lý có liên quan đến quyền sử dụng đất. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ (cung cấp đầy đủ, kịp thời), tham gia tố tụng, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Tổ chức thi hành nghiêm túc, dứt điểm, triệt để các bản án, quyết định liên quan đến quyền sử dụng đất đã có hiệu lực pháp luật.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lưu trữ, đảm bảo hồ sơ, tài liệu lưu trữ đầy đủ, tránh tình trạng mất, hư hỏng, thất lạc, rách nát (nhất là hồ sơ, tài liệu liên quan đến đất đai...); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu nhằm phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng về cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định.
2. Ban Dân vận Huyện uỷ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị, xã hội huyện: Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/01/2024; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo và nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trọng các vụ án dân sự, hành chính có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất; nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện hoặc bị xúi giục, kích động khiếu kiện.
Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao công tác hòa giải tại cơ sở để người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với các mô hình điểm về hòa giải ở cơ sở. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện phổ biến, hướng dẫn đoàn viên, hội viên cơ sở về quy định, hướng dẫn hòa giải cơ sở; tăng cường công tác giám sát thực hiện hòa giải cơ sở. Phối hợp tham mưu nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hòa giải viên ở cơ sở.
3. Đảng ủy Công an huyện: Chỉ đạo Công an huyện tăng cường công tác nắm tình hình an ninh, trật tự liên quan khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự liên quan đến dất dai; hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự. Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xúi giục, kích động gây rối; tư vấn khiếu kiện trái pháp luật; lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật, gây mất niềm tin của Nhân dân vào chính quyền và phán quyết của tòa án. Tập trung chỉ đạo xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự tại trụ sở tòa án và tại các phiên tòa, phiên họp. Chỉ đạo lực lượng công an tham gia chứng kiến, hỗ trợ hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản theo quy định pháp luật tố tụng và yêu cầu của Tòa án nhân dân; kịp thời hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự các hoạt động tố tụng khi có yêu cầu của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
4. TAND huyện thực hiện Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án TAND tối cao về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng đối thoại, hoà giải, giải quyết án hành chính, dân sự có tranh chấp liên quan đến đất đai cho các thẩm phán, hội thẩm nhân dân và thư ký tòa án; kịp thời công khai bản án giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự tại tòa án. Tăng cường đôn đốc; kiên quyết xử lý, kiến nghị xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ chấp hành pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH115 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá tiến độ thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất.
Rà soát, thống kê các vụ án dân sự, hành chính có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đã thụ lý nhưng chưa giải quyết xong do có khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt diểm, không để quá hạn, kéo dài. Tiếp tục thực hiện tốt hoạt động đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc hướng dẫn các bên thực hiện yêu cầu Tòa án Nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định.
5. VKSND huyện: Thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan và tổ chức theo quy định của pháp luật. Viện trưởng VKSND huyện trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm để thực hiện công tác này. Kịp thời phát hiện, kháng nghị, kiến nghị đối với trường hợp vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Việc thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo nêu trên của Ban Thường vụ Hiệp Hòa có ý nghĩa quan trọng nâng cao chất lượng giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính có tranh chấp liên quan đến đất đai trên địa bàn huyện Hiệp Hòa thời gian tới./.
Nguyễn Thị Hồng Nhung- VKSND huyện Hiệp Hòa