.

Thứ tư, 03/07/2024 -10:40 AM

Hiệu quả từ công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

 | 

Trong thời gian vừa qua, tình hình khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có diễn biến phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền quản lý tài nguyên, khoáng sản của nhà nước; gây mất trật tự an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng năm 2023, các Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 07 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác trái phép tài nguyên với tổng trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng; trong đó đã xét xử 03 vụ/ 05 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Do đó, việc phát hiện, xử lý đối với loại tội phạm này là hết sức cần thiết; đồng thời cần có nhiều giải pháp để phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này.

Hiện trạng khai thác trái phép

Qua giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, nhận thấy một trong những nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng, bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài nhưng chưa bị phát hiện, xử lý kịp thời là do công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản còn thiếu chặt chẽ, ít bị áp dụng các chế tài, hình phạt nghiêm khắc… mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền có tổ chức xác minh, kiểm tra hiện trạng nhưng thiếu quyết liệt, không triệt để và không chính xác, dẫn đến việc tham mưu ban hành các quyết định xử lý trong lĩnh vực khoáng sản đối với các hành vi này chưa kịp thời, chưa đúng, chưa kiên quyết, chưa mang tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm tương tự có thể xảy ra; do đó, nhiều vụ việc có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý hình sự diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại cho Ngân sách nhiều tỷ đồng nhưng chưa bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật; một số vụ án điển hình đã bị xử lý như:

1. Trong thời gian từ tháng 01/2021 đến 15/01/2022, Thân Thị A là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Việt Hoàng đã chỉ đạo Trần Hồng P - Phó Tổng giám đốc và Lê Hữu Y - Giám đốc điều hành mỏ than Nước Vàng, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản (than) bằng phương pháp lộ thiên không đúng với giấy phép được cấp  với tổng khối lượng khoáng sản (than) đã khai thác trái phép là hơn 82 nghìn mét khối, với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.

2. Từ năm 2017 đến hết năm 2022, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Giang liên kết với Công ty TNHH MTV Xuân An tổ chức khai thác khoáng sản (than) tại khu vực mỏ than Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang không đúng phương pháp, vượt trữ lượng, vượt công suất được cấp phép tổng số hơn 5 triệu tấn than; trị giá khoảng 337 tỷ đồng.

3. Từ năm 2019 đến năm 2023, Thái Văn V là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Long, có địa chỉ hoạt động tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; quá trình khai thác khoáng sản (đất san lấp) tại khu vực núi Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo Giấy phép đã được cấp, V đã tổ chức, chỉ đạo các đối tượng làm thuê khai thác hơn 100 nghìn m3 khoáng sản (đất san lấp) đúng phạm vi diện tích khu vực khai thác, nhưng nằm ngoài mức sâu kết thúc khai thác và 650 nghìn m3 khoáng sản (đất san lấp) khai thác ngoài phạm vi diện tích khu vực được cấp phép khai thác. Tổng số lượng khoáng sản khai thác không đúng Giấy phép (khai thác quá độ sâu, ngoài phạm vi được cấp phép) là gần 770 nghìn m3; tổng giá trị khoáng sản (đất san lấp) đã khai thác trái phép là gần 21 tỷ đồng…

Hiện trường khu vực bị khai thác trái phép

Thực tế cho thấy, trước khi hành vi của các đối tượng liên quan bị phát hiện và xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, các Công ty đều đã bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở cả địa phương và Trung ương kiểm tra, phát hiện có vi phạm, sai phạm như: khai thác khoáng sản để sạt lở gây mất cột mốc; điều chỉnh địa điểm đổ đất; nộp bổ sung tiền phí cấp quyền, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác vượt công suất… đã bị xử lý vi phạm hành chính, bị phạt tiền buộc tạm dừng hoạt động khai thác; buộc khắc phục hiện trạng… nhưng phần lớn các Công ty này chỉ thực hiện nộp tiền phạt vi phạm hành chính mà không thực hiện hình phạt bổ sung, khôi phục lại trạng thái ban đầu trước khi khai thác…

Mặt khác, với mức hình phạt đối với tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” còn nhẹ (cao nhất là 07 năm tù), chưa đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy, hầu hết các bị cáo khi đưa ra xét xử sơ thẩm đều đã khắc phục triệt để hậu quả xảy ra, nộp lại toàn bộ số tiền gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… nên được hưởng sự khoan hồng của pháp luật ở mức cao nhất. Trong số 05 bị cáo đã bị xét xử về tội danh này, chỉ có 01 bị cáo bị xử phạt 03 năm tù giam, còn lại các bị cáo khác bị xử phạt từ 07 tháng đến 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Trước tình trạng trên, nhận thấy tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang thấy cần thiết phải ban hành kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang để phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này; trong đó đề xuất một số giải pháp, biện pháp cụ thể như sau:

Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ban hành theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh...

Hai là: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản ký cam kết chấp hành pháp luật trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản, không tổ chức khai thác khoáng sản trái phép, vượt phép.

Ba là: UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại địa phương; tổ chức xác minh triệt để các hành vi khai thác có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bốn là: Đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm khai thác khoáng sản mà không tổ chức ngăn chặn, xử lý để hoạt động kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành kiến nghị phòng ngừa trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thực hiện một số giải pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm để áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cụ thể:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 6332/UBND-KTN ngày 02/11/2023 chỉ đạotăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trongcông tác quản lý đối với các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Công văn số 6332/UBND-KTN ngày 02/11/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác. Thực hiện tốt công tác phối hợp với UBND cấp xã tăng cường tổ chức kiểm tra, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại địa phương; kiên quyết xác minh triệt để, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định...

Qua theo dõi, rà soát cho thấy, chỉ trong gần 06 tháng thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra thụ lý giải quyết 05 vụ việc có dấu hiệu khai thác tài nguyên (đất san lấp, đá nguyên liệu…) trái phép để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này đã phát huy được hiệu quả, nâng cao vị thế của Viện kiểm sát, góp phần không nhỏ trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương./.

Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,352,452
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.57.200

    Thư viện ảnh