Trong các ngày 29, 30/01/2024 và ngày 01/02/2024, Tòa án nhân dân huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Văn Long và 19 đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân thị xã Việt Yên truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra ngày 08/6/2023 tại thôn Đài Sơn, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, trong vụ án có 14 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, 02 bị cáo là người đang chấp hành án treo về tội "Gây rối trật tự công cộng" và 01 bị cáo đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" (hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử). Ngoài ra còn có 02 đồng phạm khác chưa đủ 16 tuổi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là vụ án có nhiều bị cáo, nhiều người tham gia tố tụng, được dư luận quan tâm và thuộc diện cấp ủy địa phương theo dõi, chỉ đạo.
Theo các tài liệu điều tra, buổi tối ngày 08/6/2023, bị cáo Dương Văn Long rủ các đồng phạm (cùng là người thuộc huyện Tân Yên và Lạng Giang) đi xe mô tô cầm theo vỏ chai bia, dao, kiếm đi từ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến xã Minh Đức, huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên), tỉnh Bắc Giang để đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội với nhóm thanh niên thuộc thị xã Việt Yên. Khi di chuyển trên đường, nhóm của Long có các hành động điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, rú ga, bấm còi, nháy đèn, khua dao, kiếm. Khoảng 21 giờ cùng ngày, khi đi đến ngã ba giao nhau giữa đường tỉnh 298 và đường mới đi từ xã Minh Đức đi xã Thượng Lan thuộc địa phận thôn Đài Sơn, xã Minh Đức, thị xã Việt Yên, Long cùng các đồng phạm phát hiện đuổi đánh nhầm nhóm người khác thì bị người dân can ngăn nên không đánh được. Lúc này, nhóm của Long tiếp tục sử dụng vỏ chai bia bằng thủy tinh ném về phía người dân và đập xuống mặt đường, đồng thời điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, rú ga, bóp còi, nháy đèn, khua dao, kiếm gây hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội của địa phương. Sau đó, người dân bắt giữ được một số đối tượng cùng vật chứng có liên quan, báo Công an xã Minh Đức đến lập biên bản bắt người phạm tội quả tang bàn giao cho Cơ quan điều tra Công an thị xã Việt Yên điều tra theo thẩm quyền.
Qua 02 ngày xét xử công khai, các ý kiến tranh luận của bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý của các bị cáo đã được Kiểm sát viên đưa ra các chứng cứ, lập luận đối đáp đầy đủ, cặn kẽ và đảm bảo tính thuyết phục.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của các bị cáo, kết quả xét hỏi cũng như kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên 20 bị cáo trong vụ án về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự. Trong đó: 07 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù giam cách ly ra khỏi xã hội và 13 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo tại địa phương.
Bản án vừa thể hiện sự nghiêm khắc, răn đe, vừa thể hiện tính khoan hồng và nhân văn của pháp luật đối với người phạm tội là người chưa thành niên. Nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế thì có thể thấy, hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đang có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng, số vụ và mức độ, tính chất phạm tội. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật đều bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, thực hiện các hành đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, gây mất trật tự xã hội, trong đó không ít người phạm tội là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến như sau:
- Thứ nhất, về phía gia đình: Không dành thời gian để quan tâm, giáo dục con cái, buông lỏng quản lý, không chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con, nuông chiều thái quá, hoặc không có phương pháp dạy dỗ đúng đắn; giữa cha mẹ và con không có tiếng nói chung... Bên cạnh đó, một số trẻ em sống trong hoàn cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn, cha mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn… dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm, phát triển lệch lạc – làm cho các em cảm thấy bị bỏ rơi, do đó dễ bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Thứ hai, về phía nhà trường: Ở một số trường, chưa chú trọng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm sinh lý của từng học sinh, qua đó có phương pháp giảng dạy và uốn nắn kịp thời khi các em có những biểu hiện sai trái, lệch lạc.
- Thứ ba về môi trường xã hội: Ngoài gia đình và nhà trường thì môi trường xã hội cũng tác động không nhỏ đến việc hình thành và phát triển nhân cách của người chưa thành niên. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã có nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh (các trò chơi, giải trí mang tính bạo lực, sự tự do ngôn luận, tự do thể hiện mình…).
Chính những nguyên nhân trên đã góp phần không nhỏ vào con số thống kê người chưa thành niên phạm tội, vi phạm pháp luật ngày càng cao như nêu trên.
Phiên tòa khép lại và khiến nhiều người rơi lệ, người phạm tội khóc vì ân hận và hối tiếc cho những hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của bản thân. Nhiều bậc cha mẹ thì khóc vì đã thiếu quan tâm, chăm sóc, uốn nắn con trẻ dẫn đến việc phạm tội. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ đã và đang sống buông thả, không chí hướng và không chịu học tập, tu dưỡng bản thân, lấy bạo lực để giải quyết mâu thuẫn; là sự thức tỉnh của các bậc cha mẹ trong việc định hướng, giáo dục con em và cũng là bài học của toàn xã hội trong việc nhìn nhận, đánh giá đúng đắn sự tác động đa chiều từ cơ chế thị trường, công nghệ thông tin lên đời sống hàng ngày nói chung mà bất cứ gia đình nào cũng có thể hứng chịu những hệ lụy đáng buồn như trên./.
Hình ảnh toàn cảnh tại phiên tòa:
Nguyễn Thị Quỳnh Mai- Viện KSND thị xã Việt Yên